Theo nhà nghiên cứu quốc tế người Úc chuyên về các vấn đề Triều Tiên, mối đe dọa đến vị thế lãnh đạo của ông Kim Jong-un hiện nay khác xa với những cuộc khủng hoảng mà người cha và ông nội của nhà lãnh đạo đã từng đối diện.
"Tôi nghĩ rằng chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang phải đối mặt với một thực tế mới, nơi kẻ thù chính của họ không còn là Mỹ hoặc các đồng minh (của Mỹ) ở miền Nam, mà là các hiện tượng tự nhiên", tiến sĩ Leonid Petrov, giảng viên cao cấp tại Trường Quản lý Quốc tế ở Sydney cho biết.
"Coronavirus, đại hồng thủy và bão tố không hề có quy luật hay vận hành theo một hệ tư tưởng nào và chúng không thể phòng ngừa hoặc ngăn chặn bởi một nhà lãnh đạo vĩ đại. Chính quyền, quân đội hay nhà lãnh đạo quyền lực tối cao cũng phải bất lực trước thảm họa thiên tai", ông Petrov nói.
Theo vị chuyên gia này, Triều Tiên đang phải đối mặt với các đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất trong vòng một phần tư thế kỳ, khiến cho các nguồn lực trong nước đang tới hạn hoặc cạn kiệt nghiêm trọng.
Vào đầu tháng 9, hai cơn bão Maysak và Haishen là các trận thiên tai thứ 9 và 10 trong năm, buộc giới chức phải ban bố tình trạng khẩn cấp vì hệ thống giao thông tê liệt và hơn 2.000 ngôi nhà bị phá hủy.
Trong một phản ứng tức thì, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã phải ra lệnh cho 12.000 đảng viên lên đường đến các địa phương vừa trải qua thiên tai để giúp tái thiết đất nước. Các nguồn tin từ Mỹ và Hàn Quốc cho hay, hiện Triều Tiên đang phải đối mặt với thách thức lớn là khủng hoảng thiếu lương thực trước khi mùa đông đến.
Trong diễn biến liên quan, đầu tuần này, chính phủ Nga đã viện trợ khẩn cấp 25.000 tấn lúa mì hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên.
Trước đó, truyền thông nhà nước cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đến thăm một ngôi làng bị lũ lụt ở tỉnh Bắc Hwanghae lần thứ hai chỉ trong vòng một tháng bởi vì đây là vùng sản xuất lúa gạo lớn của đất nước. Ông Kim kêu gọi các quan chức và người dân địa phương phải "nỗ lực gấp đôi để giảm thiểu thiệt hại cho cây trồng và tăng sản lượng mùa màng một cách vững chắc".