| Hotline: 0983.970.780

Thảm họa không từ trên trời rơi xuống

Thứ Hai 24/08/2020 , 10:45 (GMT+7)

Hơn chục năm nay, miền núi phía Bắc liên tiếp xảy ra những trận lũ ống, lũ quét, sạt lở núi kinh hoàng. Thảm họa không từ trên trời rơi xuống…

Thảm họa từ những mỏ quặng

Mặc dù vụ vỡ bãi thải từ mỏ quặng của Công ty CP khai khoáng Minh Đức (Công ty Minh Đức) xảy ra tại thôn 2 Núi Vì, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái từ sáng 4/8/2020 đến nay đã hơn hai tuần, nhưng bà Lương Thị Hằng vẫn chưa hết bàng hoàng.

Vụ vỡ bãi thải khai trường núi 300 xuống thôn 2 Núi Vì ngày 4/8/2020. Ảnh: Thái Sinh.

Vụ vỡ bãi thải khai trường núi 300 xuống thôn 2 Núi Vì ngày 4/8/2020. Ảnh: Thái Sinh.

Khi nói chuyện với chúng tôi đôi mắt dáo dác của bà lại nhìn về phía sau nhà, nơi ấy là khai trường khai thác quặng sắt núi 300 của Công ty Minh Đức toang hoác, đất đá ngổn ngang.

Giọng uất nghẹn pha nỗi thất vọng bà kể: Mấy hôm ấy trời mưa liên miên, mọi người không thể ra đồng được. Tôi ngồi trên nhà nhìn ra cánh đồng dưới chân Núi Vì.

Kể từ khi Công ty Minh Đức về đây khai thác quặng sắt, đất đá từ khu mỏ trên núi mỗi lần mưa xuống theo nước tràn vào ruộng, không thể nào cấy trồng được. Đầu tiên là những khu ruộng trũng, tiếp đến là những khu ruộng cao cũng không thoát.

Bà con đành phải lấp ruộng để trồng hoa màu. Toàn đất đỏ cây ngô, cây sắn chỉ to bằng ngón tay phí công làm mà chả được thu hoạch.

Sáng hôm ấy tôi nghe tiếng réo ầm ầm từ trên khu mỏ tưởng như lở núi, nước và đất đá đỏ như máu ồ ạt đổ xuống, chỉ trong chốc lát dòng sông bùn đất theo dòng nước tràn khắp cánh đồng, rồi tràn vào gầm sàn nhà tôi.

Hai vợ chồng ở trên nhà không thể xuống dưới sàn để cứu 5 cái xe máy cùng hai máy nổ và hai máy phát cỏ đều bị lũ bùn vùi lấp.

Vợ chồng bà Lương Thị Hằng thôn 2 Núi Vì vẫn chưa hết bàng hoàng. Ảnh: Thái Sinh.

Vợ chồng bà Lương Thị Hằng thôn 2 Núi Vì vẫn chưa hết bàng hoàng. Ảnh: Thái Sinh.

Chúng tôi không biết chạy đi đâu được, dưới sàn dòng sông bùn đang cuồn cuộn chảy, đành ngồi trên nhà nhìn xuống, nếu hôm ấy đất đá từ bãi thải đổ thẳng xuống nhà tôi, thì chúng tôi bị chôn sống mất rồi…

Núi Vì cao 300m, nên người ta gọi là núi 300, khi Công ty Minh Đức chưa về khai thác quặng ở đây, Núi Vì xanh ngắt cây rừng, người dân làm nhà quanh chân núi, mặt hướng ra cánh đồng, một vùng quê êm đềm đẹp như tranh vẽ.

Sau mấy năm Công ty Minh Đức về đây, thì cuộc sống của mấy chục hộ dân luôn bị đe dọa tứ phía, từ tiếng mìn phá đá nhiều hộ bị đất đá bay vào nhà, ban đầu mỗi lần nổ mìn họ còn báo cho dân biết, sau thì không cần báo, cứ 11 giờ 30 phút nhiều gia đình đang ăn cơm thì mìn nổ ầm ầm trên núi, nhiều nhà phải bỏ bữa cơm đấy mà chạy tìm nơi trú ẩn, bọn trẻ con thì khóc thét lên vì sợ hãi. Vụ vỡ đập bãi thải trở thành nỗi kinh hoàng của người dân thôn 2 Núi Vì.

Cánh đồng thôn 2 Núi Vì bị san phẳng sau vụ vỡ bãi thải của Cty Minh Đức. Ảnh: Thái Sinh.

Cánh đồng thôn 2 Núi Vì bị san phẳng sau vụ vỡ bãi thải của Cty Minh Đức. Ảnh: Thái Sinh.

Xã Lương Thịnh giáp với xã Hưng Khánh hiện mấy công ty đang khai thác và chế biến khoáng sản đang hoạt động, đó Công ty CP khoáng sản Hưng Phát, Công ty Cổ phần khoáng sản Tây Bắc, Công ty TNHH Tân Tiến để hai vụ vỡ đập thải khiến người dân kinh hoàng.

Đó là vụ vỡ đập bùn thải của Công ty khoáng sản Hưng Phát vào rạng sáng ngày 20/7 đổ thẳng xuống cánh đồng thôn Phương Đạo II trong mùa mưa bão năm 2018.

Hàng ngàn khối bùn thải ồ ạt đổ xuống suối, tràn vào ruộng lúa của của 31 hộ dân thôn Phương Đạo II, chôn vùi 2,3 ha ruộng lúa cấy hai vụ ngập sâu từ 0,5-1m.

Gia đình bà Hoàng Thị Vải nằm dưới chân đập buộc phải di chuyển gấp, nếu đập chứa bùn thải của Cty Hưng Phát tiếp tục vỡ, thì nhà của gia đình bà và hai hộ bên dưới sẽ bị san phẳng…

Trước đó vụ vỡ đập thải của Công ty CP khoáng sản Tây Bắc xảy ra lúc 18h30 ngày 30/9/2012 trời không mưa gió, người dân thôn Lương Thiện, xã Lương Thịnh bất ngờ nghe một tiếng nổ dữ dội như sấm rền rung chuyển mặt đất. Họ hoảng hốt nhìn ra cánh đồng đang chuẩn bị gặt bị hàng ngàn khối bùn đất nhấn chìm.

Ba vụ nổ “bom bùn” từ các mỏ quặng không phải từ trên trời rơi xuống, mà từ các bãi thải quặng của các công ty khai khoáng gây ra.

Những quả “bom nước” của các nhà máy thủy điện

Tỉnh Yên Bái có nhiều dòng suối có tiềm năng thủy điện: Suối Thia, ngòi Hút, Nậm Kim, suối Xuân, Nậm Tộc, Năng Phai, Nậm Đông… đến nay đã xây dựng dày đặc các công trình thủy điện. Theo thống kê của Sở Công Thương, Yên Bái có 53 dự án thủy điện, trong đó có gần 30 nhà máy đã phát điện.

Thủy điện Văn Chấn xây dựng trên dòng suối Thia. Ảnh: Thái Sinh.

Thủy điện Văn Chấn xây dựng trên dòng suối Thia. Ảnh: Thái Sinh.

Những quả “bom nước” treo lơ lửng trên các sườn núi cao, hệ thống suối Thia có các nhà máy thủy điện: Hát Lừu, Noong Phai, Văn Chấn, Thác Cá I, Thác Cá II, Đồng Sung, Nậm Đông III, Nậm Đông IV…; hệ thống ngòi Hút có các nhà máy thủy điện: Ngòi Hút 1, Ngòi Hút 2A…; hệ thống Nậm Kim có Hổ Bốn, Khao Mang Hạ, Khao Mang Thượng Nậm Kim… Các nhà máy thủy điện đều có hồ chứa từ vài trăm ngàn đến cả triệu khối nước.

Trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng xảy ra ngày 11/10/2017 quét qua 3 huyện: Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên và TX. Nghĩa Lộ, đã cướp đi 28 sinh mạng và làm 9 người bị thương; 1.976 ngôi nhà bị trôi, buộc phải di dời; 227,7 ha ruộng bị sạt lở, vùi lấp; 694,5 ha hoa màu bị vùi lấp; 140 công trình thủy lợi bị phá hủy và hư hỏng; 64 công trình giao thông bị sạt lở… tổng giá trị thiệt hại 973,552 tỷ đồng.

Thủy điện Văn Chấn xả lũ. Ảnh: Thái Sinh.

Thủy điện Văn Chấn xả lũ. Ảnh: Thái Sinh.

Thủ phạm chính của trận lũ lịch sử này là do trời mưa lớn, các nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ, tạo ra những dòng lũ bùn, lũ đá chảy như tên bắn, chúng nhấn chìm và phá hủy tất cả những gì trên đường đi, cầu Thia bị đứt phăng, cuốn trôi 6 người đang đi trên cầu, trong đó có nhà báo Đinh Hữu Dư đang ghi hình những về trận lũ kinh hoàng đó.

Việc xây dựng nhà máy thủy điện đã đổ xuống lòng các dòng suối hàng triệu khối đất đá, lượng đất đá này đã nâng lòng suối lên, khiến lũ chảy nhanh hơn, sức công phá của dòng nước lũ càng ác liệt hơn.

Hàng trăm ha ruộng lúa và hoa màu nằm dọc các dòng suối: Ngòi Thia, Ngòi Hút, Nậm Đông, Hát Lừu… đã bị xóa sổ, nay chỉ còn là bãi đất đá khổng lồ.

Thảm họa từ nạn “cát tặc”, “vàng tặc”

Nhiều năm qua, nạn “cát tặc”, “vàng tặc” đã phá nát dòng sông Hồng, sông Chảy và Ngòi Thia. Những tàu cuốc khổng lồ như những ngôi nhà 2-3 tầng ngày đêm móc ruột dòng sông, đổ ra từng núi sỏi thải như những con đê chắn giữa lòng sông, suối.

Tàu hút cát sỏi trên sông Hồng. Ảnh: Thái Sinh.

Tàu hút cát sỏi trên sông Hồng. Ảnh: Thái Sinh.

Khi mưa lũ về, những núi sỏi thải đó trở thành vật cản, khiến dòng nước thúc vào hai bên bờ, khiến hàng chục ha ruộng và bãi bồi ven sông bị lũ nuốt chửng.

Anh Trần Xuân Liên thôn 12 xã Đại Minh, huyện Yên Bình có vườn bưởi cổ nằm ven bờ sông Chảy bức xúc nói về nạn tàu cuốc: Mấy năm nay khi tàu cuốc đến khai thác cát sỏi, khiến bãi soi nhà tôi dài 100m, sâu 40-50m lở hết xuống sông.

Mùa mưa bão 2018 thủy điện Thác Bà xả lũ, vườn bưởi nhà tôi tiếp tục sạt lở. Đất nhà tôi trước đây ở tận ngoài dòng sông, gốc bưởi cổ thụ còn đó, nay sạt đến đây, chẳng mấy chốc sạt vào tận con đường trong kia, vườn bưởi cổ nhà tôi chắc bị xóa sổ thôi…

Nhiều người cho rằng, thảm họa sạt lở núi và lũ ống, lũ quét vào mỗi mùa mưa không phải từ trên trời rơi xuống mà từ chính từ việc làm của con người gây ra.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Đủ nước cho vụ đông xuân ở Đông Nam bộ

Các tỉnh Đông Nam bộ đang sản xuất vụ đông xuân trong bối cảnh nguồn nước được dự báo đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất ở các công trình thủy lợi.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.