Công trình là niềm mong mỏi của người dân vùng nguy cơ bị sạt lở
Dự án “Xây dựng hạ tầng vùng dân cư đặc biệt khó khăn, có nguy cơ sạt lở cao thôn Bản Cháo, xã Yên Cư” (gọi tắt là Dự án TĐC Bản Cháo) được xây dựng với giá trị là 12,970 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách trung ương 12 tỷ đồng, ngân sách của huyện Chợ Mới là 970 triệu đồng). Đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Chợ Mới, đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV Cao Hà (trụ sở tại thôn Nà Mố, thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn).
Theo đó, dự án được chia thành 2 phần việc chính là: xây dựng khu tái định cư Bản Cháo với diện tích gần 7.500m2; xây dựng hơn 2,8km đường giao thông bê tông nông thôn kết nối từ thôn Nà Hoạt (xã Yên Cư) đến khu tái định cư. Mục tiêu của dự án là đảm bảo an toàn, tính mạng, tài sản, hoàn thành cơ sở hạ tầng và bố trí ổn định dân dư cho các hộ dân có nguy cơ sạt lở cao tại thôn Bản Cháo, xã Yên Cư, huyện Chợ Mới.
Do vị trí của Bản Cháo nằm cách trung tâm xã Yên Cư tới 7km, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Dao sinh sống, với đa phần là hộ nghèo. Điều đó cũng có một phần nguyên nhân là do đường giao thông từ thôn Nà Hoạt đến Bản Cháo chưa được đầu tư, chỉ là đường mòn, đường núi nên việc đi lại, giao thương hàng hóa là rất khó khăn. Vì vậy Dự án TĐC Bản Cháo khi hoàn thành hứa hẹn sẽ góp phần giúp người dân thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa, giảm bớt những khó khăn trong phát triển kinh tế. Đặc biệt là việc xây dựng khu tái định cư Bản Cháo là niềm mong mỏi của các hộ dân tại Bản Cháo trong diện được đến tái định cư. Đó là 13 gia đình đang đang sống ở những ngôi nhà nằm sát chân núi, địa chất không ổn định và nguy cơ mất an toàn rất cao, đang phải đối mặt với nguy cơ sạt lở, vùi lấp sau mỗi mùa mưa.
Bà Chiêm, một người dân ở Bản Cháo phấn khởi chia sẻ, gia đình là một trong những hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, sống trong lo lắng, bất an mỗi mùa mưa đến. Bây giờ được Nhà nước quan tâm xây dựng khu ở mới, có công trình nước sinh hoạt, có điện, có đường mới rồi, bà con được tái định cư rất vui và yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Còn những hộ dân trong thôn cũng cảm thấy vui mừng, vì đoạn đường khó trước đây mỗi lần xuống chợ là phải đi mất nửa ngày, giờ thì xe ô chở hàng cũng đã đi lại dễ dàng.
Khu tái định cư có dấu hiệu thi công ẩu
Theo như kiểm chứng thực tế của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tại khu tái định cư Bản Cháo, hiện nay công trình cơ bản đã xong phần xây dựng. Những hạng mục như đường giao thông nội bộ đã đổ bê tông; hạng mục rãnh thoát nước mặt và thoát nước sinh hoạt đã làm xong, có nắp đậy bằng bê tông; phần việc san nền đã hoàn chỉnh, được chia thành 4 dãy khác nhau, nằm cạnh 2 tuyến đường giao thông nội bộ và có kè chống sạt lở; công trình nước sạch bao gồm 1 bể chứa và các đường ống dẫn nước về tất cả 13 lô đất theo thiết kê; phần hệ thống đường điện lưới quốc gia cũng đã hoàn thiện.
Tuy nhiên việc người dân phản ánh nhà thầu của công trình tái định cư Bản Cháo thi công kém chất lượng là có cơ sở. Một số điểm ở mương rãnh thoát nước bị xói lở hở chân gạch, xuất hiện vị trí bờ bao mặt mương bị bong rộp và nứt vỡ dù không phải chịu tác động của ngoài lực. Đáng chú ý là phần nền phía giáp với cánh đồng Bản Cháo đã bị sụt lún, sạt lở đất xuống ruộng và mương nội đồng, phía trên mặt nền khu dân cư đã xuất hiện nhiều vết nứt rộng khoảng 1cm. Theo như người dân địa phương khẳng định, công trình mới chỉ làm xong phần san nền là trước Tết nguyên đán 2022, từ đó đến nay tại địa phương không xuất hiện mưa lớn, chỉ thi thoảng có mưa nhỏ và mưa phùn nhưng cũng đã dẫn đến việc sụt lún mặt nền khu tái định cư.
Trao đổi với phóng viên, ông Ma Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Yên Cư, huyện Chợ Mới thông tin, công trình khu tái định cư Bản Cháo là niềm mong mỏi của người dân trong diện nguy cơ sạt lở cao ở Bản Cháo được đến đây sinh sống, an cư lạc nghiệp. Ngoài 13 hộ dân vào diện được tái định cư, thì nhiều hộ dân khác không chỉ ở Bản Cháo, mà còn ở thôn khác trong diện như vậy cũng mong muốn được đến ở, nhưng ngân sách nhà nước có hạn chế nên chỉ có thể bố trí được như vậy. Hiện nay công trình vẫn chưa được bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng huyện Chợ Mới phấn đấu thời điểm người dân được vào ở muộn nhất là khoảng trung tuần tháng 4/2022.
Ông Hùng nói thêm, việc xuất hiện nguy cơ sạt lở tại khu tái định cư Bản Cháo như vậy thì xã sẽ có ý kiến kiến nghị xây kè thêm, hoặc là bố người dân ở lùi vào trong để giảm nguy cơ bị sạt lở. Tuy nhiên cũng cần phải căn cứ vào những thiết kế đã có từ trước. Việc xử lý những vấn đề phán sinh sẽ do đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Chợ Mới và UBND huyện Chợ Mới giải quyết, chứ xã không đủ thẩm quyền.
Dự án “Xây dựng hạ tầng vùng dân cư đặc biệt khó khăn, có nguy cơ sạt lở cao thôn Bản Cháo, xã Yên Cư”, được UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 300, ngày 5/3/2021. Được chia làm 5 hạng mục chính:
- Hạng mục san nền khu dân cư và quy hoạch chia lô: San nền khu dân cư bố trí cho 13 hộ dân, với diện tích khoảng 300m2/hộ.
- Hạng mục đường giao thông: Công trình giao thông cấp V, chiều dài khoảng 2,8km. Bao gồm: Nâng cấp sửa chữa tuyến đường liên thôn Nà Hoạt đến khu tái định cư Bản Cháo dài 2,75km, nền đường rộng 6,5m, mặt đường rộng 3,5m, bê tông đá 2x4, dày 20cm, có lớp lót tạo phẳng; bê tông đường giao thông nội vùng khu tái định cư dài khoảng 0,05km, mặt đường 3m, bê tông đá 2x4m dày 16cm, có lớp cát tạo phẳng.
- Hạng mục nước sạch: Nước nguồn sạch lấy từ Lủng Vài về khu tái định cư mới; xây dựng hệ thống cửa thu nước, bể lọc, bể chứa, đường ống dẫn tới khu tái định cư và đường ống cấp nước nội bộ có chiều dài 3,5km. Trụ vòi, đồng hồ đo nước đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt đến từng hộ dân.
- Hạng mục hệ thống thoát nước mặt, nước thải sinh hoạt: Được thiết kế chạy dọc đường giao thông nối vào khu dân cư tại các nhánh giao thông nội bộ, chịu lực thu gom nước mưa và nước sinh hoạt, có nắp đậy bằng bê tông. Toàn tuyến thoát nước dài khoảng 500m, khu vực ngoài khu dân cư được thiết kế rãnh hình thang đào trần, nơi có độ dốc hơn 6% được xây bằng đá.
- Hạng mục điện: Kéo đường điện 0,4kv đến khu tái định cư chiều dài khoảng 300m, tận dụng hộp công tơ cũ của các hộ gia đình.
- Xử lý rác thải sinh hoạt: Các hộ dân tự phân loại rác, thu gom và xây dựng lò đốt rác tập trung để đảm bảo môi trường.