| Hotline: 0983.970.780

Thác Bản Giốc, nơi giành chủ quyền từ giọt nước

Thứ Hai 06/03/2017 , 14:30 (GMT+7)

Được các tổ chức thiên nhiên quốc tế xếp thứ 4 trong số các thác nước lớn, nổi tiếng nằm trên đường biên giới các quốc gia, Thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) ngày càng cuốn hút. Dù vậy, đằng sau vẻ đẹp của tạo hóa là cả một câu chuyện dài. Họ kể, họ chia sẻ không nhằm vào mục đích bán hàng hay để quảng bá du lịch...

Tiên cảnh chốn nhân gian

Biên viễn tháng Hai. Những cánh rừng nối dài ven tỉnh lộ 206 đang mùa thay lá. Hoa gạo đỏ trời, hoa lau trắng phếch, những rặng tre nhuốm màu gạch, vàng quạch cả một miền địa đầu Tổ quốc. Có lẽ vì thế nên mặc dù còn đói nghèo, còn cách trở, nhưng mấy năm trở lại nay, cứ sau những dịp tết cổ truyền, lượng khách thập phương chọn vùng phên dậu đất nước để du xuân như một sự trải nghiệm cứ tăng dần.

11-18-05_bg1
Thác Bản Giốc
 

Bản Giốc mùa xuân. Mùa này không có những cánh đồng lúa nhuộm vàng thung lũng nằm một bên chân thác, cũng không có những dải cầu vồng vắt ngang sau mưa mà các thợ ảnh vẫn thường bỏ công sức cả tháng trời những mong có được tấm ảnh để đời. Dù vậy, vẻ hùng vĩ của một trong những thác nước đẹp nhất thế giới không vì thế mà giảm bớt.

Từ trung tâm xã Đàm Thủy vào đến thác Bản Giốc chỉ tầm 2km. Đứng ở cánh đồng Bản Giốc nhìn lên, vạch ngang bầu trời, dòng Quây Sơn rót từng dải nước trắng không khác gì những dải lụa mềm mại rạch mây tung xuống. Thác chia thành tầng, thành lớp miệt mài đổ xuống thung lũng lúc nào cũng trong xanh ngăn ngắt. Không gào thét, gầm rú mà nhẹ nhàng dội xuống lòng sông, ngậm nhả những làn sương mờ ảo. Chắc chắn tạo hóa phải có sự sắp đặt hết sức tài tình thì dòng thác có thể đẹp tuyệt vời đến vậy.

Trước khi tạo thành Bản Giốc, dòng Quây Sơn chạy dọc dài theo biên giới Việt - Trung, đổ vào lãnh thổ Việt Nam tại Pò Peo thuộc xã Ngọc Khuê, huyện Trùng Khánh, tiếp tục chảy qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, đến xã Đàm Thuỷ dòng sông lượn quanh dưới chân núi Cô Muông, băng qua những cánh đồng, khe núi khá bằng phẳng giữa lưng trời rồi đột ngột trụt xuống khoảng 35 m, tạo thành thác Bản Giốc.

Sau khi đổ xuống chân thác, dòng sông chia thành nhiều nhánh đổ ngược sang bên kia biên giới. Giữa thác có một mô đất rộng phủ đầy cây, xẻ dòng sông thành ba luồng nước. Vào những ngày nắng, làn hơi nước bắn ra từ thác tạo thành cầu vồng. Dưới chân thác là mặt sông rộng với hai bên bờ là những thảm cỏ, vạt rừng.

Quả là tiên cảnh chốn nhân gian, và không lạ, từ những năm đầu thế kỷ trước, Bản Giốc đã được miêu tả trong tư liệu của Sở Địa chất Đông Dương thế này: “... Đây là một vùng đẹp nhất của Tonkin (tức miền Bắc), nếu không vì xa xôi và phương tiện lưu thông khó khăn nó rất xứng đáng để du khách đến thăm viếng với những hang động, những cây cầu chữ Z bắc lên những tảng đá băng qua sông, và nhất là cái thác hùng vĩ, gọi là thác bậc thềm có tên Tu Tong (Tụ Tổng) được người châu Âu biết đến nhiều qua tên thác Bản Giốc”. (Bulletin du service géologique de l’Indochine - 1922, trang 34).

Còn thời nay, với chiều rộng khoảng 208m và chiều cao khoảng 60 - 70m, thác Bản Giốc được các tổ chức thiên nhiên quốc tế xếp thứ 4 trong số các thác nước lớn, nổi tiếng nằm trên đường biên giới các quốc gia.

Sau một thời gian khá dài xảy ra những tranh chấp, xung đột, bây giờ Cột mốc 836 đã cắm cả hai phía thác, bên phía Việt Nam là mốc 836 (2), bên đất Trung Quốc là mốc 836 (1). Đường biên giới đã phân định đi từ cột mốc 835 trên cồn Pò Thoong chạy xuống điểm giữa của mặt thác chính, rồi chạy dọc theo dòng chảy sâu nhất của sông Quây Sơn.

Phía Việt Nam sở hữu phần thác phụ và một nửa thác chính, phía Trung Quốc sở hữu một nửa thác chính phía bờ bắc sông Quây Sơn. Cả mặt sông phía chân thác thành khu vực khai thác du lịch chung, khách từ Việt Nam hay từ Trung Quốc đều có thể lên bè, lênh đênh trên dòng Quây Sơn để ngắm "tiên cảnh chốn nhân gian".

Những mây, những núi, những thác, những thuyền, nhìn yên bình quá. Nhưng để có được sự yên bình ấy, nhân dân, bộ đội vùng biên ải đã trải qua cả một quá trình, nói như thượng tá Mê Văn Đạt, bộ đội biên phòng tăng cường làm Bí thư kiêm Chủ tịch xã Đàm Thủy thì đó là một cuộc chiến dai dẳng.
 

Cột mốc 836 và tiếng kẻng miền biên viễn

Phía lãnh thổ Việt Nam, ngay cạnh dòng thác hùng vĩ là khu chợ tạm người dân trong xã Đàm Thủy ngày ngày bán các sản phẩm phục vụ khách du lịch. Cũng giống như nhiều xã khác ở vùng phên dậu đất nước, Đàm Thủy vẫn còn nghèo. Cả xã có 18 xóm, hơn 5.000 nhân khẩu thuộc các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao. Trong đó, dân tộc Tày và Nùng chiếm số đông, ngoài ra chỉ có 6 hộ dân tộc Dao, 4 hộ dân tộc Kinh.

Tự bao đời, những người dân nơi này sống chủ yếu dựa vào những vụ mùa trầy trật. Kể từ khi thác Bản Giốc được khai thác tiềm năng du lịch, UBND xã Đàm Thủy thống kê có khoảng ¼ số dân chuyển sang phục vụ khách thập phương. Ngồi nói chuyện với họ, có cảm giác ở xứ này, nhắc đến thác Bản Giốc, mỗi một người dân từ trẻ đến già không khác gì pho sử.

11-18-05_bg3
Người dân bản Giốc mưu sinh quanh dòng thác
 

Họ kể, họ chia sẻ không nhằm vào mục đích bán hàng hay để quảng bá du lịch mà chỉ để chứng minh, ở mảnh đất phên dậu của Tổ quốc này, đời sống người đồng bào có thể còn nghèo, có thể còn thiếu thốn đủ thứ, nhưng ý chí độc lập chủ quyền, ý chí bảo vệ tấc đất, mé nước chưa một phút nào lơ là.

Ông Nông Tài Chu, lão nông người Tày sống bằng nghề cho du khách thuê ngựa chụp ảnh ở chân thác nói với tôi: Mặc dù bây giờ biên giới được phân định rõ ràng rồi nhưng trong tiềm thức người dân Đàm Thủy vẫn thường trực cảnh giác. Chỉ cần gõ vài hồi kẻng là người dân các bản tập hợp sẵn sàng ngay. Cũng phải thú thực rằng, trước khi lên Bản Giốc tôi chưa bao giờ nghĩ đến công cuộc bảo vệ chủ quyền ở miền biên viễn này lại gian nan đến vậy, nhất là với đồng bào các dân tộc trong xã Đàm Thủy.

Bản thân ông lão cho thuê ngựa Nông Tài Chu từng rất nhiều lần cùng với người dân xã Đàm Thủy đứng lên chống lại những hành động xâm lấn từ phía bên kia biên giới.

Ông Chu kể rằng, rất nhiều, cao điểm là những năm 1998-2000 khi người Trung Quốc phía bên kia sông liên tục đòi vượt thác để lấn sang lãnh thổ Việt Nam. Mỗi lần như vậy, người dân thôn Bản Giốc và các thôn bản lân cận đánh kẻng gọi nhau kéo ra bờ thác ngăn cản. Thậm chí không ít lần dân bản có người bị thương vì phía bên kia dùng gạch đá ném sang. Lán chòi bên ta dựng lên để người ra canh giữ thì họ cho người lén lút sang đốt hết.

“Người dân Cô Muông (thôn nằm cạnh đỉnh thác), người dân Bản Giốc, người dân xã Đàm Thủy bao đời nay chịu nhiều áp lực lắm. Bên họ hay rình rập để phá nhưng dân bên ta vẫn kiên trì bám trụ gìn giữ nên họ không làm được gì đâu. Ấy là chưa kể bộ đội biên phòng thường trực bám biên. Mấy lần phía Trung Quốc đòi nhổ Cột mốc 53 - cột mốc bằng đá cắm để phân định ranh giới từ thời Pháp -Thanh nhưng cả bộ đội biên phòng với nhân dân ta ngăn chặn quyết liệt nên họ đành từ bỏ”, ông Chu cười hiền.

Thượng tá Mê Văn Đạt nói thêm: Bây giờ tình hình đã ổn, nhưng nhân dân, bộ đội biên phòng luôn thường trực đề phòng bất trắc.

Thượng tá Đạt còn chỉ tấm panô lớn với bản đồ quy hoạch chi tiết khu du lịch thác Bản Giốc được ghi nổi bật hàng chữ: “Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch thác Bản Giốc - theo Quyết định 134/QĐ TTg của Thủ tướng Chính phủ”.

Số tiền dự kiến đầu tư cho Bản Giốc đến năm 2020 khoảng 2.400 tỉ đồng. UBND huyện Trùng Khánh cũng tích cực chỉ đạo tăng cường quản lý quy hoạch và vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, quy định trong lĩnh vực xây dựng và sử dụng đất đai; sắp xếp lại chợ tạm khu vực mốc 835, khu vực hạ lưu thác, làng văn hóa dân tộc Tày xóm Khuổi Ty. Một số dự án trên địa bàn cũng được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào khai thác du lịch, như tôn tạo, xây dựng kè bảo vệ mốc 836; đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ tỉnh lộ 206 vào động Ngườm Ngao...

Chưa hết, Dự án Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, do Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư đã hoàn thành và mở cửa đón khách thập phương tới vãn cảnh chùa. Khu nghỉ dưỡng cao cấp thác Bản Giốc được Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cũng đã xong để thu hút khách quốc tế và trong nước tới tham quan, nghỉ dưỡng. Một Bản Giốc đang thay đổi từng ngày.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2015

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…