| Hotline: 0983.970.780

'Cao lanh tặc' nở rộ tại Yên Bái

Thứ Hai 17/08/2020 , 07:10 (GMT+7)

Tỉnh Yên Bái có nhiều mỏ cao lanh (Kaolin), mấy năm nay “cao lanh tặc” hoành hành dữ dội ở nhiều nơi. Các cơ quan chức năng có biết hay tưởng nhầm là… đất?

Ông Lê Cao Tấn chỉ khu vực khai thác cao lanh trái phép tại dốc Khe Sẻ, thôn Khe Trang. Ảnh: Thái Sinh.

Ông Lê Cao Tấn chỉ khu vực khai thác cao lanh trái phép tại dốc Khe Sẻ, thôn Khe Trang. Ảnh: Thái Sinh.

Theo phản ánh của nhiều người dân, “cao lanh tặc” đang núp bóng dưới danh nghĩa san đất làm nền nhà, vườn tược, chuồng trại, đường giao thông… để khai thác cao lanh trái phép.

Sự việc diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng các cơ quan chức năng không biết hoặc làm ngơ, khiến người dân nghi ngờ có sự đi đêm gì đó ở đây để một lượng tài nguyên không nhỏ thất thoát?

Lần theo sự phản ánh của người dân, sáng 13/8/2020 PV báo Nông nghiệp Việt Nam có mặt tại xã An Bình, huyện Văn Yên, làm việc với ông Lê Cao Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã, ông Tấn không ngần ngại cho biết: Ngày 20/7/2020 sau khi nhận được ý kiến của người dân về việc san ủi đất trái phép tại thôn Khe Trang trên dốc Khe Sẻ, chúng tôi đã tới lập biên bản yêu cầu dừng lại.

Ông Tấn cho biết thêm: Việc san ủi đất và chở cao lanh trái phép diễn ra giữa ban ngày, những xe trọng tải 40 tấn đã phá nát nhiều đoạn đường, khiến nhân dân bức xúc. Người ta còn định vào xóm bên trong đây khai thác cao lanh, nhưng chúng tôi không đồng ý nên họ thôi…

Tận mắt nhìn điểm mỏ cao lanh trên dốc Khe Sẻ, chúng tôi thấy chỉ bóc một lớp đất mỏng là tới cao lanh, việc khai thác dễ dàng nên trở thành “miếng mồi” khá hấp dẫn để “cao lanh tặc” thèm khát.

Xe đậu bên công trường khai thác cao lanh tại thôn Thọ Lâm. Ảnh: Thái Sinh.

Xe đậu bên công trường khai thác cao lanh tại thôn Thọ Lâm. Ảnh: Thái Sinh.

Tại biên bản của UBND xã An Bình lập ngày 20/7/2020, người đang tiến hành san ủi thăm dò khoáng sản trái phép tại đây là Lăng Văn Hoàng trú tại thôn Đồng Quyền, xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

Thời điểm kiểm tra ông Hoàng không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì có liên quan cho việc thăm dò, khai thác khoáng sản ở đây, tại hiện trường có 2 máy xúc đang san ủi và xúc đất lên 2 xe ô tô. Ông Hoàng cho biết: Việc san ủi được tiến hành từ ngày 14/7/2020, UBND xã An Bình đã yêu cầu ông Hoàng đình chỉ ngay việc san ủi đất ảnh hưởng đến giao thông và môi trường…

Ngày 23/7/2020 Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Văn Yên tới làm việc, thì ông Lăng Văn Hoàng vẫn đang tiếp tục san ủi đất trái phép. Đoàn đã lập biên bản và yêu cầu ông Hoàng dừng hoạt động san ủi đất.

Tuy nhiên, ông Hoàng không dừng mà tiếp tục đào bới đất để lấy cao lanh. Sáng 13/8/2020 khi PV báo Nông nghiệp Việt Nam có mặt tại hiện trường vẫn thấy hai máy xúc tại khu vực đang đào bới nằm cạnh trục đường TL 163 cắm biển: Chú ý - Công trường đang thi công, 5km/h.

Biển 'Chú ý - Công trường đang thi công' trước điểm mỏ cao lanh đang khai thác. Ảnh: Thái Sinh.

Biển “Chú ý - Công trường đang thi công” trước điểm mỏ cao lanh đang khai thác. Ảnh: Thái Sinh.

Khu vực san ủi, khai thác cao lanh trái phép nằm trên dốc Khe Sẻ, thuộc địa phận thôn Khe Trang có chiều dài theo mặt đường chừng 40m, sâu 15m, chiều cao trên 20m. Khu vực này là đất rừng sản xuất, có độ dốc lớn, nhiều năm vào mùa mưa lũ dốc Khe Sẻ thường xảy ra sạt lở đất, ánh tắc giao thông nhiều giờ.

Anh Lưu Văn Hoành là người lái máy ủi cho biết: Tôi san ủi thuê cho ông Tuyến nhà ở bên kia sông Hồng... Nói rồi anh liên tục gọi điện thoại cho ai đó, rồi xin số của PV.

Cuối dốc Khe Sẻ thêm một điểm khai thác cao lanh trái phép cách điểm khai thác cao lanh thôn Khe Trang chừng 1km. Đây là khu đất của gia đình anh Đỗ Văn Chương, ở thôn Thọ Lâm, xã Lâm Giang. Rất may là gặp anh Chương đang có mặt tại nhà.

Anh Chương cho biết: Ông Tuyến đến đây xin đánh đất, gia đình chúng tôi đồng ý cho ông ấy đánh để làm nền nhà. Đất thải ông ấy đổ loanh quanh gần đây, còn một phần ông ấy chở đi đâu không biết. Chúng tôi bảo: Đây là đất cao lanh, anh Chương lắc đầu không biết là đất gì.

Vậy ông Tuyến là ai mà dám ngang nhiên cắm biển “công trường đang thi công” để khai thác cao lanh trái phép giữa thanh thiên bạch nhật? Chúng tôi đã sơ qua tìm hiểu về danh tính ông này, sẽ dành riêng cho bài viết khác.

Trên đường trở về làm việc với lãnh đạo huyện Văn Yên, chúng tôi nhận được điện thoại của ông phó một hội đoàn thể tỉnh Yên Bái, đề nghị nhà báo tạo điều kiện cho người đang khai thác cao lanh trái phép đó.

PV báo Nông nghiệp Việt Nam từng nhận được một số đơn thư tố cáo ông "phó hội" này dính líu tới việc khai thác vàng, cát sỏi trái phép tại Văn Yên. Đề nghị của ông "phó hội" đã bị chúng tôi từ chối.

Anh Lưu Văn Hoành, người lái máy đang gọi điện thoại cho ai đó. Ảnh: Thái Sinh.

Anh Lưu Văn Hoành, người lái máy đang gọi điện thoại cho ai đó. Ảnh: Thái Sinh.

Phản ảnh việc này tới ông Doãn Văn Thủy - Phó Chủ tịch huyện Văn Yên, ông Thủy nói ngay: Chiều nay (13/8) UBND huyện sẽ tổ chức đội kiểm tra liên ngành đi kiểm tra ngay việc khai thác cao lanh trái phép tại hai xã An Bình và Lâm Giang để có biện pháp xử lý…

Trước khi lên Văn Yên tìm hiểu “cao lanh tặc”, chúng tôi được biết tại xã Văn Phú, TP Yên Bái có một điểm khai thác cao lanh trái phép, trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Anh  Quyền - Chủ tịch UBND xã Văn Phú, ông Quyền cho biết: Chúng tôi đã tới lập biên bản, họ đã dừng khai thác rồi… Tuy nhiên, theo phản ảnh của người dân thì điểm mỏ đó vẫn đang hoạt động.

Điểm mỏ khai thác cao lanh trái phép tại xã Văn Phú.

Điểm mỏ khai thác cao lanh trái phép tại xã Văn Phú.

Tại Tân Đồng, huyện Trấn Yên cách trụ sở UBND xã chừng hơn 1km, có một điểm mỏ cao lanh cũng đang khai thác trái phép.

Xin được chuyển tới lãnh đạo tỉnh Yên Bái câu hỏi của người dân: “Cao lanh tặc” đang nở rộ và bùng phát ở nhiều nơi, các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái có biết hay làm ngơ?

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.