| Hotline: 0983.970.780

Thanh tra EVN từ hôm nay, 10/6

Thứ Bảy 10/06/2023 , 11:00 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu đoàn thanh tra làm việc liên tục trong 30 ngày kể cả ngày nghỉ để dứt điểm vấn đề quản lý, cung ứng điện.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo thành lập đồng thời đoàn thanh tra và đoàn giám sát thanh tra về tình hình quản lý, cung ứng điện của EVN. 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo thành lập đồng thời đoàn thanh tra và đoàn giám sát thanh tra về tình hình quản lý, cung ứng điện của EVN. 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc giao Bộ Công thương thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 1/1/2021 đến 1/6/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã lập đoàn gồm lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Dầu khí và than.

Làm việc với đoàn thanh tra sáng 9/6, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, việc lập đoàn thanh tra nhằm tìm đúng nguyên nhân và giải pháp khắc phục nguồn cung ứng điện thời gian tới.

"Đoàn thanh tra phải làm việc công tâm, khách quan dựa trên quy định của pháp luật và quy định, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng; đồng thời đánh giá chính xác tình hình và kết quả thực hiện của EVN. Đoàn cần tiến hành khẩn trương, quyết liệt trong thời gian 30 ngày kể cả ngày nghỉ", ông Diên nói.

Nhằm nâng cao tinh thần công khai, minh bạch, Bộ trưởng giao Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Vụ trưởng Vụ Pháp chế trực tiếp giám sát đoàn thanh tra và phân công Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thay mặt Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo cuộc thanh tra này.

Yêu cầu đoàn thanh tra bắt tay vào việc từ ngày 10/6, người đứng đầu Bộ Công thương chỉ đạo khẩn trương xây dựng kế hoạch thanh tra, lập đề cương báo cáo. Ông nhìn nhận, khối lượng công việc trong một tháng thanh tra rất nhiều nên đoàn cân nhắc tăng cường công tác nhân lực, cả về số lượng lẫn chất lượng.

"Các cán bộ tham gia đoàn thanh tra phải dành ưu tiên cao cho công việc này trong 30 ngày tới", Bộ trưởng Diên nhấn mạnh.

Những ngày gần đây, tình trạng gián đoạn nguồn cung điện xảy ra thường xuyên, gây ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân. Trong vai trò quản lý nhà nước, Bộ Công thương đánh giá: Năng lượng nói chung và điện nói riêng không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Một số nội dung được thanh tra gồm việc cung ứng, chủ động nhiên liệu cho các nhà máy điện; vận hành hệ thống điện; huy động các nguồn điện (về mặt kỹ thuật); vấn đề truyền tải điện; thực hiện huy động các nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Đoàn thanh tra của Bộ Công thương được yêu cầu làm việc liên tục trong 30 ngày.

Đoàn thanh tra của Bộ Công thương được yêu cầu làm việc liên tục trong 30 ngày.

Song song với hoạt động thanh tra, Bộ Công thương tiếp tục đẩy nhanh các công tác liên quan để sớm vận hành thí điểm và nhân rộng mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Tại Việt Nam, thị trường phát điện cạnh tranh vận hành chính thức từ ngày 1/7/2012 đến 31/12/2018 và chuyển sang cấp độ thị trường bán buôn điện cạnh tranh, vận hành từ 1/1/2019 đến nay.

Để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2093 ngày 7/8/2020 phê duyệt thiết kế mô hình thị trường. Năm 2021, Bộ Công thương tiếp tục đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Luật Điện lực được Quốc hội sửa đổi, bổ sung sau đó, với một số điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, điều chỉnh chính sách phát triển điện lực: Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực.

Thứ hai, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng theo quy định.

Thứ ba, điều chỉnh hoạt động Nhà nước độc quyền: Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.

Thứ tư, bổ sung quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện: Đấu nối và bảo đảm hoạt động đấu nối vào lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật. 

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo Quyết định 2093/QĐ-BCT.

"Việc xây dựng thành công và hiệu quả thị trường bán lẻ điện cạnh tranh cần sự phối hợp, quyết tâm của nhiều bên liên quan, đặc biệt là việc tái cơ cấu các khâu trong ngành điện do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì và đầu tư cơ sở hạ tầng cho vận hành thị trường điện", đại diện Bộ Công thương chia sẻ.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.