| Hotline: 0983.970.780

Thêm nhiều ổ dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Sáu 09/07/2021 , 15:20 (GMT+7)

Cao Bằng Trong tháng 6/2021, bệnh dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục phát sinh thêm nhiều ổ dịch mới tại các địa phương ở Cao Bằng.

Là một trong những hộ chăn nuôi lợn điển hình ở xóm 2, xã Vĩnh Quang, Thành phố Cao Bằng, gia đình ông Nguyễn Văn Danh đầu tư hệ thống chuồng trại rộng hơn 100 m2 và chia thành từng khu để nuôi lợn nái, lợn thịt, lợn con. Đợt dịch năm 2019, gia đình ông bị thiệt hại nặng nề khi phải tiêu hủy hơn 2 tấn lợn. Vừa mới tái đàn lợn lại thì lại tiếp tục bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP).

Chuồng trại nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Danh, xóm 2, xã Vĩnh Quang, Thành phố Cao Bằng được sử dụng để nuôi gà sau khi đàn lợn bị tiêu hủy vì dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: C.H.

Chuồng trại nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Danh, xóm 2, xã Vĩnh Quang, Thành phố Cao Bằng được sử dụng để nuôi gà sau khi đàn lợn bị tiêu hủy vì dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: C.H.

Ông Danh chia sẻ: Sau đợt bị thiệt hại năm 2019, gia đình ông không dám nuôi lợn mà chuyển sang nuôi gà, vịt, ngan. Đầu năm 2021, ông vừa đầu tư số vốn không nhỏ để tái đàn lợn. Khi đàn lợn đang phát triển tốt, nhiều con nái đang chửa thì đến cuối tháng 6 lại có dấu hiệu bị DTLCP phải tiêu hủy tổng cộng cả đàn 27 con với trọng lượng 678 kg.

Gia đình ông Danh thu nhập chủ yếu từ chăn nuôi. Cả đàn lợn bị tiêu hủy vì DLLCP, giờ chỉ biết trông chờ vào thu nhập từ đàn gia cầm gần 2.000 con. Chờ DTLCP lắng xuống, gia đình ông tính sẽ đầu tư hệ thống chăn nuôi khép kín để hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch bệnh.

Là xã thuần nông, chủ yếu thu nhập của người dân đến từ chăn nuôi, đặc biệt là nuôi lợn. Thời gian qua, nhiều hộ dân trong xã đã bắt đầu tái đàn lợn thì đến tháng 3/2021, DTLCP lại bùng phát trở lại tại xã. 9/9 xóm ở xã đều đã có DTLCP, tiêu hủy gần 500 con với tổng trọng lượng 15.657 kg.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang, Thành phố Cao Bằng thông tin: Dù từ cuối năm 2020, người dân trong xã đã chú ý vệ sinh chuồng trại, lựa chọn kỹ con giống để tái đàn lợn nhưng do số lượng hộ chăn nuôi ở xã lớn, chuồng trại lại gần nhau nên rất dễ bị lây lan dịch bệnh.

Xã thường xuyên cử cán bộ phụ trách xuống để tuyên truyền, nhắc nhở người dân phun khử trùng, rắc vôi bột, khoanh vùng dịch để kiểm soát, hạn chế dịch bệnh lây lan. Việc DTLCP tiếp tục diễn biến phức tạp ở xã nhiều tháng qua gây thiệt hại lớn, giảm đáng kể mức thu nhập của người dân. Xã cũng đã tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chuyển sang nuôi gia súc, gia cầm để hạn chế thiệt hại do DTLCP.

Nhiều hộ dân xã Vĩnh Quang, Thành phố Cao Bằng chuyển sang nuôi gia cầm vì lo sợ dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: C.H.

Nhiều hộ dân xã Vĩnh Quang, Thành phố Cao Bằng chuyển sang nuôi gia cầm vì lo sợ dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: C.H.

Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Cao Bằng, trong tháng 6/2021, DTLCP tiếp tục phát sinh thêm 22 ổ dịch mới tại các xã Lý Bôn, Vĩnh Quang, Đức Hạnh (Bảo Lâm); Cao Chương (Trùng Khánh); Quảng Hưng, Hạnh Phúc (Quảng Hòa); Đức Long, Kim Đồng (Thạch An); Vinh Quý, Minh Long, Đức Quang, Kim Loan, Lý Quốc (Hạ Lang); Cần Yên (Hà Quảng); Sông Hiến, Ngọc Xuân, Hưng Đạo (Thành phố); TT Nước Hai, Dân Chủ, Đại Tiến, Đức Long, Bạch Đằng (Hòa An).

Tổng số lợn mắc bệnh và buộc tiêu hủy là 1.373 con lợn các loại với trọng lượng 63.002 kg. So với tháng trước, số lợn mắc bệnh và buộc tiêu hủy tăng 910 con với trọng lượng lợn tiêu hủy tăng 38.996 kg.

Ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Cao Bằng cho biết: Thời gian tới, các địa phương cần tập trung mọi nguồn lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống DTLCP theo hướng dẫn của chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT cùng các ngành liên quan.

Nêu cao trách nhiệm của hệ thống cán bộ thú y cấp xã, cơ sở để báo cáo dịch bệnh kịp thời. Người chăn nuôi tuyệt đối không được dấu dịch mà phải báo cáo sớm cho chính quyền địa phương biết để có biện pháp xử lý, hạn chế dịch bệnh tiếp tục lây lan...

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.