Ông Trần Văn Bản (làng Thượng Cung, xã Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội) đã hơn 40 năm làm khuôn bánh trung thu bằng gỗ. |
Trước đây, ở làng Thượng Cung có nhiều người làm nghề nay. Đến nay, nhiều người đã bỏ nghề, cả làng vẻn vẹn có vài nhà bám trụ với nghề truyền thống. Một khuôn gỗ thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn. Trước tiên là pha gỗ thành hình khuôn theo kích thước và mẫu mã khách hàng yêu cầu. |
Sau đó, khúc gỗ này được bào nhẵn. Loại gỗ thường được dùng là xà cừ. "Trước các cụ hay làm bằng gỗ cây thị, nhưng gỗ thị giờ hiếm nên tôi chuyển sang gỗ cây xà cừ", ông Bản kể. |
Công đoạn quan trọng nhất và được làm thủ công là đục đẽo hình trang trí trong khuôn. Việc này đòi hỏi nhiều sự khéo léo. |
Những chiếc dùi đục được ông Bản đặt riêng và mỗi một loại có nhiệm vụ khác nhau. |
Các chi tiết hoa văn hiện trên khuôn có sắc nét hay không là nhờ bàn tay tài hoa của những người thợ làm khuôn bánh hiếm hoi còn lại. |
Để kiểm tra chất lượng của khuôn, thợ dùng đất sét đóng vào khuôn như bánh thật. "Phải kiểm tra để biết được khuôn hỏng thừa thiếu chi tiết gì để còn khắc phục. Ngoài ra còn để lấy mẫu chụp ảnh cho khách đặt khuôn biết được hình dáng chiếc khuôn như thế nào", ông Bản nói. |
Mỗi mùa Trung thu, gia đình ông Bản làm ra khoảng 500-600 khuôn bánh. Giá khuôn giao động từ 150.000 đến 300.000 nghìn đồng một chiếc, tùy kích cỡ. Có những chiếc khuôn bánh cỡ to có giá lên tới cả triệu đồng. |
Những năm gần đây người dân có xu hướng quay lại với đồ truyền thống nên thu nhập của gia đình cũng có chút cải thiện. |
Hiện nay ở làng Thượng Cung không còn nhiều gia đình làm khuôn như nhà ông Bản nữa. Giới trẻ của làng phần lớn không hào hứng với công việc này. |