Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, với thực trạng chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn, nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao, ngành nông nghiệp xác định phải tập trung xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, từng bước tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại tỉnh Thanh Hóa bắt đầu được thực hiện từ năm 2006 nhưng phải đến năm 2016, sau khi có Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện Luật Thú y, công tác xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh mới thực sự được đẩy mạnh.
Những năm qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cùng các địa phương đã tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi gia trại, trang trại thực hiện xây dựng cơ sở chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, ký cam kết chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Hàng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa đều thẩm định và cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện; thực hiện kế hoạch đánh giá một lần đối với vùng, kiểm soát định kỳ cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh và đánh giá đột xuất khi cần thiết.
Theo tổng hợp của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2016 đến nay, chi cục đã thẩm định và cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 48 cơ sở chăn nuôi. Trong đó có 35 trang trại chăn nuôi lợn; 9 cơ sở chăn nuôi gia cầm; 4 cơ sở chăn nuôi bò sữa.
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, các cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh sẽ được xem xét cấp chứng nhận đạt Quy phạm thực hành chăn nuôi tốt Việt Nam (VietGAHP), được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm... Các hộ chăn nuôi tham gia xây dựng cơ sở chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh sẽ được hưởng các quyền lợi theo quy định của Luật Thú y...