Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên trải dài trên 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước, tổng diện tích gần 72.000ha, được bao quanh bởi 90km sông Đồng Nai.
Ở lõi VQG có xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên là nơi tập trung 5 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, người Mạ chiếm hơn 97% và là tộc người lâu đời nhất ở đây.
Vùng đất của người Mạ được ví là “xứ sở thần linh” với những nét văn hoá truyền thống độc đáo được gìn giữ đến ngày nay.
Truyền thuyết Tiên nương hạ giới
Sau chuyến công tác ở xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, Bình Phước, tôi dự định sang thị trấn Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng để tìm thêm tư liệu, vì 2 địa điểm chỉ cách 1 cây cầu nên gọi cho anh Đào Duy Mai, cán bộ UBND huyện, tôi quen 10 năm trước, khi đó anh Mai còn là Trưởng phòng Nông nghiệp huyện.
“Qua đây tôi đưa đến xã Đồng Nai Thượng, ở đó có làng đồng bào Mạ, nhiều chuyện thú vị, tối vào rừng xem thú hoang, tha hồ viết”, anh Mai nói qua điện thoại.
Xã Đồng Nai Thượng cách trung tâm huyện khoảng 20km, nằm hoàn toàn trong vùng lõi của VQG Cát Tiên. Đường trải nhựa phẳng lỳ, 2 bên là những vườn cây rợp bóng mát, khá yên tĩnh vì không nhiều xe chạy, không khí trong lành.
Vừa chạy xe, anh Mai vừa cho biết, bộ mặt của làng đồng bào nay đã có nhiều đổi thay, đa số đã ở nhà xây chứ không còn nhà sàn làm bằng cây rừng nữa. Đường giao thông cũng đã được trải nhựa, bê tông.
Từng có 3 năm làm Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Nai Thượng, anh Mai thuộc địa hình như lòng bàn tay. Vì thế, sau khoảng 15 phút chạy xe, chúng tôi đã có mặt tại nhà tổng già làng Điểu K’Lộc, ở bon Gia Rá, một trong những người có uy tín nhất ở Đồng Nai Thượng.
Ông K’Lộc năm nay 68 tuổi, vóc dáng vạm vỡ, giọng nói còn sang sảng. “Chuyện về rừng thì nhiều lắm. Có những chuyện mình biết, có chuyện mình nghe ông bà kể lại. Rồi mình lại kể cho con cháu nghe. Chuyện hay, chuyện buồn, chuyện gì cũng có. Chuyện gì cũng tốt, cũng để giữ đất, giữ rừng cây, để cuộc sống mãi bình yên”, ông K’Lộc nói.
Theo lời ông K’Lộc, truyền thuyết về danh thắng “Cát Tiên” được người Mạ lưu truyền từ bao đời nay. Tương truyền, thuở xưa, vùng rừng Cát Tiên này có một chàng thợ săn trẻ tuổi người Mạ, trong lúc vào rừng săn, chàng nhìn thấy một khối đá hình trụ rất lạ nên giương cung bắn.
Bất ngờ từ khố trụ này, một dòng nước tuôn ra ào ạt như thác. Chàng trai trẻ sợ quá quay đầu chạy, nhưng chạy đến đâu dòng nước theo sát sau lưng đến đó. Khi chàng chạy nhanh, dòng nước tạo thành con suối, chạy chậm nước tạo ra những bàu nước sâu, chàng dừng lại thì dòng nước tạo ra hồ lớn.
Đến một khu đất rộng, chàng bỗng sựng lại khi thấy trước mắt có rất nhiều tiên nữ đẹp tuyệt trần đang nô đùa trên bãi cát vàng bên dòng suối trong vắt. Gần đó, rất nhiều chim, thú như hươu, nai, vượn, công, đang nhởn nhơ ăn cỏ, dạo chơi. những vạt hoa khoe sắc cùng đàn bướm rập rờn trong ánh nắng vàng. Khung cảnh như “bồng lai tiên cảnh hạ giới”. Đó là sự tích “Cát Tiên”.
Một câu chuyện thú vị và nổi tiếng khác của người mạ ở Đồng Nai Thượng, liên quan đến thác Bến Cự, một trong những danh thắng ở Cát Tiên, là chuyện tình chàng K’Du và nàng tiên giáng trần tên K’Mai.
Thác Bến Cự không cao, nhưng dòng nước chảy khá mạnh qua những ghềnh đá lớn, làm bốc lên làn hơi nước khiến không gian lúc nào cũng mờ ảo. 2 bên bờ dòng suối này là những cây cổ thụ vài trăm tuổi, cành lá sà xuống sát bờ, khung cảnh càng trở nên huyền ảo. Rải rác dưới những gốc cây, nhiều bụi lan rừng mọc.
Câu chuyện tình lãng mạn theo lời già làng Điểu K’Lộc: Chàng K’Du nhà ở làng Mạ, mồ côi cha mẹ, nhưng chàng rất hiền lành, chịu khó, lại vô cùng đẹp trai. Khi trở thành một thanh niên cừng tráng, mỗi khi chàng vào rừng là chim muôn hót líu lo, bướm lượn trên đầu, hoa tươi khoe sắc chào đón. Nàng tiên nữ K’Mai từ trên trời vốn đã thấy chàng từ lâu, thường dõi mắt theo mỗi bước chân chàng. Nàng K’Mai yêu chàng trai này từ lúc nào không hay.
Rồi một ngày, nàng trốn xuống trần gian để tìm chàng K’Du và kết thành vợ chồng. Nhưng vì nàng là tiên trên thiên đình, không thể lấy một người trần, vì thế, họ hạnh phúc không bao lâu thì nàng bị bắt trở về trời.
K’Du nhớ thương vợ, ngày đêm than khóc, nước mắt chảy tràn thành dòng thác uất nghẹn. Không lâu sau đó, chàng trai qua đời, hoá thành cây cổ thụ bên bờ thác. Nàng K’Mai cũng đau buồn mà chết, hoá thành bụi lan bám vào thân cây cổ thụ ấy. Dù ở hình thù nào, cuối cùng, họ cũng đã được mãi mãi bên nhau.
Bảo vệ cây như bảo vệ chính mình
Tiếp lời già làng K’Lộc, anh Đào Duy Mai nói: “Ngoài câu chuyện anh vừa nghe, còn có một phiên bản khác nữa về Cát Tiên".
Đó là, thuở sơ khai, sông Đồng Nai rất đẹp, nước trong vắt, mỗi đêm trăng sáng, từ trên trời nhìn xuống, Ngọc Hoàng nhìn thấy dòng sông uốn lượn như một dải lụa, 2 bên bờ là bãi cát vàng lấp lánh như dát vàng. Ngọc Hoàng mê mẩn, truyền chọn nơi này làm vườn thượng uyển, làm nơi thư giãn, rong chơi cho các tiên nữ.
Sau đó, Ngọc Hoàng lại truyền mang nhiều loại cây quý từ thiên đình xuống đây trồng. Nhờ thế mà Cát Tiên mới có nhiều loại cây gỗ quý tuổi đời hàng trăm năm như hiện nay.
Với đồng bào Mạ, họ vẫn tin rằng những gốc cổ thụ trong rừng đều có linh hồn của chàng k’Du, vô cùng linh thiêng, vì thế, họ không chỉ bảo vệ cây rừng bằng mọi giá, mà còn vui buồn cùng cây. Dù ở giữa rừng cổ thụ, nhưng từ xưa, khi rừng còn chưa được bảo vệ như bây giờ, vật liệu chính làm nhà của đồng bào Mạ đều làm bằng vật liệu tre nứa, nếu có gỗ thì đó là cành, nhánh cây chứ không phải thân cây. Mỗi khi phải chặt một cây gỗ lớn, họ làm lễ cúng, cầu xin thần linh rất thành kính, trang nghiêm.
Anh Mai cho biết thêm, những truyền thuyết của đồng bào thực ra ai nghe cũng hiểu là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nhưng có 1 điều phải nhớ, họ tin sự linh thiêng của rừng, rừng có thần, có linh hồn, nếu phạm điều cấm kỵ như chặt cây bừa bãi, phá hại rừng, thì sẽ gánh hậu quả nặng nề. Nhưng làm sao đủ sức, đủ trí thông minh để bảo vệ? Và, họ tưởng tượng ra những câu chuyện mang đậm sắc thái thần linh để làm “vũ khí” bảo vệ rừng.
Không chỉ thế, những câu chuyện này còn có tác dụng giáo dục lòng nhân ái, trách nhiệm với cộng đồng. Vì sao những câu chuyện này không được ghi chép lại, nhưng vẫn truyền từ đời này sang đời khác? Bởi vì nó đã được ông bà, cha mẹ kể cho nghe hàng ngày, từ khi mới chập chững bước đi. Giống như lúc ta còn nhỏ, những chuyện cổ tích mà cha mẹ, ông bà kể, đã theo ta suốt cả cuộc đời.
"Người Mạ cũng như đồng bào Tây Nguyên, trong mỗi ngôi làng, thường phải có năm loại rừng. Đầu tiên và quan trọng nhất là rừng của thần linh bảo vệ dân làng. Rừng này thường là đầu nguồn, cung cấp nước, bảo vệ, chống sạt lở, lũ quét. Khu rừng này không ai dám đụng đến nếu không muốn bị thần linh trừng phạt. Thứ 2 là rừng ở. Ở đó có nhà chung (nhà dài), nhà riêng (của mỗi gia đình), là nơi sinh hoạt hàng ngày, nói cách khác đó là thôn xóm.
Tiếp theo là rừng làm rẫy, được phân chia cho các gia đình. Trước khi chia đất, làng sẽ tổ chức cúng thần linh, sau đó già làng đứng ra chia đất trước sự chứng kiến của mọi người. Để công bằng, đất được chia dọc từ trên đỉnh đồi xuống dưới, mỗi người 1 phần. Thứ ba là rừng kinh tế, nơi người dân vào tìm kiếm sản vật như cây rừng, mật ong, măng, săn thú rừng. Thứ tư là khu rừng để những người đã khuất yên nghỉ", anh Đào Duy Mai.
Ngắm thú hoang ăn đêm
Hơn 7 giờ tối, chúng tôi chạy ra trụ sở VQG để vào rừng xem thú hoang đi ăn đêm. Trước đó, anh Đào Duy Mai đã gọi hẹn trước với nhân viên VQG. Ra đến điểm hẹn, anh Bùi Hữu Vị, người dẫn đường đã đợi sẵn cùng chiếc xe tải với phần thùng được cải tạo lại thành xe chở khách với 2 hàng ghế sát thành thùng xe, chuyên dùng chở khách tham quan rừng.
“Từ đây vào đến chỗ thú rừng ăn đêm 6 cây số. Nhưng có thể gặp thú bất cứ lúc nào, chỉ cần mình đừng tiếp cận quá gần thì xem thoải mái. Có lẽ chúng cũng quen với cảnh thấy người, xe rồi”, anh Vị nói và khởi động xe.
Tiếng động cơ xe, đèn pha xé toạc màn đêm và sự yên tĩnh của rừng, chiếc xe từ từ lăn bánh. Ánh sáng từ xe soi rọi cảnh vật 2 bên. Sau khoảng 15 phút, anh Vị giảm hẳn tốc độ, chiếc xe bò từ từ và tiếng động cơ cũng dịu hẳn. Đến khu vực có thú ăn đêm rồi”, anh Vị nói và bật một đèn khác ở đầu xe lên, ánh sáng tăng lên nhiều lần, nhìn rõ cả những bụi cỏ dại rất nhỏ. Chúng tôi im lặng, cùng căng mắt nhìn theo ánh đèn.
Bất chợt, anh Vị thốt lên khe khẽ “đó, nai kìa”. Chúng tôi nhìn theo hướng tay anh chỉ, thấy 1 con nai đứng cách xe vài chục mét, bên vạt cỏ lau cao gấp 2 thân nó. Con nai có đôi mắt to tròn đang nhìn về phía ánh đèn, đôi tai như lá mít, vểnh lên nghe ngóng, nhưng không có vẻ gì là sợ hãi. “Đây là con nai cái, không có sừng. Nai là một trong số những loài có số lượng tương đối nhiều”, anh Vị nói.
Tôi chụp được vài tấm hình trước khi con nai lẩn vào trong bụi cỏ. Chiếc xe tiếp tục bò thêm một đoạn, lại thấy thêm vài con nai khác đang chúi đầu ăn cỏ. Thấy ánh đèn rọi tới, chúng ngừng ăn, ngẩng đầu nhìn vài phút trước khi lẩn đi.
Ngoài nai, chúng tôi còn chứng kiến đàn heo rừng lên đến hơn chục con đang nối đuôi nhau đi kiếm ăn. “heo rừng là loài thú hoang có số lượng nhiều nhất ở đây, vì chúng đẻ khá nhiều. Đây cũng là loài ăn tạp nhất. Từ các loại rau củ quả, đến các loại động vật nhỏ như cá, côn trùng. Kể cả xác động vật thối chúng cũng ăn luôn”, anh Vi nói. “Bò tót sống ở khu vực nào? Mình có tiếp cận được không?”, tôi hỏi. Anh Vị đáp: “Khó, vì bò tót không dạn người, với lại chúng không cố định một khu vực nào, mà nay chỗ này mai chỗ khác, muốn tiếp cận chúng phải mất thời gian theo dấu chân, dấu phân. Bây giờ cứ đi thử, nếu may mắn thì gặp. Nhưng đi ban ngày có thể dễ gặp hơn”, anh Vị đáp.
Anh Vị cho biết, theo kết quả rà soát, kiểm đếm hơn chục năm trước thì VQG Cát Tiên có 24 đàn với 111 con bò tót. Hiện nay, số cá thể bò tót đã tăng lên, nhưng cụ thể là bao nhiêu thì chưa có số liệu.
Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào rừng, nhưng không gặp bò tót, ngoài một chú chim đang ngủ trên cành cây, chúng tôi chẳng gặp thêm loài thú ăn đêm nào. “Mai anh đi thêm một chuyến nữa, nhanh thôi, nhiều loài động vật lắm, ban ngày dễ quan sát hơn”, anh Vị nói tiếp trước khi quay đầu xe về.
Sáng hôm sau, tôi thuê một chiếc xe đạp, chạy chục cây số trong VQG. Sau 2 giờ đồng hồ, tôi đã thấy và chụp được hơn chục loại chim, thú. Ra đến cửa VQG, tôi ngoái nhìn lại và tiếc nuối vì đi chưa đủ. "Nơi đây thực sự là thế giới riêng của các loài chim, thú", tôi nghĩ thầm.
VQG Cát Tiên không chỉ gắn liền với những truyền thuyết ngàn đời, mà còn là nơi có hệ sinh thái động thực vật phong phú, đa dạng nhất Việt Nam, nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Động vật có 1.457 loài, riêng chim đã có hơn 400 loài. Thực vật có hơn 1.600 loài với 5 hệ sinh thái rừng, gồm rừng thường xanh, rừng rụng lá, rừng lồ ô xen gỗ, rừng thuần tre nứa, và rùng ngập nước. Trong đó có những loại cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi như cây Tung 400 tuổi, cao khoảng 50m, chiều rộng gốc hơn 20 người ôm. Phần gốc có hình dáng như một cỗ tên lửa vô cùng chắc chắn. Bộ rễ nổi trên mặt đất chạy dài hàng trăm mét.