| Hotline: 0983.970.780

Không lơ là nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Thứ Hai 05/07/2021 , 10:09 (GMT+7)

Cục Thú y cảnh báo nguy cơ lây lan, xâm nhiễm các chủng virus cúm gia cầm vào Việt Nam cũng như tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh trên gia súc.

Kiểm soát tốt một số loại dịch bệnh

Những tháng đầu năm, trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 bùng phát trở lại, toàn ngành nông nghiệp triển khai hàng loạt các nhiệm vụ quan trọng như phòng, chống dịch bệnh, hợp tác quốc tế mở cửa thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kiểm dịch động vật, xây dựng chuỗi vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên cạn...

Nhiều dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong nửa đầu năm 2021 đã được kiểm soát, khống chế tốt. Ảnh: TL.

Nhiều dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong nửa đầu năm 2021 đã được kiểm soát, khống chế tốt. Ảnh: TL.

Cục Thú y đã tham gia đắc lực cùng với Bộ NN-PTNT và các địa phương phối hợp xử lý dịch bệnh chủ động và hiệu quả, đạt được mục tiêu kép theo yêu cầu của Chính phủ. Cục Thú y đã tham gia đắc lực cùng Bộ NN-PTNT kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Theo báo cáo của Cục Thú y, 6 tháng đầu năm 2021 tuyệt đại đa số gia cầm an toàn với dịch cúm gia cầm (CGC), gia súc an toàn với dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), đặc biệt không xuất hiện dịch tai xanh tại các địa phương.

Bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò là bệnh mới phát hiện ở nước ta vào đầu tháng 10/2020 nhưng đến nay cơ bản đã được kiểm soát.

Đến nay, Cục Thú y phối hợp với các địa phương đã xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn trên cả nước với tổng số 2.288 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 54 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh, bao gồm 976 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 1.138 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 174 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.

Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản, trong 06 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 11.390 ha, giảm 67,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng, xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tiếp tục có bước chuyển trong 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: TL. 

Công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng, xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tiếp tục có bước chuyển trong 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: TL. 

Không chủ quan nguy cơ dịch bệnh

Theo báo cáo của Cục Thú y, 6 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh đã xảy ra tại 76 xã thuộc 53 huyện của 25 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 313.729 con. So với cùng kỳ năm 2020, số ổ dịch tăng 1,33 lần, số gia cầm tiêu hủy tăng 1,70 lần. Hiện nay, cả nước có 4 ổ dịch chưa qua 21 ngày.

Các ổ dịch CGC chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vacxin. Các địa phương đã phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng. Vi rút Cúm A/H5N6 lưu hành ở khu vực phía Bắc và miền Trung trong khi vi rút Cúm A/H5N1 tập trung chủ yếu tại các tỉnh khu vực phía Nam. Phân bố địa lý các chủng virus CGC năm 2021 tương tự như năm 2020.

Cục Thú y cảnh báo: Thời gian qua, virus CGC A/H5N8 lần đầu tiên đã phát hiện tại các ổ dịch xảy ra tại các tỉnh Cao Bằng và Hòa Bình.

6 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm có chiều hướng gia tăng, phức tạp hơn so với cùng kỳ năm 2020 và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, xâm nhiễm. Đồ họa: Cục Thú y.

6 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm có chiều hướng gia tăng, phức tạp hơn so với cùng kỳ năm 2020 và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, xâm nhiễm. Đồ họa: Cục Thú y.

Thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh CGC độc lực cao A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 lây lan và gia tăng là rất cao. Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện một số chủng vi rút CGC (A/H7N9, A/H5N2,...) xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

6 tháng đầu năm, bệnh DTLCP đã xảy ra  tại 1.152 thuộc 225 huyện của 45 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 62.188 con, chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vì không bảo đảm được điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Hiện nay, cả nước có 412 ổ dịch tại 113 huyện của 29 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Trong thời gian tới, Cục Thú y nhận định nguy cơ dịch bệnh DTLCP tái phát và phát sinh là rất cao, do thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến cực đoan làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, giao thương buôn bán, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc tăng cao, bệnh chưa có thuốc điều trị và vacxin phòng bệnh. 

Bên cạnh đó, virus DTLCP có sức đề kháng rất cao tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền bệnh rất đa dạng, phức tạp và khó kiểm soát, nhiều địa phương đang thực hiện tái đàn lợn, sử dụng gia súc giống không rõ nguồn gốc..

Bệnh VDNC trên trâu, bò là bệnh mới phát hiện tại Việt Nam vào đầu tháng 10/2021. Từ đầu năm đến nay, bệnh VDNC xảy ra tại 2.781 xã thuộc 285 huyện của 37 tỉnh, thành phố. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 89.871 con, số trâu, bò tiêu hủy là 13.168 con.

Dịch tả lợn Châu Phi vẫn có xu hướng đáng ngại trong nửa đầu năm 2021. Đồ họa: Cục Thú y. 

Dịch tả lợn Châu Phi vẫn có xu hướng đáng ngại trong nửa đầu năm 2021. Đồ họa: Cục Thú y. 

Nguy cơ dịch bệnh VDNC tiếp tục lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là rất cao vì một số lý do như đường truyền lây đa dạng, phức tạp, khó kiểm soát, đặc biệt lây lan thông qua các véc tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng hút máu, truyền bệnh…); chăn thả trâu, bò trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn khá phổ biến... Bên cạnh đó, nhu cầu vận chuyển, giết mổ trâu, bò gia tăng mạnh; thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến cực đoan (nắng nóng, mưa, bão, lũ ...) làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, gây ô nhiễm môi trường...

Nguy cơ dịch bệnh trên tôm rất cao

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, dịch bệnh trên tôm chủ yếu vẫn là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính; bệnh EHP xuất hiện ở một số địa phương. Bệnh đốm trắng so với cùng kỳ năm 2020 xảy ra ở phạm vi hẹp hơn 30,5% và diện tích có tôm mắc bệnh giảm 45,2%.

Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính so với cùng kỳ năm 2020 xảy ra ở phạm vi rộng hơn 0,8% nhưng diện tích có tôm mắc bệnh giảm 37,8%. Bệnh do vi bào tử trùng EHP có dấu hiệu xuất hiện nhiều hơn, kế cả tại vùng tôm giống Ninh Thuận, nguy cơ EHP lây lan rộng thông qua vận chuyển tôm giống không qua kiểm dịch.

Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lưu hành, lây lan và gây thiệt hại cho người nuôi tôm trong thời gian tới là rất cao nếu không áp dụng các biện pháp chủ động để kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là con giống và khâu chuẩn bị ao nuôi.

Hiện nay, biến đổi khí hậu, thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn, mưa lũ... làm môi trường thay đổi và tác động xấu đến sức khỏe thủy sản, tạo thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển và gây bệnh cho thủy sản.

Thêm 4 nhà máy được xuất khẩu sữa vào Trung Quốc

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Cục Thú y đã thực hiện kiểm tra, đánh giá điều kiện đảm bảo ATTP đối với 1 cơ sở chế biến mật ong xuất khẩu, giám sát đối với 14 cơ sở chế biến mật ong xuất khẩu.

Công tác đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tiếp tục được Cục Thú y tập trung giải quyết trong nửa đầu năm 2021. Ảnh: TL.

Công tác đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tiếp tục được Cục Thú y tập trung giải quyết trong nửa đầu năm 2021. Ảnh: TL.

Cũng theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam. Trong đó có 19 quốc gia (hơn 800 doanh nghiệp) được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, đã có 130 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hơn 81.000 tấn thịt lợn các loại chủ yếu từ các nước Canada, Đức, Ba Lan, Braxin, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và LB Nga, tăng 260% so với cùng kỳ năm 2020.

Cùng với đó, Cục Thú y cũng đã hướng dẫn các thủ tục để Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận thêm 4 nhà máy của 3 công ty sữa của Việt Nam được phép xuất khẩu sữa vào Trung Quốc. Như vậy, kể từ khi Nghị định thư về xuất khẩu sữa được ký giữa Việt Nam và Trung Quốc vào tháng 4/2019 cho đến nay, đã có 9 nhà máy của 6 công ty sữa Việt Nam được Trung Quốc chấp thuận. Hiện tại, Cục Thú y vẫn tiếp tục hỗ trợ các công ty thực hiện đăng ký bổ sung thêm sản phẩm và nhà máy xuất khẩu vào Trung Quốc.

Với sản phẩm thịt gà chế biến, ngày 17/6/2021, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga đã có thông báo chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm thịt gà chế biến từ 2 nhà máy của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam được cấp phép cho xuất khẩu các sản phẩm thịt gà chế biến sang thị trường Liên minh kinh tế Á - Âu. Bên cạnh đó, thị trường Nhật Bản vẫn tiếp tục được duy trì.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.