| Hotline: 0983.970.780

Thao thức Căn Co

Thứ Ba 07/12/2010 , 09:53 (GMT+7)

Vượt qua hơn trăm cây số đường rừng chúng tôi mới tới được trung tâm xã Căn Co, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Vượt qua hơn trăm cây số đường rừng chúng tôi mới tới được trung tâm xã Căn Co, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Hỏi đường lên bản Nậm Phìn 2, Chủ tịch xã Tẩn A Chẩu chỉ khuyên nhà báo không nên đi bởi lên đó quá nguy hiểm.  

Chưa kịp giải thích câu gì, ông lôi chúng tôi ra sân uỷ ban rồi đưa tay chỉ về phía bản xa. Những ngôi nhà nhỏ như những cái bát úp bám vào triền núi. Lúc này ông Chẩu mới thủng thẳng: Nhìn thì gần nhưng đến được đó cũng mất cả nửa buổi. Người nào đi quen có cơ lên được, người nào tay lái không vững mất mạng như chơi. 

Gian nan, gian khó, gian truân

Con đường lên bản nhỏ như lối chuột chạy, bám theo triền núi. Một bên là mép vực, một bên là vách núi dựng đứng. Càng lên cao đường càng khó đi, dốc nối dốc khiến con xe của chúng tôi nhảy lên chồm chồm. Mặc dù đã chinh phục nhiều cung đường Tây Bắc nhưng khi đi đến dốc 3 tầng, tôi cũng cảm thấy rợn tóc gáy.  

Con chữ đến với học sinh Căn Co còn quá nhiều gian nan

Sau gần nửa buổi đánh vật với con đường đến bản Nậm Phìn. Đến bản, mặt trời vừa khuất sau đỉnh núi. Bóng đêm đã sầm sập ập xuống. Thấy có người khách lạ đến thăm trường, cả 2 cô giáo ùa ra đón. Họ cười nói tíu tít rồi hỏi thăm quê quán người khách lạ cứ như là quen thân nhau lâu lắm rồi. Cô giáo Loan, quê ở Hoà Bình dạy lớp mầm non bảo: “Ở đây chỉ có giáo viên thăm nhau thôi, chứ mấy khi có khách miền xuôi lên chơi”.

Chúng tôi chưa kịp ngồi ấm chỗ thì ông Tẩn A Páo, Trưởng ban văn hoá xã Căn Co tới mời các thầy cô giáo lên nhà hớp tiu - uống rượu. Chẳng là hôm nay ông Páo tổ chức mừng nhà mới cho con rể. Không lưỡng lự, cô Vui, cô Loan cùng thầy Sơn lên đường tức tốc. “Muốn gieo được con chữ ở đất này, thầy giáo phải coi mình như một người con của dân bản mới hoàn thành được nhiệm vụ”, cô Loan nói. 

Nhà ông Páo ở đầu bản. Phía trong đã kê 2 dẫy bàn chạy dài từ đầu nhà đến cuối nhà. Phía trên bày rượu thịt. Cánh đàn ông trong bản đang chén chú chén anh mà lòng vui như mở hội. Thầy cô ngồi vào mâm là phải uống rượu. Hết người này đến người khác đến chúc. Giờ thì tôi hiểu lời của cô Loan nói lúc trước, không coi mình là con dân của bản thì khó lòng mà dạy học được ở cái đất này.  

Bất cứ một giáo viên miền xuôi nào lên đây gieo chữ cũng phải vượt qua những con đường đất rất “quý” người nơi đây. Phần lớn các bản ở cách xa trung tâm từ 10 đến 20km. Mùa khô đi lại đã khó khăn là vậy, mùa mưa còn khó gấp nhiều lần. Mỗi khi nhớ lại những lần vượt dốc “3 tầng” cô Loan lại thấy khiếp đảm.

Loan kể, hôm đó chị em vừa ở quê (Hoà Bình) lên trường. Đến trung tâm xã thì trời đổ vưa to. Đường trơn như mỡ. Đến dốc Mỏ, Loan nhờ chị Thương cầm lái cho đỡ mệt. Thương vừa lái xe máy được một lát, bỗng Thương thấy mặt mày tối sầm. Lúc đó Thương không phân biệt được đâu là đường nữa. Thương bị chệch tay lái khiến xe lao thẳng xuống vực. Ngồi phía sau Loan cảm thấy có chuyện chẳng lành, Loan hét to cảnh báo. Cũng may khi chiếc xe đang lao phăng phăng xuống vực, Thương quặt được tay lái. Tuy không mất mạng nhưng 2 cô giáo lộn mấy vòng trên không.  

Loan nằm bất tỉnh bên bờ vực. Lúc tỉnh dậy Loan giật bắn mình khi thấy chị Thương đang nằm thoi thóp bên đường. Máu thấm đẫm khẩu trang. Quá hoảng hốt, Loan chỉ biết ngồi ôm chị Thương khóc. May mà có 2 thầy giáo cùng trường đi qua đã chở hai chị em đi cấp cứu kịp thời. “Nếu không có hai thầy giáo giúp đỡ chắc chị em không sống nổi đến ngày hôm nay. Nếu hôm đó mà xảy ra chuyện gì em ân hận cả đời”, Loan nhớ lại.  

Năn nỉ học sinh đến lớp 

Các giáo viên nơi đây đa phần là người dưới xuôi lên. Bám trường, bám lớp, cái khó, cái khổ như thác lũ từ tứ phía đổ về. Nào là vận động để học sinh đến lớp, rồi giữ chân để các em không vì cái đói, cái rét mà phải bỏ học giữa chừng. Bởi thế, giáo viên chủ nhiệm nào giữ nguyên được sĩ số học sinh từ đầu đến cuối năm học là một điều kỳ diệu.   

Sau cả buổi đi vận động, thầy Sơn mới gọi được 2 học sinh 

Thầy Sơn bảo, ở đây người dân vẫn còn nặng nề quan niệm, cái chữ chẳng quý bằng hạt ngô, hạt đậu trên nương bởi hạt ngô, hạt đậu làm cái bụng nó no, còn cái chữ, càng ngồi lớp lâu càng thấy đói.

Sáng sớm tinh mơ cô Vui, cô Loan cùng thầy Sơn, thầy Hữu đã phải tất bật lên bản gọi học sinh. Điểm trường Nậm Phìn 2 có 4 lớp. Mỗi thầy cô phụ trách một lớp nhưng đi gọi học sinh thì cả 4 thầy, cô cùng đi. Đi rạc cả chân mà chẳng lớp nào có đủ học sinh. Giáo viên ở đây sợ nhất là khi đến mùa thu hoạch. Khi ấy, các em thường xin về phụ giúp gia đình và nghỉ luôn. Bởi thế, để kéo học sinh của mình trở lại lớp, giáo viên chủ nhiệm lại phải băng khe vượt núi đến tận nhà vận động. Thậm chí, nhiều thầy, khi tới nhà học sinh, thấy việc nương, việc rẫy của gia đình học trò đó chưa xong phải xắn tay vào làm giúp. Làm xong mới… được phép “bắt” học trò của mình lại lớp. 

Gần nửa buổi sáng, học sinh của cô giáo Loan mới đến đủ mặc dù lớp học chỉ cách nhà các cháu vài bước chân. Lớp mầm non được dựng nhờ dưới gầm sàn của người dân trong bản. Phía ngoài táp vài miếng gỗ cho khỏi rét. Nền đất được cô giáo trải tấm bạt. Học sinh của cô giáo chân không dép. Trong các cấp học thì cô giáo dạy mầm non là vất vả nhất. Tất cả học sinh đến lớp đều chưa biết tiếng phổ thông. Cô giáo muốn dạy các cháu múa hát thì phải tự xoá mù bằng ngôn ngữ địa phương trước.

Ngày đầu lên trường, việc đầu tiên là cô giáo Loan tình nguyện là học sinh của trưởng bản Tẩn A Nghị. Ông Nghị dạy Loan nói tiếng dân tộc Dao. Hàng tuần liền Loan mới học được những câu giao tiếp đơn giản. Việc học đâu dừng lại ở đó, trước ngày lên lớp, tối nào cô giáo cũng phải lân la hết nhà này đến nhà khác vừa làm công tác dân vận, vừa học tiếng. Cứ như thế sau năm học đầu tiên bỡ ngỡ, cô giáo Loan đã có thể giao tiếp được với người dân địa phương bằng tiếng bản địa. Nói như trưởng bản Nghị “cô giáo Loan đã là người con của dân bản rồi”. 

Trong khi ở cấp tiểu học, THCS cơ sở trường lớp được đầu tư, tuy chật hẹp nhưng vẫn đỡ hơn những lớp học mầm non nơi gầm sàn hay trong nhà học tạm. Tiếp chúng tôi trong phòng học chật hẹp, được ngăn ra một phần làm chỗ ở cho giáo viên ở bản trung tâm xã, cô giáo Trần Thị Hồng, Hiệu trưởng trường mầm non nói như phân bua: “Xã Căn Co có 9 bản thì chỉ duy nhất bản trung tâm có 3 phòng học kiên cố, còn lại các bản khác đều phải học ở gầm sàn hay nhà tạm. Do không có phòng học riêng nên nhà trường cũng không dám đầu tư bàn ghế, trang thiết bị dạy học. Mỗi trẻ đến lớp thường mang theo một chiếc ghế mây để ngồi”.   

Các cháu mầm non ở bản Nậm Phìn 2 phải học ở dưới gầm sàn

Chăn đơn gối chiếc 

Yêu trẻ, yêu lớp, yêu mảnh đất này mãnh liệt lắm các cô giáo mới có thể bám trường, bám lớp và hoàn thành sứ mệnh gieo chữ. Tất cả các cô giáo mầm non là nữ và đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người. Mỗi khi nhắc tới chuyện riêng tư của mỗi cô, chị Hồng lại chạnh lòng: “Cô nào cũng tuổi xuân phơi phới. Vậy mà vẫn phải chịu cảnh chăn đơn, gối chiếc”. Theo chị Hồng, trong số 15 giáo viên, còn 5 cô giáo vẫn “phòng không”.  

Các cô có muốn lấy một anh trai bản cũng không đến lượt. Trai tráng ở đây 15-16 tuổi là lấy vợ hàng loạt rồi. Cứ thế năm nọ nối năm kia, chẳng mấy chốc cái tuổi son rỗi nhất của đời người trôi qua lúc nào chẳng hay.

Phần lớn các cô giáo quê ở dưới xuôi lên đây dạy học. Do đường xá đi lại khó khăn nên chỉ có những ngày nghỉ Tết hoặc nghỉ hè các cô mới về quê. Trai quê thường lấy vợ sớm. Riêng các cô giáo ở miền sơn cước về đều đã luống tuổi nên tìm được một người phù hợp với mình rất khó. Yêu nghề, yêu trẻ thì các cô lại phải tay nải lên trường. Các chàng trai có tình ý, chưa kịp làm quen đã phải xa nhau. Anh nào có quyết tâm lắm nhưng cứ nghĩ mai này vợ mình lại lên non dạy học thì họ lại chùn bước.  

Có lên Căn Co, có chứng kiến những việc làm cao thượng và sự hy sinh thầm lặng của những thầy cô gieo chữ nơi biên ải mới thấy mỗi người đều xứng đáng là anh hùng, chí ít là trong lòng người dân nơi đây và trong lòng người viết bài này.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ùn tắc bến phà ra đảo Cát Bà dịp 30/4 và 1/5

HẢI PHÒNG Ngày 28/4, hàng nghìn người đã ùn ùn đổ về bến phà Đồng Bài để ra đảo Cát Bà khiến giao thông tắc nghẽn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm