| Hotline: 0983.970.780

Thanh Oai xây dựng nông thôn mới kiểu 'ăn chắc, mặc bền'

Thứ Bảy 18/07/2020 , 07:56 (GMT+7)

Không đi nhanh mà huyện Thanh Oai chọn những bước đi chắc bền trong xây dựng nông thôn mới nhất là việc phát huy dân chủ, huy động cả hệ thống chính trị

Mô hình nuôi gà đẻ. Ảnh: NNVN.

Mô hình nuôi gà đẻ. Ảnh: NNVN.

Thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, huyện Thanh Oai đã tập trung vách kế hoạch, chỉ đạo từng bước đi vững chắc.

Dù với xuất phát điểm khá thấp về kinh tế nhưng địa phương đã tập trung tối đa mọi nguồn lực nhất là việc xã hội hóa nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao,góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân.

Theo Ban chỉ đạo Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, của huyện, sau hơn 10 năm thực hiện sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt tăng trưởng đều, riêng năm 2019 đạt hơn 1.710 tỷ đồng.

Huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng cây ăn quả tập trung với chất lượng, hiệu quả kinh tế cao như cam Canh, ổi lê, bưởi Diễn, nhãn…giúp giá trị canh tác trên 1ha đạt hơn 137 triệu đồng năm 2019.

Để đáp ứng yêu cầu phòng dịch bệnh cũng như chống ô nhiễm môi trường huyện đã hình thành các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với diện tích hơn 71 ha, trang trại tổng hợp hơn 101 ha tại các xã Hồng Dương, Mỹ Hưng, Thanh Văn, Tam Hưng, Tân Ước, Kim Thư; thành lập 23 nhóm chăn nuôi an toàn VietGAP với 460 hộ chăn nuôi tham gia…

Ước chăn nuôi năm 2019 đạt gần 960 tỷ đồng, bằng 56% giá trị sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu như mô hình chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ lợn và các sản phẩm thịt lợn của HTX Hoàng Long; mô hình trồng lan hồ điệp (xã Mỹ Hưng); mô hình trồng dưa lưới (xã Thanh Cao)…, không chỉ giúp các mô hình phát triển vững chắc, hiệu quả, mà còn có sức lan tỏa, động viên người dân mở rộng sản xuất.

Kinh tế ở các xã chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề và dịch vụ, nhiều nghề truyền thống ở nông thôn được duy trì và mở rộng góp phần xóa đói giảm nghèo. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 huyện phấn đấu đạt 55 triệu đồng/người/năm.

Chủ một trang trại gà. Ảnh: NNVN.

Chủ một trang trại gà. Ảnh: NNVN.

Về nông thôn mới, từ năm 2010 đến nay, huyện Thanh Oai đã xây mới, cải tạo, nâng cấp hơn 44 km đường giao thông trục xã, liên xã; nâng cấp, cải tạo kiên cố hóa kênh mương; xây dựng, cải tạo mới 22 điểm thu gom rác thải… Đến nay, 20 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới; huyện đã đạt toàn bộ 9 tiêu chí huyện nông thôn mới.

Mới đây, Mặt trận tổ quốc huyện đã tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân tại 21 xã, thị trấn với hơn 39.200/60.150 hộ trên địa bàn chiếm hơn 65%. Các phiếu lấy ý kiến được niêm yết công khai tại 162 điểm trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, để thuận tiện nhất cho nhân dân.

Theo đó có 96,11% số người dân được phát phiếu cho biết hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện, chứng tỏ cách đi “ăn chắc, mặc bền” của Thanh Oai là đúng.

Thanh Oai có thế mạnh về chăn nuôi. Ảnh: NNVN.

Thanh Oai có thế mạnh về chăn nuôi. Ảnh: NNVN.

Để đáp ứng cho việc nâng cao chất lượng đời sống người dân, một nhiệm vụ quan trọng Thanh Oai tập trung thực hiện trong thời gian tới là đầu tư xây dựng một số trạm xử lý nước sạch tại các xã Thanh Thùy, Tam Hưng, Xuân Dương, Kim Bài; đồng thời bổ sung nguồn nước mặt cung cấp cho các xã phía bắc huyện, gồm Bình Minh, Bích Hòa, Thanh Cao và Cao Viên…để giảm số hộ dân trên địa bàn huyện chưa được sử dụng nước sạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. 

Trong mục tiêu xa hơn phát huy thế mạnh từ sản xuất nông nghiệp, làng nghề, thành nền kinh tế trọng điểm về nông nghiệp của Hà Nội, huyện sẽ hướng tới phát triển những cây, con mang tính đặc sản, làm thương hiệu, thực hiện quy trình sản xuất an toàn để nâng cao giá trị trên mỗi ha canh tác và chất lượng đời sống của người dân.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thanh Oai phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, dần dần tiến tới từng bước hoàn thành các tiêu chí của quận gắn với phát triển đô thị sinh thái ven đô, xây dựng huyện trở thành quận trong tương lai.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.