Thu hoạch mủ cao su ở Đông Nam bộ. |
Theo Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, doanh số bán xe của ngành công nghiệp cao su Trung Quốc trong năm nay giảm nhiều.
Thông tin từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, cho hay, 9 tháng đầu năm 2019, doanh số bán xe tại thị trường ô tô Trung Quốc đạt 18,37 triệu chiếc, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Doanh số bán xe giảm, đã làm giảm đáng kể nhu cầu nhập khẩu cao su của nước này.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong 7 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 3,74 triệu tấn cao su, trị giá 5,85 tỷ USD, giảm 6,8% về lượng và giảm 13,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Cơ cấu thị trường cung cấp cao su cho Trung Quốc có nhiều thay đổi trong 7 tháng đầu năm 2019 khi thị phần của 3 thị trường cung cấp lớn nhất là Thái Lan, Indonesia và Malaysia giảm, trong khi thị phần của Việt Nam, Myanmar và Hàn Quốc tăng.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu cao su từ Việt Nam đạt 498,27 nghìn tấn, trị giá 670,64 triệu USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Thị phần cao su Việt Nam trong tổng nhập khẩu cao su của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2019 tăng từ 11,1% trong 7 tháng đầu năm 2018, lên 13,3%.
Thị phần của Việt Nam tăng ở Trung Quốc, nhờ tăng ở nhiều chủng loại cao su quan trọng.
Về cao su tự nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 1,36 triệu tấn, trị giá 1,88 tỷ USD, giảm 2,6% về lượng và giảm 7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên chủ yếu từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Indonesia.
Trong đó, nhập khẩu cao su tự nhiên từ Việt Nam tăng rất mạnh. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu cao su tự nhiên của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 133,61 nghìn tấn, trị giá 180,54 triệu USD, tăng tới 54% về lượng và tăng 41,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Chính vì vậy, trong thời gian nói trên, trong khi thị phần cao su tự nhiên của Thái Lan và Indonesia trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc giảm, thì thị phần của Việt Nam lại tăng mạnh.
Thu mua mủ cao su tiểu điền ở Bình Dương. |
Về cao su tổng hợp, trong 7 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu của Trung Quốc đạt 2,26 triệu tấn, trị giá 3,72 tỷ USD, giảm 9,5% về lượng và giảm 16,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Thái Lan, Việt Nam và Malaysia là 3 thị trường cung cấp cao su tổng hợp lớn nhất cho Trung Quốc.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu cao su tổng hợp của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 355,07 nghìn tấn, trị giá 475,74 triệu USD, tăng 0,5% về lượng nhưng giảm 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay có nhiều biến động khi thị phần cao su của Thái Lan và Malaysia giảm, trong khi thị phần của Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản tăng.
Cụ thể, thị phần cao su tổng hợp Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 14% trong 7 tháng đầu năm 2018, lên 16% trong 7 tháng đầu năm 2019.
Ở mặt hàng cao su tái sinh, trong 7 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu của Trung Quốc đạt 68,24 nghìn tấn, trị giá 48,06 triệu USD, tăng 35,4% về lượng và tăng 25,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tái sinh chủ yếu cho Trung Quốc.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, mặc dù nhập khẩu cao su tái sinh của Trung Quốc từ Việt Nam tăng tới 57,8% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng thị phần cao su tái sinh Việt Nam chỉ chiếm 3,7% trong tổng nhập khẩu cao su tái sinh của Trung Quốc, đạt 2,51 nghìn tấn.
Theo Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt 726,41 nghìn tấn, trị giá 974,77 triệu USD, tăng 9,7% về lượng và tăng 8,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.