Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tham dự một sự kiện quảng bá trái cây trong nước ngay trong khuôn viên tòa nhà chính phủ hồi tháng 6/2017 |
Theo tờ Bangkokpost, căng thẳng giao thương giữa hai quốc gia Đông Nam Á nổ ra đúng vào thời điểm các mặt hàng trái cây nhiệt đới của Thái Lan vào mùa thu hoạch rộ chính vụ, có nguy cơ khủng hoảng thừa do bế tắc đầu ra. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Sontirat Sontijirawong ngay lập tức đã lên tiếng trấn an nông dân, đồng thời tuyên bố sẽ chịu trách nhiệm trước chính phủ về sự cố này. Ông Sontirat cũng cho biết, đang đánh giá các ảnh hưởng sau động thái từ Indonesia cũng như nghiên cứu các giải pháp đáp trả quốc gia láng giềng trong thời gian tới.
"Việc áp đặt các rào cản thương mại rơi vào đúng thời vụ thu hoạch rộ hay mùa vụ với đối tác là hành động không đẹp, nhất là đối với những mặt hàng nhạy cảm như hoa quả tươi vốn có thời gian bảo quản chất lượng sau thu hoạch rất ngắn. Điều này là bất công bởi lâu nay chúng tôi vẫn đấu tranh và theo đuổi cho sự bình đẳng và công bằng trong thương mại làm sao để các sản phẩm có sức cạnh tranh”, ông Mr Sontirat nói.
Trước đó, tổng giám đốc Phòng Đàm phán thương mại Thái Lan Auramon Supthaweethum cũng tuyên bố đang soạn thảo trình phương án đáp lại hành động cấm nhập khẩu trái cây của Indonesia. Thông tin ban đầu từ ông Auramon cho hay, chính phủ Thái Lan cam kết sẽ ban hành ngay lệnh kiểm soát nghiêm ngặt đối với những mặt hàng xuất khẩu của Indonesia, kể cả tình huống xấu nhất là đóng cửa thị trường. Tuy nhiên dù thế nào chính phủ cũng sẽ ưu tiên giải pháp tối ưu mà không vi phạm các nguyên tắc cũng như luật pháp thương mại quốc tế, thông qua các cuộc tư vấn từ nhiều cơ quan chuyên môn và mọi chuyện sẽ có đáp án ngay trong tháng này.
Theo các chuyên gia phân tích thị trường, từ đầu năm đến nay chính phủ Thái Lan và Indonesia đã tổ chức khá nhiều cuộ họp để giải quyết các khúc mắc về thương mại ở cấp Bộ trưởng nhưng không đạt được bất cứ một thỏa thuận nào. Trong năm 2017, Thái Lan xuất khẩu 97.000 tấn nhãn tươi đi thị trường Indonesia, đạt trị giá 83,7 triệu USD và khoảng 760 tấn sầu riêng qua đường biển, trị giá 1,2 triệu USD. Và trong năm năm liền vừa qua, kim ngạch thương mại song phương giữa hai quốc gia Asean đạt trung bình 16,2 tỷ USD mỗi năm.
Năm 2017 cũng đánh dấu sự tăng trưởng đột ngột trong giao thương hai chiều giữa hai nước, với doanh số tăng tới 6,2 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2016. Trong đó, các mặt hàng của Thái Lan xuất khẩu sang Indonesia đạt con số 8,8 tỷ USD, thặng dư 4 tỷ USD so với Indonesia. Bước sang năm 2018, tính đến hết tháng Tư, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 6 tỷ USD, trong đó các mặt hàng xuất khẩu của Thái Lan luôn tăng trưởng cao hơn đối tác Indonesia.
Trước đó, hồi năm 2016, chính phủ Indonesia chỉ cho phép Thái Lan xuất khẩu mặt hàng trái cây sầu riêng sang nước này trong thời gian đúng 1 tháng thuộc nửa đầu năm, số lượng không hạn chế. Quyết định đơn phương trên được Jakarta lấy lý do là cần bảo vệ sản phẩm sầu riêng trong nước trước nguy cơ bị rớt giá khi mặt hàng trái cây rất được ưa chuộng này của Thái Lan xuất hiện trên thị trường Indonesia. Đặc biệt là trong thời gian sầu riêng của Indonesia vào mùa sẽ không thể cạnh tranh được với Thái Lan. |