| Hotline: 0983.970.780

Thiên Đàng hay địa ngục?

Thứ Tư 18/03/2020 , 12:35 (GMT+7)

Mặc dù ngành chức năng đã cảnh báo, nhưng rất nhiều nông dân ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) vẫn tiếp tục làm giống lúa Thiên Đàng.

Ông Bùi Tuấn Kiệt, người được cho là

Ông Bùi Tuấn Kiệt, người được cho là "tác giả" giống lúa Thiên Đàng.

Tôi là nông dân làm lúa ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, sắp hợp đồng với Công ty Giống lúa Thiên Đàng để gieo sạ giống lúa này.

Mấy ngày qua đọc bài viết của quý báo về Công ty Thiên Đàng và giống lúa Thiên Đàng mà phân vân không biết tính sao, nên hôm nay viết bài này gởi tòa soạn.

Vụ lúa đông xuân (ĐX) này, tôi sạ giống lúa thơm chất lượng cao Jasmin 85, nhưng bán bằng giá với lúa ngon cơm OM 4900 là 5.000 đồng/kg, trong khi đó giá nếp Long An trên 6.000 đồng/kg. Nhưng vụ hè thu (HT) tới, rất có thể đa số nông dân bỏ lúa trồng nếp vì nếp giá cao nhiều năm rồi, nếu ai cũng nhào vô mà giá nếp hạ giá thì chết dở.

Nông dân bây giờ chọn giống hên xui, may nhờ rủi chịu, Bộ NN- PTNT cũng như ngành NN- PTNT các địa phương chỉ khuyến cáo nông dân chọn loại giống, mà đã là “khuyến cáo” thì khuyên chung chung, không bắt buộc dùng giống nào. Gieo cấy mà giá thấp thì ráng chịu, chỉ là khuyên thôi mà.

Đang phân vân không biết trồng nếp hoặc trồng lúa, thì nghe tin Công ty Giống lúa Thiên Đàng bao tiêu cho nông dân với giá 10.000 đồng/kg, nếu ai chịu gieo sạ giống lúa Thiên Đàng. Công ty còn quảng cáo gieo trồng giống lúa này không phải bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn cho lời nhiều. Hấp dẫn quá còn gì.

Anh Ba Cứng vụ ĐX rồi làm 10 công tầm cắt (công tầm cắt = 1.300 m2) sử dụng giống lúa Thiên Đàng. Anh mua giống của công ty với giá 50.000 đồng/kg, sạ chỉ hết 10 kg/công tầm cắt, sau khi thu hoạch bán lúa cho công ty giá 10.000 đồng/kg lúa, anh nói lời được 6,5 triệu đồng mỗi công. Trong khi đó tôi làm lúa Jasmin 85 bán được có 4 triệu đồng/công cắt, lời khoảng 2 triệu một công.

Anh Ba rủ làm giống Thiên Đàng với anh, lời hơn giống khác nhiều mà không phải tốn công phun xịt, rải phân. Nghe cũng phát ham, nhưng tính đa nghi nên tôi vẫn còn lưỡng lự. Anh Ba nói: "Chừng nào, Công ty Thiên Đàng xuống phổ biến cách làm, tôi cho chú hay để chú đến tham dự, còn làm hay không tùy chú".

Thanh tra Sở NN- PTNT An Giang kiểm tra cánh đồng gieo cấy giống lúa Thiên Đàng.

Thanh tra Sở NN- PTNT An Giang kiểm tra cánh đồng gieo cấy giống lúa Thiên Đàng.

Điều tôi lo nhất là giá bán giống cao đến 50.000 đồng/kg, công ty lời nhiều rồi, nếu công ty lừa gạt để bán giống rồi không thu mua thì lúa này biết bán cho ai với giá 10.000 đồng/kg. Tôi nói với bà xã, nếu công ty cho thiếu (nợ) tiền giống, thì tôi sẽ làm vì không sợ công ty lừa bán giống.

Ngày 29/2, Công ty Thiên Đàng đến họp với nông dân, đại diện công ty nói giống lúa này không cần bón phân nếu làm đất theo hướng dẫn. Nhưng do nông dân không làm theo hướng dẫn được, nên công ty cho phép cả vụ bón 10kg phân urê, chỉ được dùng thuốc diệt ốc bươu vàng và thuốc diệt cỏ, ngoài ra không dùng bất cứ loại thuốc trị sâu, bệnh nào khác. Khi lúa sâu bệnh thì báo công ty cử người xuống hướng dẫn.

Công ty Thiên Đàng nói bao tiêu giá 10.000 đồng/kg lúa, đặc biệt nhất là công ty đảm bảo cho nông dân lời tối thiểu 3,6 triệu đồng/công tầm cắt khi sạ giống lúa Thiên Đàng, tức là nếu nông dân làm lúa lời dưới 3,6 triệu đồng, thì công ty sẽ bù lỗ cho đủ 3,6 triệu đồng/công tầm cắt.

Làm lúa vụ HT mong sao lời khoảng 2.000.000 đồng/công tầm cắt là mừng rồi, nay công ty "bảo hiểm" mức lời cao như vậy, đúng là lên Thiên Đàng đến nơi rồi. Lúa giống công ty bán cho nông dân tiền mặt 23.000/kg, thiếu tới cuối mùa thì trả đủ 50.000 đồng/kg chứ cũng phải trả ngay.

Thanh tra Sở NN- PTNT An Giang làm việc với Công ty Giống lúa Thiên Đàng.

Thanh tra Sở NN- PTNT An Giang làm việc với Công ty Giống lúa Thiên Đàng.

Thấy đã chắc ăn, tôi đăng ký mua giống nhưng thiếu tiền công ty tới cuối mùa. Đăng ký nhận giống xong, Công ty Thiên Đàng hẹn ngày 5/3 đưa giống và ký hợp đồng bao tiêu.

Bất ngờ, sáng ngày 4/3 vừa qua, đọc được bài báo: "Ngăn chặn và xử lý nghiêm việc sản xuất giống lúa Thiên Đàng" đăng trên Báo NNVN online mới biết sự việc.

“Ngày 2/3, Sở NN-PTNT An Giang có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.

Đồng thời, công khai giống lúa Thiên Đàng chưa có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và việc sử dụng giống này gieo trồng là vi phạm pháp luật.”

Bài báo còn cảnh báo: “Riêng bà con nông dân sử dụng giống này để sản xuất vi phạm tại Khoản 1, Điều 61, Luật Trồng trọt về yêu cầu sử dụng trang thiết bị và vật tư nông nghiệp trong canh tác”. Đem tờ báo cho anh Ba Cứng đọc, hai anh em điện thoại cho những người đại diện công ty, có chuông nhưng không ai bắt máy.

Đến chiều tôi điện cho anh Ba Cứng thì anh nói điện được cho công ty rồi, họ nói không phải là công ty đăng trên báo, nên anh ấy vẫn hợp đồng với Công ty Thiên Đàng tiếp tục gieo sạ giống lúa Thiên Đàng.

Sạ giống lúa Thiên Đàng thì sợ vi phạm pháp luật, sợ giống lúa Thiên Đàng không được phép lưu hành trên thị trường do chưa được cấp phép, sợ công ty không mua giá 10.000 đồng/kg thì ai mua cho. Nếu không sạ mà Công ty Thiên Đàng làm ăn uy tín mua lúa giá 10.000 đồng/kg, rồi đảm bảo lợi nhuận tối thiểu 3,6 triệu đồng/công cắt thì tiếc đứt ruột chứ chẳng chơi, vì làm gì có giống lúa nào cho được lợi nhuận cao như vậy.

Không riêng một mình tôi mà rất nhiều nông dân đăng ký sạ giống lúa Thiên Đàng của Công ty Thiên Đàng đang phân vân, lưỡng lự như tôi. Đã sắp gieo sạ vụ HT, rất mong các ngành chức năng ra quyết định dứt khoát cho phép sạ giống lúa Thiên Đàng hay không để nông dân biết mà chọn giống.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất