Theo nhận định của ngành thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát dịch cúm gia cầm (DCGC) trên địa bàn tỉnh.
Nguyên nhân do thời tiết thay đổi, diễn biến phức tạp, thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của gia cầm. Việc gia tăng vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật giữa các địa phương khiến nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao...
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa có dấu hiệu xảy ra DCGC. Đàn gia cầm, nhất là tại các trang trại, gia trại, các lò giết mổ đều được kiểm soát, giám sát, kiểm dịch theo định kỳ. Các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn có ý thức cao trong phòng, chống dịch, tiêm vắc-xin đầy đủ, tiêu độc khử trùng thường xuyên...
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của thời tiết bất thường thì các loại dịch bệnh, nhất là DCGC có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào. Người dân không nên chủ quan trong công tác phòng, chống, hạn chế tối đa tiếp xúc với gia cầm, phát hiện kịp thời gia cầm bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Để phòng tránh DCGC có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phân công cán bộ thú y, nhân viên thú y cấp xã chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi, bảo đảm phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch và các trường hợp nghi ngờ gia cầm mắc bệnh, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Cán bộ thú y hỗ trợ người dân, các chủ trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm; xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm, đánh giá bảo hộ sau tiêm phòng cúm gia cầm.
Lực lượng thú y cơ sở cùng với các hộ chăn nuôi huy động 320 máy bơm, bình bơm tổ chức triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Trong đó, tập trung tăng cường thực hiện tại các ổ dịch, hố chôn gia súc, gia cầm cũ. Đặc biệt chú trọng triển khai tuyên truyền xã hội hóa việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng sâu rộng đến tận người dân nhằm bảo vệ đàn gia cầm của mình trước nguy cơ dịch bệnh.
Ngành thú y phối hợp với các cấp, ban ngành hướng dẫn các cơ sở giết mổ nâng cấp, sửa chữa, khắc phục điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Các chủ giết mổ cam kết thực hiện nhập gia cầm phải có nguồn gốc rõ ràng và khỏe mạnh; không mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm bệnh, chết, không rõ nguồn gốc.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế đang tổ chức, tăng cường công tác chốt chặn 24/24 giờ tại 2 chốt kiểm dịch bắc, nam; kiểm soát, kiểm dịch chặt chẽ và tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật đi qua địa bàn tỉnh và nhập vào tỉnh để giết mổ, tiêu thụ.
Trước đó, tại tại tỉnh Prey Veng, Campuchia đã có 2 trường hợp tử vong do bị nhiễm cúm vi rút cúm gia cầm A/H5N1 lây sang người.
Ngay sau khi nhận thông tin, Bộ NN-PTNT đã có Công điện khẩn số: 1030/CĐ-BNN-TYngày 26/2/2023 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2022, tổng đàn gia cầm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt 2.806,9 nghìn con, tăng 1,37%, trong đó đàn gà 2.112 nghìn con, tăng 1,88%. Sản lượng thịt hơi ước đạt 25.000 tấn, sản lượng trứng đạt khoảng 28 triệu quả.