| Hotline: 0983.970.780

Thị trường lợn, gà cuối năm: Ẩn số lớn!

Thứ Tư 29/05/2019 , 14:55 (GMT+7)

Dịch tả lợn Châu Phi đã và đang xuất hiện trên 45 tỉnh, thành trong cả nước với diễn biến ngày càng phức tạp khiến cho thị trường lợn, gà cuối năm 2019 thực sự là một ẩn số lớn.

Nuôi lợn hãy để chuyên nghiệp

Theo số liệu thống kê của Cục Thú y hiện số lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi đến thời điểm hiện tại đã trên 1,6 triệu con trên tổng số đàn lợn khoảng 27 triệu con. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là con số sơ bộ ban đầu, chắc chắn lượng lợn tiêu hủy chưa dừng lại ở con số này.

Thị trường lợn cuối năm 2019 vẫn là một ẩn số. Ảnh: Lê Bền.

Bênh cạnh Việt Nam, Trung Quốc công bố ca nhiễm dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên tháng 8/2018, theo CNN đến nay số lượng lợn tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi tại quốc gia này có thể đã lên tới 200 triệu con trên tổng số đàn lợn 700 triệu của Trung Quốc, tức chiếm 30% tổng đàn.

Sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn Châu Phi khiến giá lợn hơi tại Trung Quốc giảm mạnh xuống 10 - 12 tệ/kg thì đến tháng 3/2019 đã phục hồi và tăng mạnh, hiện duy trì trung bình 15 tệ/kg, tương đương 50.000 đồng/kg.

Ngày 22/5, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tiếp tục công bố 2 ổ dịch mới tại tỉnh Ninh Hạ, Tây Bắc Trung Quốc trên 1 trang trại có 40 con và 1 ổ dịch tại Tứ Xuyên, miền Trung Trung Quốc. Giá lợn hơi tại Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục co kéo quanh mức 15,05 tệ/kg, tương đương dưới 51.000 đồng/kg do tiêu thụ chậm.

Tại Việt Nam, giá lợn hơi hiện đã giảm sâu xuống mức 25.000 - 29.000 đồng/kg tại miền Bắc và 30.000 - 35.000 đồng/kg tại miền Nam do việc tiêu thụ chậm, bên cạnh đó rất nhiều trang trại lớn lo ngại sự lây lan nhanh chóng, phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi nên đang có hiện tượng bán chạy, bán tháo khiến nguồn cung tăng đột biến kéo giá xuống đáy.

Qua khảo sát một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn đang giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, bố mẹ khoảng 2 tháng nay việc bán lợn nái, lợn giống gần như đóng băng, thậm chí một số đơn vị đã phải tận dụng chuồng trại nuôi gà để nhốt lợn bởi người chăn nuôi lo ngại dịch bệnh kéo dài nên không dám tái đàn.

Trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ đa phần có tâm lý sợ lợn đến phát ốm thì chúng tôi lại ghi nhận làn sóng các doanh nghiệp lớn bắt đầu tuyển dụng nhân sự và khảo sát tìm địa điểm để xây dựng các trang trại nuôi lợn hiện đại quy mô lớn.

Lý giải điều này, một số chuyên gia cho rằng, có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, một số doanh nghiệp đã nhìn thấy tương lai ổn định của ngành chăn nuôi lợn trong vài ba năm nữa khi tỉ lệ cơ cấu chăn nuôi nhỏ lẻ sau cơn bão dịch tả lợn Châu Phi sẽ giảm rất mạnh và rất sâu.

Nguyên nhân thứ 2, rất nhiều doanh nghiệp thức ăn gia súc có công suất lớn nhưng toàn bộ lượng cám lại bán lẻ bên ngoài thị trường nên buộc phải tự xây dựng hệ thống trang trại nuôi lợn cho chính mình nếu không muốn đóng cửa các nhà máy đã đầu tư xây dựng hàng trăm triệu USD.

Do đó, dự báo, những tháng cuối năm khi dịch bắt đầu lắng xuống, lượng lợn bị tiêu hủy với số lượng đủ lớn làm sụt giảm nguồn cung cộng với khoảng trống do người chăn nuôi dừng tái đàn gặp nhau, giá lợn hơi tại Việt Nam chắc chắn sẽ phục hồi, tuy nhiên ở mức giá nào chưa ai đoán định được.

Tuy nhiên, với chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ tốt nhất nên đứng ngoài cuộc trong giai đoạn này bởi dịch tả lợn Châu Phi có thể bùng phát trở lại và gõ cửa bất cứ khi nào, kinh nghiệm tại Trung Quốc hiện nay đang chỉ ra đúng như vậy. Do đó, chỉ những doanh nghiệp, trang trại có nguồn lực, nhân lực, kỹ thuật và bản lĩnh hãy tham gia cuộc chơi vào lúc này.
 

Cơ hội cho gia cầm

Rất nhanh! Ngay khi chăn nuôi lợn tại Việt Nam gặp tai họa dịch tả lợn Châu Phi, nhiều chuyên gia cho rằng, đây chính là cơ hội để ngành gia cầm Việt Nam bứt phá.

Theo số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA), hiện tổng đàn gia cầm, thủy cầm của Việt Nam vào khoảng 450 triệu con, trong đó chiếm tới 70% là gà lông màu, 30% còn lại là gà lông trắng và thủy cầm. Năng lực, cơ cấu sản xuất giống gà lông màu tại Việt Nam hiện rất mạnh và lớn, hoàn toàn có thể đáp ứng được bất kỳ đòi hỏi nào của thị trường cả về sản lượng và chất lượng.

Chăn nuôi gia cầm đón dịp cuối năm 2019 là ẩn số hay cơ hội ngàn vàng? Ảnh: Lê Bền.

Trong đó, Tập đoàn Dabaco Việt Nam vừa mới khánh thành trang trại quy mô 350.000 gà bố mẹ tại tỉnh Bình Phước nâng tổng công suất của doanh nghiệp này lên tới 65 triệu con giống/năm. Các doanh nghiệp lần lượt tiếp theo như Minh Dư, Lượng Huệ, CP, Hòa Phát, Japfa, Phùng Dầu Sơn, Bình Minh, Hòa Bình, Viện Chăn nuôi… cộng lại sản lượng cũng tương đương nên có thể khẳng định nguồn cung về gia cầm đang rất dồi dào, đa dạng.

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho biết, hiện con lợn đang chiếm tỷ trọng khoảng 70% cơ cấu sản lượng thịt của Việt Nam, gia cầm chiếm khoảng 20%, trâu bò khoảng 7%, còn lại là các loại thịt cá khác. Trong khi đó cơ cấu tỷ lệ vàng về các sản phẩm chăn nuôi tại các quốc gia phát triển là lợn chiếm khoảng 40%, gia cầm 40% và 20% là các sản phẩm khác.

Mặc dù là nước có thói quen tiêu dùng ăn nhiều thịt lợn nhưng ông Nguyễn Thanh Sơn vẫn hy vọng Việt Nam sẽ từng bước đạt được cơ cấu chăn nuôi giống các nước phát triển bởi việc phát triển quá nhanh quá nóng con lợn thời gian vừa qua đã để lại hậu quả nặng về môi trường, dịch bệnh và kinh tế, tất nhiên theo ông Sơn mong ước là vậy nhưng cuối cùng vẫn phải để thị trường quyết định.

“Mặc dù khuyến khích chăn nuôi gia cầm để tăng tỉ trọng, nhưng theo chúng tôi người chăn nuôi phải có kế hoạch, lộ trình rõ ràng và phải xác định là nuôi gà chuyên nghiệp chứ không nên ào ạt kiểu cải tạo chuồng nuôi lợn sang nuôi gà vì sẽ khiến nguồn cung tăng đột biến trong khi đầu ra không xây dựng phát triển kịp.

Thực tế giá gà giống, gà thịt, giá trứng đang thấp nhất trong lịch sử hiện nay cho thấy cung đang vượt cầu và phải nói thật ngành gia cầm cũng phát triển quá nóng mấy năm qua. Trong khi chúng ta chưa xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi là bao nên thực sự với nhu cầu tiêu thụ trong nước và khoảng trống do thịt lợn để lại, giá gia cầm dịp cuối năm vẫn đang chỉ là một ẩn số chứ không hẳn là cơ hội ngàn vàng", TS Nguyễn Thanh Sơn tâm sự.

Xem thêm
Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Cây mì Bình Định được mùa nhưng mất giá

Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi và sử dụng giống sạch bệnh nên cây mì (sắn) ở Bình Định cho năng suất khá, nhưng do biến động thị trường nên giá mì giảm thấp.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.