| Hotline: 0983.970.780

Lo lắng rừng gỗ quý Trường Sơn

Vào nơi rừng bị cưa đổ

Thứ Hai 10/04/2023 , 12:30 (GMT+7)

Cây gỗ huỵnh có đường kính gần 80cm bị cưa hạ đổ dọc theo triền dốc. Ngọn cây đè gãy những cây gỗ nhỏ hơn tạo nên khoảng trống lớn…

Những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn trên địa phận tỉnh Quảng Bình sở hữu nhiều loại cây gỗ quý hiếm có tuổi đời hàng trăm năm. Điều đáng lo ngại là những cây gỗ đại thụ này  đang đứng trước nguy cơ dần “biến mất” bởi bị khai thác trộm…

Suốt cả tuần trời mưa, khá sốt ruột bởi tin báo về là những con khe trong rừng nước lên xiết nên khó đi rừng. Được nắng, tôi bảo Thọ (một đồng nghiệp trẻ): "Ngày mai lên đường thôi. Vất vả đấy, vì xuyên rừng sâu mới đến được nơi rừng bị phá”. Khi mặt trời chưa lên, tiếng gà rừng cất vội te te là chúng tôi đã có mặt ở bìa rừng…

Xuyên rừng trong nắng đổ lửa

Trạm bảo vệ rừng số 7 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) nằm ngay mặt đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây), cạnh cầu Lồ Ô. Nếu tính từ trụ sở ban, theo đường tỉnh lộ 10, đi tiếp lên đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) thì cũng ngót nghét khoảng 80 cây số. Bắt đầu từ trạm, chúng tôi xuôi một con dốc dựng đứng xuống khe Lồ Ô và bắt đầu chuyến đi xuyên rừng.

Vượt đá giàn ngược suối Lồ ô. Ảnh: T.P

Vượt đá giàn ngược suối Lồ Ô. Ảnh: T.P.

Mùa này, nước khe Lồ Ô cũng không lớn lắm, những nơi chúng tôi băng qua chỗ nước sâu nhất cũng chỉ ngang hông. Nước chảy khá xiết và đã cuội dưới lòng suối trơn nhẫy làm mọi người suýt ngã nhiều lần. Hết băng suối lại đến trèo bờng. Bờng được dân đi rừng ám chỉ là nơi gặp vùng suối sâu, nước xiết và hai bên suối là những thành đá gần như dựng đứng không có lối đi nên mọi người phải đi vòng, vượt dốc  xa hơn để tránh đoạn đường tắc.

Cũng có khi, con đường đi lên phải băng qua chân đá nằm nghiêng, phẳng. Lối đi chỉ là những gờ hằn trên đá. Người đi chưa có kinh nghiệm hay chỉ chút sơ suất rất dễ bị trượt chân ngã. Khi đó cả khối người dập mạnh xuống gờ đá, chấn thương rất khó tránh. Anh Đoàn Anh Phượng, phụ trách  Trạm bảo vệ rừng số 7 kể lại: “Có chuyến tuần tra rừng, một cán bộ bị trượt ngã trên dãy đá nghiêng này bị trật khớp tay. Anh em phải thuê bà con đồng bào dân tộc vào để cùng khiêng người bị nạn ra. Hết mấy triệu đồng tiền công thuê. Anh em trong trạm phải góp lại mới đủ tiền trả”.

Gốc cây gỗ huỵnh lớn bị cưa hạ. Ảnh: T.P

Gốc cây gỗ huỵnh lớn bị cưa hạ. Ảnh: T.P.

Mặt trời lên gần đỉnh đầu, một ngày nắng gắt và những trận gió Lào đầu tiên thổi ào qua tán rừng như tăng thêm phần nóng nực. Dù chân đang lội suối mà người cứ hầm hập, mồ hôi vã ra như tắm. Những khi băng qua bãi đá ven suối, những cục đá bằng trái bí ngô nóng rực lên dưới nắng gắt. Tôi cúi người bước vội tránh những hòn đá trên lối đi. Mồ hôi từ mặt rớt xuống trên phiến đá. Chỉ nghe tiếng động thoảng như mơ và giọt mồ hôi đã biến mất, đã khô ráo, chỉ để lại một vòng tròn nhỏ mờ ảo trên mặt đá.

Hồi sáng, trước khi đi, anh Phượng đã trao cho mọi người chiếc gậy đi rừng của những người khác để lại. Chiếc gậy nhỏ nhưng chắc chắn. Vào rừng, gậy như cái chân thứ ba cho người đi vững chân hơn khi ngược dốc, băng suối, như đỡ đi một phần sự vất vả của việc xuyên rừng. Lội qua đoạn suối, mọi người tiếp bước trên bãi đá. Nắng vẫn réo trên đầu, mồ hôi lọt vào mắt cay xè. Tôi hoa mắt bước hụt trên tảng đá. Cú trượt chân làm toàn thân tôi đổ sập về phía trước, cái ba lô đựng máy ảnh sau lưng tuột qua đầu bay về phía trước rơi sau một gờ đá. Cái gậy cầm trong tay bay lên hình vòng cung rớt xuống lộp cộp trên mấy hòn đá lớn. Mọi người xúm lại đỡ tôi lên. Hú vía, cú ngã làm thân tôi lọt vào rãnh đường đi. Nếu người tôi ngã rướn lên non gang tay thì đầu đã đập vào hòn đá có cạnh sắc chênh chếch như một mũi chông.

14 cây cổ thụ bị cưa hạ

Quá trưa, chúng tôi mới đến được đoạn con suối phình rộng ra ôm lấy một bãi đá. Anh Phượng chỉ tay lên mái núi bên kia bờ suối: “Ngược con dốc này là ta lên đến điểm cây gỗ huỵnh lớn bị lâm tặc khai thác trộm. Đi hết khoảng 45 phút thôi”. Nghe đến gần điểm có cây gỗ bị khai thác, ai nấy đều như thể nhẹ lòng nên giục nhau vượt dốc.

Phần ngọn cây khá lớn còn lại trong rừng. Ảnh: T.P

Phần ngọn cây khá lớn còn lại trong rừng. Ảnh: T.P.

Con dốc ngoằn ngèo như rắn bò qua các thân cây. Hóa ra, vì dốc quá dựng đứng nên không thể đi lên bằng đường thẳng mà phải đi lượn sang trái, sang phải như kiểu rắn bò mới lên được. Nhưng đôi chân như cứng đờ vì bị căng cơ quá mức. Những tiếng thở dốc vì mồm, mũi tranh nhau. Cây gỗ huỵnh có đường kính gần 80cm bị cưa hạ đổ dọc theo triền dốc. Ngọn cây đè gãy những cây gỗ nhỏ hơn tạo nên khoảng trống lớn lóa lên trong nắng trưa gắt. Từ gốc cây cách mặt đất chừng năm mét là hai vết cưa hình chữ V sắc lẹm. Từ khoảng cách gốc cây đến ngọn là bãi cưa xẻ. Lâm tặc chặt những cây nhỏ bằng bắp chân người lớn bắc đà ngang để dễ cho việc cắt cây gỗ thành từng đốt lớn rồi xẻ thân cây ra thành gỗ phách. Toàn bộ gỗ đã được lấy đi. Xung quanh chỉ còn lại những tấm gỗ bìa, cành khô và mùn cưa đè dày lên từng đám lá khô màu nâu thẫm.

Từ gốc cây này, cắt rừng lên đỉnh đồi chừng mươi phút là đến điểm cây gỗ thứ hai bị khai thác. Đây cũng là cây gỗ huỵnh có đường kính gốc nhỏ hơn nhưng thân lại dài hơn nhiều. Lâm tặc cưa lấy phần thân xẻ gỗ và vận chuyển đi hết. Cách gốc cây một quãng là ngổn ngang những cây đà, những tấm gỗ bìa… Phần ngọn cây thẳng đuột có đường kính chừng 40cm dài hơn chục mét nằm thườn dưới nắng gắt…

Những tấm gỗ bìa còn sót lại tại điểm cây gỗ bị cưa hạ. Ảnh: T.P

Những tấm gỗ bìa còn sót lại tại điểm cây gỗ bị cưa hạ. Ảnh: T.P.

Bỏ lại gốc cây với vết cưa sắc lạnh, tôi bươn rừng ngược lên đỉnh. Trên đình đồi thoáng hơn, con đường dương chung như lối đi mòn nối từ đỉnh đồi này đến đỉnh đồi khác. Đi qua con đường dương chung này, tôi thấy một khoảng sáng dưới triền núi liền cắt rừng tụt xuống. Trước mắt là một gốc cây gỗ lớn có đường kính trên 1m bị cưa hạ. Cây gỗ này lâm tặc hạ cũng đã lâu nên tróc hết vỏ ngoài, trơ phần gỗ thớ chắc như gạch nung cháy. Một bãi gỗ bìa, gỗ xẻ… mà lâm tặc lấy không hết còn nằm lại đã bị lá khô và cây dại mọc bò qua. Tôi quay ngược lên đỉnh, đi băng qua hai cây gỗ lớn, gốc cây chừng hai người ôm. Ở mỗi gốc cây đều có vết dao băm vào thành những vết nhựa ứa ra đã khô quánh tự lúc nào.

Tụt dốc xuống suối Lồ Ô, chúng tôi ngược vào con khe nhỏ. Theo đường khe này chừng nửa giờ đồng hồ thì lại ngược dốc đứng. Mọi người gồng chân từng bước nhỏ, tay luôn đưa ra phía trước nắm những cành dây leo hay thân cây nặng nhọc đi lên. Cây gỗ bị hạ cũng là huỵnh có đường kính gốc lớn hơn hai cây đã gặp. Phần gỗ lâm tặc cũng đã lấy đi hết. Xung quanh gốc cây là gỗ bìa, cành ngọn nằm đè gãy vô số những cây nhỏ.  Anh Phượng cho hay: "Từ đây vào đến điểm cây thứ tư phải đi hết khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ. Nếu các anh đi thì phải trên hai giờ. Khi ra chúng ta phải ngủ đêm trong rừng chứ không đi kịp đâu”.

Gốc cây gỗ lớn bị khai thác trái phép hơn 1 năm trước. Ảnh: T.P

Gốc cây gỗ lớn bị khai thác trái phép hơn 1 năm trước. Ảnh: T.P.

Không thể đi sâu vào thêm, chúng tôi phải quay ra. Lại băng suối, vượt dốc, trèo bờng trong lúc sức lực đã gần cạn kiệt vì mệt và đói. Chúng tôi ra đến chốt bảo vệ rừng thì kim đồng hồ chỉ đúng con số 14 giờ 30. Bữa cơm rừng được dọn ra với nồi canh lá rừng nấu với cua đá (bà con địa phương gọi là chè khé, lớn bằng 3 ngón tay người lớn). Xong bữa, nghỉ ngơi vài chục phút là mọi người lại khoác ba lô xuôi theo suối Lồ Ô. Chúng tôi ra đến cửa rừng khi những tia nắng cuối ngày đã không còn đậu trên ngọn cây trường cây lớn đứng bên bờ suối.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

PHÚ THỌ Diễn đàn phổ biến bộ giống chè chất lượng cao và yêu cầu của thị trường trọng điểm, hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.