| Hotline: 0983.970.780

Thất thu vụ chuối tết

Thứ Năm 28/11/2019 , 13:15 (GMT+7)

Cơn bão số 5, số 6 vừa qua làm ngã đổ nhiều diện tích chuối trồng bán tết của nông dân ở huyện Tuy An (Phú Yên).

10-48-17_chuoi_1
Nông dân xã An Lĩnh (huyện Tuy An) thu dọn chuối ngã đổ.

Bên cạnh đó, có nhiều diện tích chuối còn đứng nhưng lo sợ bão ngã đổ người trồng chặt phạt tàu làm cho chuối mất sức, dẫn đến không ra buồng vào dịp tết.

Bà Mạnh Thị Trang, ở xã An Lĩnh trồng 2ha chuối “canh” bán dịp tết, bão số 5 vừa qua làm ngã đổ 2/3 vườn chuối. Sau bão vợ chồng bà Trang ra sức “chống gậy” chuối bằng cách dùng cây có nạng chống đỡ cho chuối đứng vững.

Bà buồn rầu nói: Hai năm qua, vào dịp tết, giá chuối dao động từ 10.000-12.000 đồng/kg, một nải chuối thường gần 2kg, còn một buồng chuối trung bình 10 nải bán từ 180.000-200.000 đồng. Riêng gia đình tôi, hàng năm thu 30 triệu đồng từ tiền bán chuối tết. Với 2ha chuối ngã đổ, nếu chống đỡ cây nào gượng được thì buồng chuối nhẹ ký bán giá thấp, thất thu mùa chuối tết này tới 20 triệu đồng.

Còn ông Trần Văn Tiến trồng chuối ở xã An Lĩnh chia sẻ: Vườn chuối của tôi rộng 1ha, bão số 5 làm ngã đổ hết một nửa, tôi ra sức “chống gậy”, chuối chưa ngóc đầu lên được thì đài báo bão số 6, tôi lo sợ chuối ngã đổ chặt phạt tàu. Chuối khi bị chặt phạt tàu mất sức khó ra dịp tết.

Theo người trồng chuối, “canh” để chuối ra buồng bán trúng tết thì cứ tháng 4 bứng chuối con trồng chăm sóc đến tháng Chạp thu hoạch. Khi chuối ra buồng hết nải đến khi chín trong vòng 1 tháng.

Như vậy đến thời điểm hiện nay cây chuối cái bắc đầu “bình bụng” (mang buồng phình to dưới gốc rồi trồi lên), thời gian sau trổ buồng bán dịp tết. Thế nhưng khi chuối ngã hoặc bị phạt tàu thì cây chuối mất sức khó trổ buồng, nếu trổ buồng thì bị lép (trái chuối không bóng mẩy), nhẹ ký.

Xã An Lĩnh có 6 thôn, xóm, nông dân trồng chuối trải một màu xanh từ nhà ra tận rẫy. Người dân ở đây chủ yếu thu nhập chính từ cây chuối, nhà ít nhất cũng có gần trăm cây chuối.

Thôn 1 là vựa chuối lớn nhất xã An Xuân, mỗi dịp tết có gia đình kiếm 30-40 triệu đồng. Chuối thu từ thân, bắp đến buồng chuối. Tuy nhiên, 2 cơn bão liên tiếp vừa qua đã quật ngã nhiều diện tích chuối. Gia đình bà Bùi Thị Nhung có 5 sào chuối bị bão làm ngã đổ xiêu gốc. Từ chỗ dự kiến thu 10 triệu đồng thì dự định dịp tết này hai vợ chồng chỉ còn biết ra rẫy mót lại những buồng chuối “đẹt” (chuối còi).

Sau khi bị bão đè ngã nằm dài, xiêu vẹo khó khôi phục nông dân chặt bỏ rồi bứng chuối con trồng mới. Ông Bùi Văn Dũng, ở thôn 3 xã An Xuân cho hay: Cây chuối “mình nước” (thân mềm) gặp gió bão dễ gãy, khi gãy thời gian sau lột bẹ dẫn đến mất nước. Vì vậy khi chuối bị bão ngã thấy vẫn “sống lâu” (chuối vẫn xanh) nhưng chuối khó ra buồng, cần chặt bỏ trồng mới. Số ít bán rằm tháng Giêng, còn hầu hết dịp mùng 5 (Tết Đoan Ngọ) thu hoạch bán.

10-48-17_chuoi_2
Vườn chuối xã An Lĩnh (huyện Tuy An) ngã đổ.

Theo ông Dũng, khi trồng chuối moi hố sâu rộng đất xốp, từ cây con trồng khi lớn thành chuối mẹ đẻ ra nhiều cây chuối con, mục đích moi hố sâu để lớp chuối con sau này lâu lồi gốc (vì trồng sâu hằng năm lấp gốc cao dần) nên “ăn” được mấy mùa sau, buồng chuối lại sai nải, trái to. Cách làm này, người dân ở đây trồng 1 ha chuối của thu trên 30 triệu đồng/năm.

Thống kê của UBND huyện Tuy An, vùng trồng chuối tại xã An Xuân, An Lĩnh có hơn 600ha, cơn bão số 11 vừa qua làm ngã đổ 43ha chuối. Ngoài diện tích chuối ngã đổ thì có gần 100ha chuối nông dân lo sợ bão quật ngã chặt tàu...

Theo ông Cao Văn Tiên, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, các xã An Xuân, An Lĩnh, An Thọ, đất sản xuất là đất đá pha sạn cốm trên vùng gò đồi nên lâu nay người dân chỉ trồng cây chuối.

Sau bão, người dân mới khôi phục sản xuất, đầu tư trồng mới, chăm sóc tái tạo lại vườn chuối bị hư hại do mưa bão.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên, cho biết:

Với những vườn chuối bị ảnh hưởng do mưa bão thì nông dân dựng lại cây bị nghiêng, cắt tỉa lá bị gãy rách, khi đất đã se mặt, cần bón phân với liều lượng thích hợp để kích thích cây hồi phục, mọc rễ mới. 

Còn chuối gãy thân chính, thì xử lý tàn dư cây gãy đổ, chọn 1-2 cây con khỏe nhất trong khóm để chăm sóc thành cây thay thế.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.