| Hotline: 0983.970.780

Thanh niên nông thôn khởi nghiệp: (Bài 3) Biến rác thải thành chất đốt

Thứ Hai 28/09/2020 , 07:30 (GMT+7)

Không cồng kềnh, hàn lâm, đao to búa lớn, sáng chế của chàng thanh niên trẻ mang lại những điều thiết thực, hữu ích cho cuộc sống.

Từ thực tiễn cuộc sống

Liên tục ghi danh tại các cuộc thi “Sáng tạo trẻ tỉnh Thái Nguyên" và “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên tỉnh Thái Nguyên", đoàn viên Nguyễn Huy Hưng, 33 tuổi, trú tại xóm Trại, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình là nhà sáng chế không chuyên, luôn tâm huyết với việc tái chế rác thải.

Mạnh dạn đưa các sáng chế này vào thực tế, anh đã vững vàng trên con đường khởi nghiệp sản xuất chất đốt từ các loại rác thải của khu vực nông thôn như rơm rạ, mùn cưa... với 4 cơ sở sản xuất và hàng chục hộ liên kết. Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, ngay từ thủa nhỏ Nguyễn Huy Hưng đã phải quen với việc đun nấu bằng rơm rạ. Nhìn những chiếc kiềng bếp và nồi niêu luôn đen nhẻm, ngay cả khuôn mặt người nấu cũng nhọ nhem vì tro than.

Vào mùa hè, càng thấm thía nỗi khổ của công việc đun nấu bằng bếp rơm bởi nóng nực, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe vừa nguy cơ cháy cao. Từ đó, cậu luôn nung nấu ý nghĩ chế tạo ra một loại bếp đun rơm thật sạch sẽ mà người nấu lại đỡ vất vả. Học xong lớp 12, Hưng xin đi học trường Trung cấp nghề, ngành Cơ khí rồi học tại chức ngành Kỹ sư điện - Tự động hóa tại trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên.

Năm 2009, anh bắt đầu khởi nghiệp mở xưởng cơ khí dân dụng và bắt đầu mày mò nghiên cứu và thử nghiệm sản xuất chất đốt dạng viên nén từ các loại rác thải có sẵn như mùn cưa, vỏ bào, rơm...

Nguyễn Huy Hưng chia sẻ: "Em suy nghĩ đến cái bếp kiểu như bếp đun trấu hoặc đun than tổ ong, rất gọn nhẹ, sạch sẽ và dễ sử dụng. Để dùng với bếp đó, các loại chất đốt cũng phải được xử lý, sản xuất bằng công nghệ. Với ý tưởng ban đầu như vậy, em đã đi rất nhiều nơi để tìm cái máy có công năng đó. Các thầy ở trường đại học cũng đã ủng hộ ý tưởng của em và giúp đỡ em tìm kiếm thông tin. Theo đó, lúc bấy giờ cả miền Bắc chỉ có 2 nơi có máy như vậy, tại Ga Lưu Xá (TP Thái Nguyên) và một công ty ở Yên Bái, em đến tham quan thì thấy những máy này đều quy mô rất lớn, trị giá hàng chục tỷ đồng/máy.

Ý tưởng sáng tạo của Hưng mang lại những hữu ích cho cuộc sống. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ý tưởng sáng tạo của Hưng mang lại những hữu ích cho cuộc sống. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Dù đi hết các địa chỉ chuyên chế tạo máy đều không có loại nào tương tự như sản phẩm em cần nên em buộc phải tự chế tạo máy với công suất phù hợp với quy mô hộ gia đình. Mỗi ngày, em mua một ít nguyên liệu sắt thép để tự thiết kế, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, máy móc liên quan đến kết cấu rất nhiều công đoạn, vừa làm vừa sửa.

Ròng rã suốt hơn 2 năm, phải vay một số tiền khá lớn của ngân hàng, vừa tốn nhiều tiền bạc vừa mất công sức mà mãi không thu được kết quả nên cũng có nhiều lúc em nản định thôi. Song, được sự động viên ủng hộ của gia đình, cùng với sự tin tưởng vào thị trường bền vững và lợi ích của sản phẩm đối với cuộc sống người dân nghèo vùng nông thôn quê em và đặc biệt là có ích với môi trường nên em tiếp tục kiên trì". 

Đến khoảng năm 2010, Hưng tìm được địa chỉ bán loại viên nén tương tự như vậy tại một tỉnh miền Nam bèn vào tìm hiểu, song họ chỉ đồng ý bán sản phẩm chứ không cho tham quan công nghệ sản xuất. Để thăm dò thị trường và giới thiệu cho mọi người làm quen với sản phẩm, mặc dù chưa sản xuất được sản phẩm nhưng Huy đã chi gần 50 triệu đồng để mua 10 tấn viên nén đưa vào bếp ăn tại các trường mầm non của các xã trong huyện. 

Đến cuối năm 2012, hệ thống máy ép cùng bếp đun viên nén mùn cưa đã được hoàn thiện. Sản phẩm viên nén được nhiều bếp ăn, nhà hàng tin dùng bởi lẽ chi phí rẻ hơn củi đến gần 40%, thời gian đun nấu được rút ngắn cả giờ đồng hồ, đặc biệt khu vực bếp luôn rất sạch sẽ, tro thải không gây hại môi trường.

Sản phẩm viên nén ban đầu được bán lẽ cho các nhà hàng, các hộ làm bún, bánh, nấu rượu, các cửa hàng bán đồ nuôi thú cưng dùng lót chuồng...

Từ ý tưởng sáng tạo, việc liên kết sản xuất đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng chục lao động. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Từ ý tưởng sáng tạo, việc liên kết sản xuất đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng chục lao động. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Triển vọng

Từ năm 2014, Hưng bắt đầu ký hợp với 1 công ty của Hàn Quốc, số lượng ổn định mỗi tháng từ 35 - 40 tấn. Hiện, một số công ty chế biến rau củ quả sấy khô của Đan Mạch và Hà Lan đặt vấn đề hợp đồng cung cấp từ 120 -180 tấn/tháng.

Trả hết nợ từ năm 2016, vợ chồng Hưng tiếp tục dành dụm đầu tư mua đất làm nhà xưởng. Đến nay, anh đã có xưởng cơ khí sản xuất máy ép mùn cưa, 4 cơ sở sản xuất viên nén mùn cưa tại Thái Nguyên, Bắc Giang và Bắc Kạn. Ngoài ra, còn liên kết sản xuất với nhiều hộ gia đình, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Nguyễn Huy Hưng tâm sự, điều khiến anh hài lòng nhất từ sáng kiến này là đưa được sản phẩm chất đốt sạch ra thị trường, giúp người dân bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, đồng thời với đó là giá thành rất rẻ, chỉ từ 2.000 - 2.400 đồng/kg viên nén, bình quân mỗi hộ gia đình chỉ cần khoảng 0,3kg chất đốt đủ cháy trong thời gian 3 giờ để nấu bữa chính, bếp lại dễ sử dụng và an toàn.

Là tấm gương thanh niên tiêu biểu toàn quốc về sáng chế và khởi nghiệp, Nguyễn Huy Hưng đã giành giải thưởng tại nhiều cuộc thi sáng chế, khởi nghiệp của tỉnh Thái Nguyên, như: Giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên tỉnh Thái Nguyên năm 2019" với ý tưởng “Viên nén từ rơm: Bước tiến mới trong sử dụng năng lượng tái tạo”; Giải Nhì “Sáng tạo trẻ ” tỉnh Thái Nguyên năm 2015 với đề tài “Cung cấp miễn phí hệ thống đầu đốt viên nén mùn cưa cho các làng nghề thủ công và tiểu thủ công trên địa bàn thành phố Thái Nguyên”; Giải Nhất “Ý tưởng kinh doanh xuất sắc” tỉnh Thái Nguyên năm 2014; Giải thưởng “Tri thức vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2015”; Giải thưởng Lương Định Của lần thứ X năm 2015...

Các sản phẩm bếp đun viên nén mùn cưa và viên nén mùn cưa của Nguyễn Huy Hưng đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Trên cơ sở phát huy, cải tiến sáng kiến máy ép viên nén từ mùn cưa, Nguyễn Huy Hưng đang tiếp tục tư duy tìm hướng đi mới, tận dụng nguồn nguyên liệu từ rơm, rạ để sản xuất viên nén giá rẻ, thân thiện môi trường để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn quê anh.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.