| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Dự án nước thải nghìn tỷ mới vận hành đã 'đắp chiếu'

Thứ Năm 21/11/2019 , 20:26 (GMT+7)

Qua hơn 20 năm triển khai dự án, đến đầu năm 2018 dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) mới chính thức hoạt động. Thế nhưng, từ cuối tháng 8/2019, Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng này đã gặp sự cố.

Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên được thực hiện theo Nghị định thư Việt Pháp năm 1998 và tỉnh Thái Nguyên phê duyệt thực hiện từ năm 2000, với tổng mức đầu tư là 231,62 tỷ đồng.

Sau thời gian yên vắng, đến năm 2007, dự án tiếp tục được phê duyệt điều chỉnh bổ sung với tổng mức đầu tư hơn gấp đôi: 579,90 tỷ đồng; và rồi, 5 năm sau, năm 2012, UBND tỉnh Thái Nguyên lại phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tiếp tục tăng gấp đôi, lên đến gần 1.000 tỷ đồng (950,489 tỷ đồng).

Trong đó, vốn vay ODA của Cộng hòa Pháp trên 412 tỷ đồng, vốn đối ứng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương là trên 530 tỷ đồng, được giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước và Phát triển hạ tầng Thái Nguyên làm chủ đầu tư.

Báo cáo sự việc sự cố tại Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng.

Dự án được thực hiện trong phạm vi khoảng 1.200 ha, trong địa phận 9 phường của khu trung tâm phía Bắc thành phố Thái Nguyên, với mục tiêu cải thiện vệ sinh môi trường, chống ngập úng cục bộ và thu gom, xử lý nước thải phục vụ cho khoảng 100.000 dân thuộc vùng dự án.

Mặc dù được xác định là dự án trọng điểm của tỉnh, song đây cũng là một trong những dự án gây nhiều bức xúc trong dư luận địa phương, bởi việc chậm tiến độ kéo dài, khiến nhiều người lo ngại về việc sự lạc hậu của thiết bị, công nghệ.

Sau nhiều lần trễ hẹn, từ đầu năm 2018, dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên chính thức hoạt động. Thế nhưng, từ cuối tháng 8/2019 Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng gặp sự cố do 3 tủ điện bị cháy khiến toàn bộ hệ thống “tê liệt” và chưa biết đến bao giờ mới hoạt động trở lại.

Một góc Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng - nơi xảy ra sự cố cháy tủ điện.

Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng là một trong những hạng mục chính của Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên, có công suất thiết kế 6.000m3/ngày đêm, tổng giá trị khoảng 280 tỷ, chỉ tính riêng tiền thiết bị là 6,975 triệu Euro (tương đương 203,7 tỷ đồng).

Do đang trong quá trình chuyển giao kỹ thuật, nên việc xử lý, khắc phục sự cố của nhà máy phải có kết luận điều tra chính thức của cơ quan chức năng về phòng cháy chữa cháy tỉnh Thái Nguyên và sự thống nhất của các bên liên quan, gồm: Cơ quan Kinh tế Pháp, Ban Quản lý dự án, Tư vấn Berim, nhà thầu cung cấp thiết bị Suez, nhà thầu lắp đặt phía Việt Nam...

Trong buổi làm việc với Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 15/11, đại diện Ban lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thoát nước và Phát triển hạ tầng Thái Nguyên cho biết: Giá trị 3 tủ điện bị cháy được xác định vào khoảng 7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa xác định được trách nhiệm thuộc về ai, nguồn kinh phí sửa chữa sẽ do bên nào chịu trách nhiệm? Phía công ty cũng chưa biết đến khi nào nhà máy này mới vận hành trở lại.

Việc chậm khắc phục sự cố của Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng không những làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường cho sông Cầu, không đảm bảo việc làm cho cán bộ, công nhân vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải… mà còn khiến dư luận đặt nghi vấn về chất lượng, sự lạc hậu của thiết bị, chỉ vì Nghị định thư Việt Pháp đã kỳ từ hơn 20 năm trước.

Không những thế, với sự cố cháy nổ khiến hệ thống hỗ trợ thoát nước không thể hoạt động, đã “góp phần” khiến toàn thành phố Thái Nguyên phải chịu cảnh ngập lịch sử sau trận mưa kéo dài đêm 9 rạng sáng ngày 10/9 xảy ra sau đó ít ngày.

Lễ ký kết dự án Nước thải phía Nam TP.Thái Nguyên được ký từ 2015.

Trong lúc dự án thoát nước phía Bắc thành phố, với đầu tư gần 1.000 tỷ, vẫn đang “chết yểu” thì dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu trung tâm phía Nam thành phố Thái Nguyên, có tổng mức đầu tư 439 tỷ đồng, tương đương 18,8 triệu euro; trong đó, vốn vay ODA của Chính phủ Vương quốc Bỉ là 252 tỷ đồng, tương đương 10,8 triệu euro, vốn đối ứng là 186 tỷ đồng, tương đương 8 triệu euro được chủ đầu tư là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước và phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên và nhà thầu Sodraep (Vương quốc Bỉ) ký kết từ tháng 12/2015, đến nay vẫn chưa thi công hạng mục nào, ngoài lễ ký kết?

Dư luận đang hoài nghi, liệu dự án mới này có bị kéo dài thời gian và tiếp tục một hành trình “đội vốn”?

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất