Theo ông Phạm Văn Lý-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình cho biết, từ 26/9 tới nay toàn tỉnh xuất hiện 16 ổ dịch tả lợn Châu Phi, chủ yếu là tại những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Vũ Thư, Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Kiến Xương và thành phố khiến cho 729 con phải tiêu hủy.
Trong những ổ dịch này có nhiều con lợn nái đã vượt qua dịch năm 2019, vẫn khỏe mạnh, sinh đẻ bình thường, tưởng có kháng thể thì lại bị dính bệnh.
“Chúng tôi không biết rõ lý do tại sao năm ngoái chúng vượt qua dịch năm nay lại bị nhưng theo phán đoán có thể do người chăn nuôi trong quá trình di chuyển, qua lại, quần áo, phương tiện tiếp xúc với mầm bệnh rồi lây. Cả 16 ổ dịch mới phát sinh đều là do các hộ tự để giống chứ không mua ở bên ngoài", ông Lý chia sẻ.
Một điều lạ là triệu chứng của bệnh năm nay rất khác, năm ngoái từ lúc phát hiện đến lúc lợn chết khoảng 2-3 ngày còn năm nay từ lúc phát hiện đến lúc lợn chết khoảng 6-7 ngày, bởi vậy mà một số bà con nghi lợn bị nhiễm bệnh tai xanh nên đã tiêm chữa.
Năm ngoái, lợn chết bị tím tái bụng và tai nay lại đỏ rực toàn thân. Sở dĩ dịch năm nay xuất hiện rải rác bởi tâm lý chủ quan của bà con rằng năm ngoái lợn nhà hàng xóm bị rất nặng mà lợn mà mình không bị (2019 Thái Bình tiêu hủy khoảng 377.000 con lợn) nên chẳng đề phòng, đến lúc dính mới bất ngờ”.
Cũng theo ông Lý, một điều khó là từ đầu năm đến nay Thái Bình đang phải chờ Trung ương ban hành cơ chế hỗ trợ trong khi hồ sơ đã làm, bà con đang mong mà chưa có hướng dẫn. Để khống chế bệnh, tỉnh áp dụng chính sách tại những xã có dịch phải phun hóa chất và rắc vôi vột để khử trùng, tiêu độc, chỉ giết mổ tiêu thụ nội xã với điều kiện lợn khỏe mạnh, đủ trọng lượng.
Đối với vùng chưa có dịch, khi tái đàn cảnh báo cho những hộ quy mô nhỏ lẻ chuồng trại phải đảm bảo an toàn sinh học mới được nuôi còn với các trang trại thì khuyến khích nhưng phải chọn mua giống từ những cơ sở rõ nguồn gốc, đủ giấy tờ.
Kinh nghiệm cho thấy 2 hộ ở huyện Quỳnh Phụ hồi tháng 6 đã qua cò dẫn mối đi mua giống từ tỉnh ngoài, không có giấy tờ gì, không rõ họ tên, địa chỉ của chủ trại nên về dính bệnh, phải tiêu hủy mất 200 con mà không được hỗ trợ vì vi phạm.