Đó là bước đi táo bạo, nhằm lấp lỗ hổng của ngành chăn nuôi, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi lây lan và diễn biến khó lường.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Thái Bình tham quan trang trại chăn nuôi đại gia súc của Cty CP T&T 159 Hòa Bình. |
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết số 07 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 – 2015 và những năm tiếp theo.
Nghị quyết 07 xác định quy mô đàn trâu, bò của Thái Bình hiện nay chỉ đạt 55.000 con là nhỏ. Sản lượng thịt trâu, bò xuất chuồng chỉ chiếm tỷ trọng 3,3% sản lượng thịt gia súc, gia cầm toàn tỉnh.
Trong khi đó, diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt (lúa, ngô…) hàng năm khoảng 228.000 ha, tạo ra nguồn nguyên liệu rất lớn để làm thức ăn (tinh, thô…) và đệm lót sinh học cho chăn nuôi trâu, bò.
Để phát triển đàn trâu, bò thương phẩm có năng suất, chất lượng cao theo chuỗi liên kết, trở thành một trong những đối tượng vật nuôi chủ lực của tỉnh, mục tiêu của Thái Bình từ nay đến hết năm 2025 sẽ nâng tổng đàn trâu, bò trong tỉnh đạt 180.000 con trở lên (trong đó đàn trâu, bò cái nền đạt chuẩn 80.000 con trở lên).
Tỷ trọng chăn nuôi chiếm 48 – 50% giá trị SX nông nghiệp; tỷ trọng chăn nuôi trâu, bò chiếm 18 – 20% giá trị SX ngành chăn nuôi. Đặc biệt, mục tiêu của tỉnh là xây dựng được 3 – 5 trại “lõi” trở lên để đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết và phát triển được 25.000 – 28.000 nông hộ, gia trại chăn nuôi trâu, bò vệ tinh.
Khi có sản lượng lớn, tỉnh sẽ có cơ chế chính sách để thu hút đầu tư xây dựng 1 – 2 khu giết mổ gia súc tập trung để tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, cung ứng cho người tiêu dùng.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra, đó là tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các vùng chăn nuôi trâu, bò tập trung, vùng trồng nguyên liệu làm thực ăn cho đại gia súc, khu giết mổ gia súc tập trung vào quy hoạch xây dựng vùng cấp huyện.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và lãnh đạo tỉnh Thái Bình tham quan mô hình chăn nuôi bò tập trung quy mô nông hộ tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội. |
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết; phát triển đàn trâu, bò cái nền đạt chuẩn để chủ động cung cấp con giống chất lượng cao; thu hút, phát triển các doanh nghiệp “hạt nhân” và khuyến khích hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác trong chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò thương phẩm.
Trước đó, ông Nguyễn Hồng Diên – Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đi tham quan, học tập kinh nghiệm một số mô hình chăn nuôi đại gia súc thành công. Điển hình là tổ hợp chăn nuôi bò, nhà máy SX thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ vi sinh của Cty CP Giống và Thức ăn chăn nuôi T&T 159 (ở xã Yên Mông, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình); mô hình chăn nuôi bò tập trung theo quy mô nông hộ tại xã đảo Minh Châu (huyện Ba Vì, Hà Nội). Người đứng đầu tỉnh Thái Bình cho rằng, phát triển đại gia súc là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn cung thịt lợn có thể khan hiếm vì dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng thịt đỏ ngày càng tăng, là ngành hàng có triển vọng giá trị cao trong tương lai. |