Các chuyên gia y tế Hồng Kông cho rằng, sự xuất hiện của ca bệnh là ngẫu nhiên và nguy cơ lây truyền virus thấp, nhưng một khi nhiễm bệnh sang con người thì khả năng tử vong cao.
Theo Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe (CHP), thuộc Cơ quan Y tế Hồng Kông, bệnh nhân được chẩn đoán là một người đàn ông 49 tuổi sống ở thị xã Thanh Viễn, tỉnh Quảng Đông, do ông này đã tiếp xúc với gia cầm sống trước khi xuất hiện các triệu chứng.
Hồ sơ bệnh án cho thấy, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng vào ngày 17 tháng 12 năm 2022, sau đó được nhập viện để điều trị vào ngày 21 tháng 12 năm 2022 và hiện vẫn đang trong tình trạng nghiêm trọng.
Theo CHP, kể từ năm 2014 đến nay có tổng cộng 83 trường hợp mắc chủng cúm gia cầm A (H5N6) ở người đã được các cơ quan y tế ở Trung Quốc đại lục báo cáo.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ 2/3, CHP khẳng định rằng họ luôn thận trọng và hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan y tế liên quan để theo dõi những diễn biến mới nhất của cúm gia cầm, bên cạnh việc thiết lập các biện pháp giám sát, phòng ngừa và kiểm soát tại địa phương.
CHP đồng thời cảnh báo, khách du lịch đến Trung Quốc đại lục hoặc các khu vực bị ảnh hưởng khác tránh đến các chợ ẩm ướt, chợ gia cầm sống hoặc trang trại chăn nuôi gia cầm.
Ông Yang Zhanqiu, giáo sư khoa sinh học mầm bệnh tại Đại học Vũ Hán, cho rằng virus cúm gia cầm H5N6 có khả năng gây bệnh cao đối với gia cầm và chủ yếu lây nhiễm cho chim, trong khi khả năng lây nhiễm ở người hiếm khi xảy ra.
“Tại Trung Quốc đại lục, virus cúm gia cầm H5N6 thường được tìm thấy trong các quần thể dân cư có liên quan đến các ngôi chợ ẩm ướt và chợ gia cầm sống ở phía nam của đất nước”, ông Yang lưu ý.
Báo cáo của các phương tiện truyền thông cho biết, các trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H5N6 ở người đã từng được xác nhận ở Quảng Đông, Tứ Xuyên, Vân Nam, và Giang Tây, phía đông Trung Quốc.
Giới chức y tế địa phương cho biết, virus cúm H5N6 là một loại cúm nguy hiểm đối với con người, sau khi bị nhiễm bệnh, có tới 93,8% trường hợp phát triển thành các ca bệnh nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong có thể lên tới trên 60%.
Hồi đầu năm 2021, chủng virus cúm gia cầm H5N6 độc lực cao được phát hiện trên các loài chim hoang dã ở một công viên thuộc thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc sau đó đã ghi nhận có tổng cộng 291 con chim hoang dã nguy cơ lây nhiễm và 11 con đã chết, và buộc phải tiêu hủy toàn bộ đàn chim hoang dã như một phần của các biện pháp ứng phó khẩn cấp.
Mới đây nhất, hôm 24/2, một bé gái 11 tuổi ở tỉnh Prey Veng, phía đông thủ đô Phnom Penh đã được chẩn đoán nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 sau khi bị sốt cao và ho từ ngày 16/2. Bộ Y tế địa phương cho hay, khi tình trạng xấu đi, bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện nhi Trung ương ở thủ đô Phnom Penh để điều trị, nhưng đã qua đời sau đó.
Tổ chức Thú y Thế giới (WHO) cho biết kể từ đầu năm ngoái, dịch cúm gia cầm đã tàn phá các trang trại chăn nuôi trên khắp thế giới, dẫn đến giới chức phải buộc tiêu hủy hơn 200 triệu con gia cầm vì dịch bệnh.
Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết trong một cuộc họp báo rằng virus H5N1 đã lây lan ở gia cầm và chim hoang dã trong 25 năm, nhưng các báo cáo gần đây về các ca lây nhiễm ở chồn, rái cá và hải cẩu “cần phải được theo dõi chặt chẽ”.