Sân chơi 140 tỷ USD
Theo đó, sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) đã được phê duyệt kế hoạch này sau nhiều năm ấp ủ tham vọng muốn trở thành thị trường giao dịch lợn sống kỳ hạn tương lai hàng đầu thế giới.
Trong một tuyên bố trên website mới đây, Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết, các hợp đồng giao dịch tương lai của mặt hàng mới sẽ giúp tạo nên một “sân chơi” trị giá gần 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 140 tỷ USD và quản lý được rủi ro cũng như giúp ngành chăn nuôi lợn phát triển.
Các nhà phân tích thị trường cho hay, với bản kế hoạch tham vọng này các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chăn nuôi lợn trong nước sẽ thúc đẩy tiến đến một thị trường mở, minh bạch, thông suốt và hiệu quả rất có lợi cho các doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa việc phân bổ các nguồn lực, kiểm soát tốt quy mô chăn nuôi, đồng thời thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của toàn ngành.
Nhiều năm qua, nông dân chăn nuôi lợn ở Trung Quốc vẫn chiếm giữ khoảng một nửa tổng đàn lợn thế giới, với quy mô sản xuất đạt 50 triệu tấn thịt lợn mỗi năm và thường xuyên phải đối mặt với một thị trường có tính chu kỳ cao. Đặc biệt là kể từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và bùng phát từ nửa cuối năm 2018 đến hết năm ngoái đã khiến ngành chăn nuôi lợn nước này phải tiêu hủy hàng triệu con lợn và đẩy giá thịt lợn tại quốc gia trên 1,3 tỷ dân đạt mức cao kỷ lục vào tháng 10 năm 2019, tạo ra nhiều biến động vì khủng hoảng thiếu thịt.
Bình ổn được không?
Bắt đầu từ năm 2003, thị trường lợn hơi của Trung Quốc đã trải qua năm lần biến động lớn, tương ứng với năm chu kỳ thị trường. Đặc biệt kể từ tháng 8 năm 2018, do dịch tả lợn châu Phi đã chứng kiến hàng loạt sự thay đổi mang tính gốc rễ của thị trường lợn hơi Trung Quốc.
Theo đó, giá lợn hơi đã giảm từ 15 nhân dân tệ/kg xuống còn 10 nhân dân tệ vào tháng 3 năm 2019 và sau đó tăng lại đáng kể trong quý III cùng năm rồi lại leo lên mức cao lịch sử gần 40 nhân dân tệ/kg.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã từng ghi nhận những phức tạp của việc phát triển phái sinh tài chính dựa trên động vật sống là hết sức nan giải. Nhất là tại một thị trường bị thống trị bởi hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, dẫn tới tính không đồng nhất về nguồn giống hoặc kỹ thuật chăn nuôi. Ngoài ra những quy định môi trường ngặt nghèo hơn cũng sẽ đẩy nhiều nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi ngành, ngược lại tạo ra thị phần lớn hơn cho những ông lớn.
Những biến động dữ dội của giá lợn hiện hành trên thị trường đã gây hoang mang lớn cho các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô công nghiệp, khiến họ không dám lên kế hoạch sản xuất ổn định và bất lợi đối với sự phát triển lành mạnh.
Chính vì vậy, động thái chấp thuận đưa lợn hơi lên sàn chứng khoán sắp tới được coi là “sẽ cung cấp một công cụ rất tốt để quản lý phòng ngừa rủi ro". Một doanh nghiệp có ảnh hưởng trong ngành công nghiệp chăn nuôi lợn rất tán đồng với kế hoạch mới cho biết: "Giá lợn lúc này vẫn khá cao, nhưng sắp tới sẽ không còn như thế nữa".
Đây chính là điểm mấu chốt mà hiện CSRC vẫn chưa đưa ra bình luận nào xung quanh vấn đề này, cho dù cơ quan này đã dành cả hơn một thập kỷ để nghiên cứu nhằm ổn định ngành chăn nuôi lợn. Trong khi DCE cho biết, việc tiêu chuẩn hóa các giống lợn trong nước đang được đẩy nhanh và hầu hết các doanh nghiệp lớn đều ứng dụng cũng như các dịch vụ thức ăn và kỹ thuật chăn nuôi hay giết mổ và phân loại thịt đồng đều hơn.
Tại hội thảo đề-mô cho kế hoạch đưa lợn hơi lên sàn giao dịch tương lai lần thứ 15 được tổ chức vào cuối năm 2019 tại Thâm Quyến, Phó chủ tịch CSRC Fang Xinghai cho biết, ủy ban sẽ cố gắng niêm yết các hợp đồng tương lai sớm nhất có thể.
Chủ tịch DCE Li Zhengqiang cũng nhận định, đây là một sản phẩm rất phức tạp dù đã qua hơn 10 năm nghiên cứu tính khả thi của vấn đề và coi đây là bước hoàn thiện các công cụ tài chính cho toàn bộ chuỗi cung ứng ngành thịt.