| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người thành thị bằng cách nào?

Thứ Năm 03/11/2022 , 23:19 (GMT+7)

Đối tượng tiêu thụ thịt thú rừng nhiều nhất là những người có thu nhập, địa vị và trình độ học vấn cao, tập trung ở các đô thị lớn.

Cầy vòi mốc, một trong những đối tượng thường trở thành các món ăn đặc sản tại các nhà hàng đặc sản thịt rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Cầy vòi mốc, một trong những đối tượng thường trở thành các món ăn đặc sản tại các nhà hàng đặc sản thịt rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Ai hay ăn thịt thú rừng?

Hiện nay, việc khai thác quá mức đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng và các sản phẩm động vật hoang dã gây suy giảm quần thể các loài hoang dã, mất đa dạng sinh học.

Điều này dẫn đến nhiều cánh rừng không còn bóng thú do săn bắn đến mức tận diệt, buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã.

Chưa kể, hoạt động của con người tác động lên môi trường tự nhiên làm phát sinh và lây truyền mầm bệnh từ động vật sang người.

Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng gia tăng ở khu đô thị, thành phố lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) và nhóm người có thu nhập, địa vị, trình độ học vấn cao có xu hướng ăn thịt thú rừng nhiều hơn.

Điều này có thể hiểu là vì họ có đủ khả năng tài chính với niềm tin thịt thú rừng có thể bồi bổ sức khỏe, nhiều giá trị dinh dưỡng, ngon, độc lạ và đặc biệt là thể hiện đẳng cấp.

Cụ thể, các đối tượng tiêu thụ thịt thú rừng thường từ 26 – 55 tuổi, sinh sống ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM và thu nhập lớn hơn 20 triệu đồng/tháng.

Cũng theo các nghiên cứu của WWF, các ngành nghề có số lượng người tiêu thụ thịt thú rừng nhiều nhất thường là buôn bán bất động sản, ngân hàng, xây dựng…

Những người ăn thường ăn thịt thú rừng cùng gia đình, trong các dịp gặp gỡ bạn bè hay thiết đãi đối tác làm ăn, chủ yếu ở các nhà hàng.

Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, mỗi năm có khoảng 3.500 – 4.000 tấn thịt thú rừng được buôn bán qua thị trường Việt Nam. Trong đó, khoảng 50%, tương đương 2.000 tấn được giữ lại phục vụ nhu cầu trong nước và 80% của số này được tiêu thụ trong các nhà hàng dưới hình thức đặc sản thịt rừng.

Tác động tiêu cực của ăn thịt thú rừng

Theo bà Nguyễn Đào Ngọc Vân - Cố vấn Quốc gia chống buôn bán động vật hoang dã trái phép WWF-Việt Nam, việc tiêu thụ đến 2.000 tấn thịt thú rừng ở Việt Nam như đã nêu ở trên khiến số loài và số lượng cá thể các loài động vật hoang dã suy giảm kéo theo nguy cơ tuyệt chủng, các nguồn gen cũng suy thoái, thất thoát, dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học.

Do đó, các hệ sinh thái bị mất cân bằng và làm lan truyền các bệnh truyền nhiễm, bao gồm những bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Bên cạnh đó, các hoạt động của con người như săn bắn, buôn bán, vận chuyển, gây nuôi, giết mổ và tiêu dùng động vật hoang dã gia tăng nguy cơ phát sinh, lây truyền các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, đặc biệt khi con người tương tác với các loài có nguy cơ cao lây truyền bệnh có thể gây ra ổ dịch, đại dịch.

“Để phòng ngừa đại dịch trong tương lai, cần thiết phải giảm thiểu sự tiếp xúc gần giữa con người và động vật hoang dã qua các hoạt động săn bắn, buôn bán, vận chuyển, gây nuôi, giết mổ và tiêu dùng động vật hoang dã, nhất là trong điều kiện mất vệ sinh”, bà Nguyễn Đào Ngọc Vân khẳng định.

Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân - Cố vấn Quốc gia chống buôn bán động vật hoang dã trái phép WWF-Việt Nam chia sẻ về nguy cơ từ việc ăn thịt thú rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân - Cố vấn Quốc gia chống buôn bán động vật hoang dã trái phép WWF-Việt Nam chia sẻ về nguy cơ từ việc ăn thịt thú rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Chúng ta phải làm gì?

Để giải quyết những vấn đề trên, WWF có sáng kiến thực hiện thí điểm chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị tại Việt Nam, Lào và Campuchia.

Mục tiêu của chiến dịch là nâng cao nhận thức về thực trạng tiêu thụ thịt thú rừng. Nhấn mạnh mối liên kết giữa tiêu thụ thịt thú rừng có nguy cơ cao lây truyền bệnh và dịch bệnh từ động vật sang người và nguy cơ bùng phát ổ dịch/đại dịch.

Thay đổi nhận thức về quan niệm ăn thịt thú rừng tốt cho sức khoẻ, phù hợp đẳng cấp, ngon và khác lạ. Thúc đẩy thay đổi hành vi và không ăn thịt thú rừng.

Cụ thể, WWF mong muốn cắt giảm nhu cầu tiêu dùng thịt động vật hoang dã thuộc nhóm nguy cơ cao lây truyền bệnh và dịch bệnh từ động vật sang người của nhóm người tiêu dùng thành thị trong tương lai xuống 10% so với hiện nay.

Để làm được điều đó, WWF và các đối tác sẽ lan toả thông điệp tiêu thụ thịt thú rừng có nguy cơ cao gây bệnh truyền nhiễm và lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người.

Bên cạnh đó, kêu gọi và khuyến khích người tiêu dùng không ăn thịt thú rừng để bảo vệ sức khoẻ bản thân, cộng đồng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Liên quan vấn đề kỹ thuật, phía WWF khẳng định sẽ cung cấp thông tin về nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người trong chuỗi cung cầu động vật hoang dã, bao gồm buôn bán, gây nuôi, chế biến và tiêu dùng thịt động vật hoang dã.

Kêu gọi và tập hợp sức mạnh của NGO, doanh nghiệp để lan truyền thông tin chiến dịch, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng thịt thú rừng vì hành vi này dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người.

Hình thức thể hiện có thể là trình chiếu hình ảnh và thông điệp của chiền dịch ở những nơi mà đối tượng mục tiêu thường đến như siêu thị mua sắm, quán cà phê.

Hay quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến như Facebook, Google, Zalo... hoặc trực diện hơn là lan toả các video tuyên truyền nhấn mạnh các mối nguy từ việc tiêu thụ thịt thú rừng trong giai đoạn hiện nay.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.