| Hotline: 0983.970.780

Thi đua sản xuất giỏi ở Anh Sơn

Thứ Tư 19/11/2014 , 08:10 (GMT+7)

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một trong những nội dung trọng tâm mà huyện Anh Sơn (Nghệ An) hướng đến để xây dựng NTM.

Vì lẽ đó, các chi hội nông dân trên địa bàn huyện đã nhanh chóng thực hiện chủ trương đổi mới phương thức, tăng cường các hoạt động hỗ trợ để nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh theo chiều hướng có lợi. Hội viên được tiếp cận nguồn vốn, con giống, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến nên đã mạnh dạn hơn trong quá trình đầu tư.

Phong trào chính là sợi dây liên kết, tạo động lực thúc đẩy cho các hội viên sớm hình thành ý thức chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Phong trào đã phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, khai thác mọi tiềm năng về đất đai, lao động và nguồn vốn của các hộ nông dân, phát huy được lợi thế của từng vùng, từng địa phương, tạo ra bộ mặt nông nghiệp hoàn toàn mới mẻ, từ tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hoá, từ độc canh, thuần nông sang đa canh, thâm canh cao. Nhiều vùng cây công nghiệp tập trung gắn với công nghiệp chế biến nối đuôi nhau ra đời như: Sản xuất chế biến chè ở Hùng Sơn, Phúc Sơn, Long Sơn, Cẩm Sơn, Đỉnh Sơn; mía ở Thành Sơn, Bình Sơn, Thọ Sơn…

Mô hình kinh tế trang trại, gia trại được nhiều địa phương và các hộ gia đình lựa chọn để triển khai. Đến nay, toàn huyện có 155 cơ sở lớn nhỏ, trực tiếp mang lại nguồn lợi đáng kể cho các chủ hộ, đồng thời giải được bài toán việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn. Điển hình như trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Hữu Kim, Chi hội 7 xã Khai Sơn, trồng chè công nghiệp, cây ăn quả, kết hợp trồng rừng, chăn nuôi trâu bò hàng hóa...

Tổng kết giai đoạn 2012 - 2014 có 6.813 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đạt 64% so với hộ đăng ký. Trong đó, cấp Trung ương là 13 hộ; cấp tỉnh 89 hộ; cấp huyện 512 hộ; cấp cơ sở 6.257 hộ.
Có 4.149 hộ thu nhập từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng/năm, 1.546 hộ thu nhập từ 100 đến dưới 150 triệu đồng/năm, 352 hộ thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm, 198 hộ thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm và 90 hộ thu nhập từ 300 triệu đồng - 1 tỷ đồng/năm...

Chính cách làm “không cho đất nghỉ” đã mang lại kết quả mỹ mãn, hằng năm giúp gia đình anh thu về khoảng 500 triệu đồng. Tương tự là trang trại của anh Trần Nhật Lệ, Chi hội 5 xã Long Sơn, nhờ biết xoay vòng lợi ích giữa chăn nuôi gia súc, gia cầm với trồng cây nguyên liệu giấy nên gia đình anh Lệ bỏ túi trên 250 triệu đồng/năm.

Không ngoa khi nói rằng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã mang đến những nét mới, nâng tầm chất lượng cuộc sống của hàng ngàn hộ nông dân trên địa bàn huyện Anh Sơn.

Lấy trường hợp của gia đình anh Nguyễn Tuấn Dũng (Chi hội 1/5 xã Cẩm Sơn) làm ví dụ. Vốn là một hộ nghèo, kinh tế khó khăn, thiếu thốn đủ thứ nhưng với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, biết lấy ngắn nuôi dài nên chẳng mấy chốc đã gây dựng được cơ ngơi khá đủ đầy.

Nhâm nhi ngụm trà nóng, ông chủ trang trại lợn khá quy mô mở lời: Trước đây nhà tôi chỉ chăn nuôi cho có lệ, nhưng từ ngày tham gia vào chi hội thì cách nghĩ, cách làm thay đổi hẳn.

Được khuyến khích, tôi quyết định vay vốn để nâng cấp trang trại, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô lớn. Những ngày đầu còn đôi chút bỡ ngỡ nhưng đến nay cơ bản cũng ổn, giàu thì chưa dám chắc nhưng cái đói, cái nghèo không còn bận tâm nữa.

Thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, các hội viên đã đóng góp trên 112 tỷ đồng xây dựng NTM; tham gia hiến tổng cộng 470.000 m2 đất, 167.000 ngày công lao động để mở rộng, nâng cấp giao thông nông thôn, chỉnh trang đường làng ngõ xóm sạch đẹp.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Anh Sơn, nhấn mạnh: “Phong trào đã tạo ra sức hút và sự gắn bó chặt chẽ giữa tổ chức và hội viên. Hội Nông dân huyện Anh Sơn có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội cũng như xây dựng Chương trình NTM của địa phương”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.