| Hotline: 0983.970.780

Thảo thơm cây dứa Hà Trung

Thứ Năm 01/06/2023 , 06:44 (GMT+7)

THANH HÓA Từ những diện tích đất gò đồi kém hiệu quả, cây dứa ngày càng thế chân những cây trồng khác, tạo chỗ đứng vững chắc ở các xã vùng núi huyện Hà Trung (Thanh Hóa).

Ông Nguyễn Đình Trưởng, thôn Gia Miêu, xã Hà Long (huyện Hà Trung, Thanh Hoá) là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền, được cấp tỉnh, huyện, xã khen thưởng vì có nhiều thành tích tiêu biểu.

Ông vui vẻ chia sẻ, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về giao đất, giao rừng, gia đình ông đã nhận 6,7ha đất, trong đó sử dụng 4,5ha trồng cây mía đường cao sản và 2,2ha trồng cây dứa. Ngoài kiến thức được tập huấn, ông còn tìm đến người trồng dứa ở một số nơi học hỏi kinh nghiệm, biện pháp thâm canh cây dứa, mía.

Nhờ giá trị kinh tế cao nên hiện nay cây dứa đang được mở rộng ở xã Hà Long (Hà Trung, Thanh Hóa). Ảnh: Lê Cương.

Nhờ giá trị kinh tế cao nên hiện nay cây dứa đang được mở rộng ở xã Hà Long (Hà Trung, Thanh Hóa). Ảnh: Lê Cương.

Do giá mía mấy năm trước đây giảm, ít lợi nhuận nên ông đã chuyển 4,5ha mía sang trồng dứa, nâng tổng diện tích trồng dứa lên 6,7ha. Do tích cực áp dụng biện pháp thâm canh, ứng dụng tiến bộ KH-KT nên hàng năm sản lượng dứa của gia đình ông đạt hơn 260 tấn, giá trị đạt 1,3 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư lãi khoảng 500 triệu đồng.

Để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, ông Trưởng thuê 8 lao động thường xuyên, 25 lao động thời vụ người địa phương, trả tiền công từ 300 - 350 ngàn đồng/ngày/người. Nhiều hộ trồng dứa gặp khó khăn ông đã mở lòng chia sẻ, hỗ trợ đủ cây giống, phổ biến kinh nghiệm xử lý dứa trái vụ cho hàng chục hộ, giúp 3 hộ thoát nghèo...

Ông Trưởng và các hộ trồng dứa cho biết: Cây dứa trồng được tất cả các tháng trong năm (trừ khi trời mưa làm ướt đất), dứa chín cho thu hoạch quanh năm. Một vụ dứa từ khi trồng đến lúc thu hoạch trong vòng 18 tháng, quả từ 0,7 - 1,2 kg/quả. 

Mặc dù còn nhiều khó khăn và bấp bênh trong tiêu thụ, song cây dứa đang mang lại lợi nhuận tốt hơn nhiều so với nhiều cây trồng trước đây. Ảnh: Lê Cương.

Mặc dù còn nhiều khó khăn và bấp bênh trong tiêu thụ, song cây dứa đang mang lại lợi nhuận tốt hơn nhiều so với nhiều cây trồng trước đây. Ảnh: Lê Cương.

Dứa trồng chính vụ từ tháng 9 hàng năm đến tháng 1 năm sau, trái vụ từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm. Thời điểm dứa chín khi cây dứa đạt từ 17 - 18 tháng tuổi và thu hoạch đồng loạt. Dứa được thương lái trong và ngoài tỉnh mua tại ruộng, giá bán dao động từ 4 - 10 ngàn đồng/kg, tùy theo thị trường.

Cây dứa ưa ánh sáng, đất trồng phải thoát nước, chân ruộng cao, sườn đồi dốc.

Về kỹ thuật thâm canh cây dứa, ông Trưởng chia sẻ kinh nghiệm: Làm đất bằng phương tiện cơ giới, trồng dứa bằng thủ công; che phủ nilon để hạn chế cỏ dại và giữ độ ẩm cho đất. Cây dứa có thuộc tính chịu hạn nên hầu như ít phải tưới nước, sinh trưởng theo thời tiết. Bón lót bằng phân chuồng 10 tấn/ha; NPK bón lót từ 1 - 1,5 tấn/ha; bón thúc 3 lần/vụ, mỗi lần 0,7 - 0,8 tấn NPK chuyên thúc.

Về chăm sóc dứa: Làm đất nhỏ, lên luống cao 0,25m, mặt luống rộng 2m, phủ nilon, trồng mật độ 6 - 7 ngàn cây/ha, bón lót, bón thúc theo chu kỳ và theo thời gian sinh trưởng của cây dứa.

Ngoài thu quả, cây dứa còn có thể để thu hoạch chồi để bán với thu nhập khá cao. Ảnh: Lê Cương.

Ngoài thu quả, cây dứa còn có thể để thu hoạch chồi để bán với thu nhập khá cao. Ảnh: Lê Cương.

Chồi dứa chưa trồng ngay mà cần phơi nắng 3 - 4 ngày và để nơi thoáng mát, khô ráo, xử lý thuốc trừ bệnh trước khi trồng. Phải trồng giống dứa sạch bệnh, vệ sinh vườn, bỏ các cây có thể nhiễm bệnh. Chồi giống xử lý thuốc trừ nấm trước khi trồng, phun thuốc định kỳ 3 - 4 tháng/lần để ngăn ngừa bệnh.

Cách bảo quản chồi dứa để trồng vụ sau: Sau khi thu hoạch quả, cây dứa sẽ nảy ra các chồi non ở nách lá, sau 6 tháng, người trồng chọn những chồi to khỏe để tách ra làm giống cho vụ sau. Lượng chồi giống bán ra thị trường trong năm khá lớn, giá bán từ 400 - 600đ/chồi.

Về thời vụ, cần chia thành nhiều vùng, trồng từng đợt để xử lý từng thời điểm ra hoa nhằm hạn chế hao hụt sản phẩm. Cây dứa ra hoa tự nhiên và thời kỳ ngắn. Quá trình sinh trưởng cây dứa hay mắc bệnh nấm vi khuẩn, bệnh héo khô đầu lá làm cho cây không ra hoa và rễ, thân, gốc, trái có thể bị thối, vì vậy nên phun các loại thuốc chuyên dùng để chữa trị.

Nhờ giá lợi nhuận khá, dễ chăm sóc, đầu tư khá thấp nên cây dứa đang dần thay thế nhiều loại cây trồng khác. Ảnh: Lê Cương.

Nhờ giá lợi nhuận khá, dễ chăm sóc, đầu tư khá thấp nên cây dứa đang dần thay thế nhiều loại cây trồng khác. Ảnh: Lê Cương.

Khi thu hoạch, nếu ăn tươi hoặc bán quả tươi thì khi quả có màu xanh nhạt và có 1 - 2 mắt dứa gần cuống đã ngả màu vàng. Dứa chín nhanh khi nhiệt độ cao, gặp mưa rất dễ bị hỏng, thối, vì vậy thu hoạch xong cần đưa đi tiêu thụ ngay, nếu bảo quản cần tránh làm dập vỏ…

Dứa cũng thường khó tiêu thụ vì ở thời điểm chín rộ lại hay gặp thời tiết rét đậm, rét hại, đồng thời trên thị trường có bán khá nhiều loại trái cây…

Xã Hà Long hiện có 975 hộ trồng dứa với tổng diện tích khoảng 650ha. Khó khăn của các hộ trồng dứa thương phẩm là đầu ra chưa ổn định, chưa liên kết trong sản xuất, giá phân bón, giá nhân công lao động tăng cao. Địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, giao đất, giao rừng; tu bổ giao thông, thủy lợi; tập huấn chuyển giao KH-KT cho nông dân; tuyên truyền giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đầu ra ổn định cho quả dứa để phát triển bền vững.

Cây dứa rất thích hợp với vùng đất gò đồi vùng bán sơn địa ở Hà Trung (Thanh Hóa). Ảnh: Lê Cương.

Cây dứa rất thích hợp với vùng đất gò đồi vùng bán sơn địa ở Hà Trung (Thanh Hóa). Ảnh: Lê Cương.

Ông Nguyễn Văn Hợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Long cho biết: Địa phương tiếp tục động viên, khuyến khích người trồng dứa sản xuất kinh doanh và ổn định diện tích trồng dứa hiện nay; triển khai thực hiện việc đổi điền dồn thửa, quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất quy mô lớn; tập huấn hướng dẫn nông dân trồng dứa tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất dứa theo hướng hữu cơ tạo sản phẩm sạch, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế; xây dựng dứa thương phẩm có thương hiệu hướng tới sản phẩm OCOP.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.