Ngày 29/3, tại TP Cần Thơ, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch ĐBSCL”.
Khuôn khổ sự kiện, Hiệp hội du lịch ĐBSCL đã công nhận và tái công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng năm 2024.
Theo đó, điểm du lịch Đồi Tức Dụp (tỉnh An Giang) được tái công nhận là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2024. Ba điểm du lịch còn lại được công nhận mới là Cảng du thuyền Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang); Điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Cồn Hô và Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer thuộc tỉnh Trà Vinh.
Đến nay, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã công nhận 53 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, góp phần tạo động lực phát triển du lịch bền vững.
TS Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết, các điểm du lịch đã được công nhận mới sau 2 năm sẽ tiến hành tái đánh giá để công nhận. Điều đó đặt ra yêu cầu cho các điểm du lịch tiêu biểu trong vùng, phải luôn đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có để cung cấp những sản phẩm tốt nhất cho du khách.
Ước tính năm 2023, tổng lượt khách đến với ĐBSCL đạt gần 45 triệu lượt, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt. Doanh thu đạt gần 46 nghìn tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ 2022.
Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá, từ sau khi ngành du lịch mở cửa trở lại vào tháng 3/2022, ngành đã từng bước phục hồi. Năm 2022, cả nước phục vụ 101,3 triệu khách nội địa và đón gần 3,7 triệu khách du lịch quốc tế. Vượt xa con số 85 triệu lượt của năm 2019, doanh thu từ du lịch mang về trong năm 2022 đạt 495 nghìn tỷ đồng.
Đến năm 2023, doanh thu từ du lịch tăng cao, đạt 678 nghìn tỷ đồng. Tiếp đà phục hồi 2 tháng đầu năm 2024 lượng khách quốc tế đã đạt hơn 3 triệu lượt, tương đương với cùng kỳ năm 2019.
Để đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển, bà Lan đề nghị ngành du lịch vùng ĐBSCL cần tập trung hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa - lịch sử.
Đặc biệt du lịch xanh là một thế mạnh lớn của vùng, do đó việc chú trọng phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới gắn với Chương trình OCOP theo hướng du lịch xanh, gắn với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch kết nối hợp tác xã - làng nghề để tạo nên sự khác biệt trong từng sản phẩm du lịch.
Bên cạnh đó, việc liên kết giữa các địa phương trong vùng để phát huy thế mạnh riêng, tránh trùng lặp, gây nhàm chán cho du khách. Nâng cao tính cạnh tranh về du lịch dựa trên 3 yếu tố sản phẩm, chất lượng dịch vụ, xúc tiến du lịch để đưa ĐBSCL sớm trở thành khu du lịch sinh thái độc đáo của Việt Nam và khu vực. Ngoài ra, cần có sự đồng hành của các đơn vị cung ứng du lịch như vận tải, hàng không, dịch vụ.