| Hotline: 0983.970.780

Không để Dịch tả lợn Châu Phi tái phát, lây lan diện rộng

Thứ Ba 20/10/2020 , 21:43 (GMT+7)

Trước nguy cơ Dịch tả lợn Châu Phi tái phát, lây lan trên diện rộng, ngày 20/10, Bộ NN-PTNT có công văn nóng gửi các tỉnh, thành tăng cường tập trung chỉ đạo kiểm soát.

Theo Bộ NN-PTNT, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn. Ảnh: TL.

Theo Bộ NN-PTNT, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn. Ảnh: TL.

Trong Công văn số 7258/BNN-TY do Thú trưởng Phùng Đức Tiến ký ban hành gửi UBND 30 tỉnh, thành phố, Bộ NN-PTNT cho biết, báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương, hiện nay, cả nước có 324 xã của 29 tỉnh, thành phố có bệnh bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) chưa qua 21 ngày.

Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát và lây lan diện rộng, khắc phục ngay những khó khăn, tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong đó có Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020 - 2025”.

Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng, trong đó Sở NN-PTNT thành lập ngay các Đoàn công tác do lãnh đạo Sở, lãnh đạo UBND làm trưởng đoàn, đồng thời cử các tổ cán bộ kỹ thuật đến trực tiếp các địa phương có ổ bệnh DTLCP (chưa qua 21 ngày) để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.

Khẩn trương xây dựng, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt, bố trí kinh phí và các nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh DTLCP của địa phương. Kế hoạch của địa phương phải cần có mục tiêu, giải pháp cụ thể và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm thống nhất với các nội dung của kế hoạch quốc gia.

Tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh DTLCP theo nguyên tắc tuân thủ và thực hiện những nội dung, giải pháp tại kế hoạch quốc gia, cũng như những biện pháp cụ thể tại 2 các văn bản của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP, văn bản của Bộ NN-PTNT và các văn bản hướng dẫn kỹ thuật của Cục Thú y.

Chủ động triển khai giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP.

Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường; báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp thôn đến cấp xã, huyện và tỉnh theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y.

Tổ chức giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bất hợp pháp qua biên giới theo nội dung Công văn số 3991/BNN-TY ngày 13/6/2020 của Bộ NN-PTNT.

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan. Ảnh: TL.

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan. Ảnh: TL.

Tổ chức tổng kết, đánh giá, phổ biến và nhân rộng các mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh phù hợp với điều kiện và quy mô chăn nuôi. Có kế hoạch và chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh DTLCP để phát hiện sớm, cảnh báo và kịp thời tổ chức triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật thú y, nhất là tại cơ sở theo tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18/6/2019 của Chính phủ, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 và Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm lực lượng tổ chức phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng dịch bệnh.

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất