| Hotline: 0983.970.780

Thanh Khê hướng tới đô thị giảm rác thải nhựa

Thứ Ba 16/11/2021 , 15:44 (GMT+7)

Bằng việc tuyên truyền, vận động và triển khai những chương trình cụ thể, quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đang hướng tới việc giảm thiểu xả thải rác nhựa ra môi trường, đại dương.

Người dân Đà Nẵng thu gom và phần loại rác thải. Ảnh: L.K.

Người dân Đà Nẵng thu gom và phần loại rác thải. Ảnh: L.K.

Tốc độ phát triển kinh tế cao đã tạo cho TP Đà Nẵng những áp lực trong đó có vấn đề về rác thải nhựa. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, mỗi ngày thành phố phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải. Dự tính, trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2025, rác thải đô thị thành phố sẽ phát sinh hơn 1.800 tấn/ngày.

Với tốc độ như hiện nay, đến giai đoạn 2025 – 2030 lượng rác thải phát sinh sẽ lên đến hơn 2.400 tấn/ngày và hơn 3.000 tấn/ngày trong giai đoạn 2030 – 2040. Trong khi đó, cả TP Đà Nẵng hiện nay chỉ có bãi rác Khánh Sơn và đang trong tình trạng quá tải, tương lai không thể tiếp nhận xử lý rác thải thành phố.

Quận Thanh Khê là địa phương nằm ở khu vực trung tâm, tiếp giáp biển cùng nhiều quận khác và mật độ dân số cao nhất TP Đà Nẵng. Điều này kéo theo lượng rác thải phát sinh mỗi ngày rất cao (khoảng 190 tấn/ngày). Kết quả kiểm toán rác cho thấy, tại quận Thanh Khê loại rác nhựa, túi ni-lông chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là bao bì nhiều lớp và nhựa dùng 1 lần.

Từ thực tế trên, quận Thanh Khê đã cam kết tham gia vào chương trình “Đô thị giảm nhựa” của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) nhằm quản lý rác thải nhựa một cách hiệu quả. Bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, chương trình hướng tới mục tiêu giảm 30% rác nhựa thất thoát ra môi trường sau 2 năm ký cam kết tham gia chương trình.

Hội nghị triển khai kế hoạch giảm rác thải nhựa tại quận Thanh Khê. Ảnh: L.K.

Hội nghị triển khai kế hoạch giảm rác thải nhựa tại quận Thanh Khê. Ảnh: L.K.

Ông Lê Trung Minh Tân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi Trường quận Thanh khê cho biết, theo kế hoạch phối hợp với WWF, vừa qua, UBND quận Thanh Khê đã ban hành Kế hoạch Hành động về quản lý rác thải nhựa trên địa bàn quận đến năm 2025.

Theo kế hoạch này, việc quản lý rác thải nhựa phải tiếp cận theo phương pháp quản lý tổng hợp, cần có sự chung tay của tất cả các cấp, các ban, ngành địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và kể cả từng người dân; sự chủ động, linh hoạt, có trách nhiệm của hệ thống chính trị quản lý; sự hỗ trợ và chia sẻ hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế.

Tất cả với mục tiêu chung là giảm lượng rác thải vào đại dương từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển. Song song với đó là nâng cao nhận thức về tác hại, thay đổi lối ứng xử và hành vi sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, túi ni-lông khó phân hủy.

Triển khai thành công mô hình phân loại rác tại nguồn của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận Thanh Khê nói riêng và TP Đà Nẵng nói chung. Đồng thời, thúc đẩy các sáng kiến hoặc mô hình giảm sử dụng và phát sinh rác thải nhựa nói riêng và rác thải nói chung.

Quận Thanh Khê  phấn đấu sẽ đạt được những kết quả ở 2 mốc thời gian cụ thể là năm 2022 và 2025. Theo đó, đến năm 2022 sẽ giảm 30% tỷ lệ thất thoát rác thải nhựa trên địa bàn so với năm 2020; 100% các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước ở quận không sử dụng chai nước và ống hút nhựa; giảm thiểu sử dụng băng rôn, phông sân khấu trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện.

Ngoài ra, chương trình cũng sẽ xóa ít nhất 3 điểm nóng rác thải và đảm bảo không phát sinh điểm nóng rác thải mới; có ít nhất 10 trường học được tổ chức các hoạt động lồng ghép chương trình giáo dục môi trường – rác thải nhựa; 70% hộ dân, trường học, doanh nghiệp, công sở và các đơn vị khác trên địa bàn quận thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn…

Đến năm 2025, các hoạt động và mô hình thí điểm thành công trong giai đoạn 2021 – 2022 được thể chế hóa bằng văn bản, chính sách cụ thể của quận và nhân rộng; giảm 50% tỷ lệ thất thoát rác thải nhựa trên địa bàn quận Thanh Khê so với năm 2020.

Rác thải tấp vào bờ biển Đà Nẵng. Ảnh: L.K.

Rác thải tấp vào bờ biển Đà Nẵng. Ảnh: L.K.

Cũng đến năm 2025, quận Thanh Khê sẽ triển khai hiệu quả các cơ chế giám sát, xử phạt doanh nghiệp, hộ kinh doanh xả rác không đúng quy định; phấn đấu 100% hộ dân, trường học, doanh nghiệp, công sở và các đơn vị khác thực hiện phân loại rác tại nguồn; ít nhất 30% các cơ sở kinh doanh nước uống và thực phẩm cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần tại các khu du lịch và dịch vụ ven biển; vận động ít nhất 50% ngư dân cam kết không thải bỏ ngư cụ, rác nhựa xuống biển.

Ông Lê Trung Minh Tân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê cho biết, vào tháng 3 vừa qua, quận Thanh Khê cũng đã phối hợp với WWF tổ chức Hội nghị giới thiệu Chương trình “Đô thị giảm nhựa tại TP Đà Nẵng” và kế hoạch giảm rác thải nhựa đến năm 2025 và trong năm 2021 trên địa bàn quận.

Tại hội nghị này, UBND quận Thanh Khê cũng đã giới thiệu những hoạt động thiết thực được lên kế hoạch cụ thể cho từng quý; trong đó, tập trung vào công tác truyền thông - giáo dục; thu gom, phân loại, xử lý, tái chế; kiểm soát ô nhiễm và hợp tác quốc tế. Đồng thời, quận Thanh Khê cũng sẽ phối hợp cùng WWF để xây dựng các kế hoạch, chiến lược lâu dài để có thể quản lý rác thải tốt hơn.

“Tuy nhiên, thời gian qua do tình hình dịch bệnh nên chúng tôi cũng chưa triển khai được nhiều hoạt động. Do đó, trong thời gian tới, khi tình hình đã ổn định hơn thì các đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện chương trình với mục tiêu đem lại kết quả cao nhất”, ông Tân nói.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.