Tại huyện Quỳnh Nhai, thực hiện chủ trương về chuyển đổi đất trồng cây hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả theo chuỗi liên kết phục vụ chế biến và xuất khẩu, UBND huyện đã phối hợp với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) triển khai mô hình trồng dứa theo chuỗi liên kết, cung cấp nguyên liệu cho Trung tâm Chế biến rau quả Doveco – Sơn La.
Năm 2020, huyện đã chỉ đạo các xã Mường Sại, Mường Giàng, Mường Giôn và Chiềng Ơn đăng ký tham gia thực hiện thí điểm trồng 105,3ha dứa nguyên liệu xen cây xoài. Cấp ủy, chính quyền huyện cũng đã tích cực vào cuộc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và các phòng ban, cơ quan, đơn vị trong việc phối hợp với các xã, tổ phát triển vùng nguyên liệu của Doveco mở các hội nghị tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký và ký hợp đồng trồng các loại cây phục vụ cho vùng nguyên liệu của nhà máy chế biến rau quả của Doveco – Sơn La.
Nhờ áp dụng tốt các tiến bộ khoa học vào trồng và chăm sóc, đến nay, cơ bản số diện tích dứa đăng ký thực hiện của các xã đã cho quả và chuẩn bị thu hoạch. Dự kiến, lứa thu hoạch đầu tiên sẽ bắt đầu từ 20/6 đến tháng 7/2022 với hơn 54ha. Trong đó xã Mường Giôn 15,6ha; Chiềng Ơn 27,9ha; Mường Sại 7,9ha và Mường Giàng 2,5ha. Diện tích còn lại thu hoạch vào các thời điểm tiếp theo của năm.
Tại mô hình trồng dứa nguyên liệu thí điểm với diện tích 17,8ha tại bản Huổi Ná, xã Chiềng Ơn, những đồi dứa thời điểm này đã đẫy quả, phát triển tốt, bà con ai nấy đều phấn khởi. Trưởng bản Huổi Ná, anh Hoàng Văn Bun chia sẻ: Sau vụ thu hoạch dứa này, Ban quản lý bản sẽ tiếp tục vận động các hộ mở rộng diện tích trồng dứa trên cơ sở liên kết với Doveco.
Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ Khuyến nông huyện Quỳnh Nhai, cây dứa trồng tại địa bàn huyện từ 18 - 24 tháng sẽ cho thu hoạch, dự kiến năng suất đạt từ 25 - 30 tấn/ha, thâm canh tốt có thể đạt 40 tấn/ha. Doveco cam kết bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng ký kết với giá dứa loại 1 là 4.300 đồng/kg; dứa loại 2 là 2.860.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư giống, phân bón, công làm đất..., người dân địa phương có thể thu lãi từ 70 - 129 triệu đồng/ha trở lên.
Nếu so với trồng sắn, trồng dứa dự kiến cho thu nhập cao gấp nhiều lần. Sau khi thu hoạch xong dứa lứa đầu, chồi giống sẽ được lưu lại tại nương. Các hộ tiếp tục tiến hành chăm sóc lựa chọn, tỉa chồi, để lại những chồi tốt, không sâu bệnh, đủ điều kiện làm giống và tiếp tục chăm sóc làm cỏ, bón phân cho cây giống. Sau thời gian chăm sóc, dự kiến đến tháng 12/2022 sẽ tiến hành cắt chồi để trồng cho vụ tiếp theo…
Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai thông tin: Trong năm 2022, ngoài duy trì và phát triển số diện tích đã trồng, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã tuyên truyền vận động nhân dân đăng ký trồng mới khoảng 100 ha dứa nguyên liệu, tập trung tại các xã Cà Nàng, Mường Chiên, Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Ơn, Mường Sại và Nặm Ét.
Đồng hành người dân trồng dứa, thời gian tới, huyện Quỳnh Nhai cũng đã đưa ra các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới; đổi mới tư duy, chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Thời gian tới, Quỳnh Nhai sẽ tiếp tục triển khai tổ chức họp dân, rà soát vùng trồng, tiến hành cho các hộ đăng ký diện tích trồng dứa theo kế hoạch đề ra. Trong đó, lựa chọn 1 - 2 hộ hoặc HTX có điều kiện làm điểm, thực hiện trồng dứa phủ màng, nhằm hạn chế cỏ dại, giảm công chăm sóc. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Khuyến nông tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng và chăm sóc dứa cho người dân...
Trên cơ sở những cam kết giữa nông dân với Doveco, các xã sẽ thành lập các tổ, nhóm, HTX trồng dứa nguyên liệu. Đồng thời, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản xuất, trong đó hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân - doanh nghiệp và nhà nước trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm.