Như đã đề cập trong bài trước, vì Chính phủ Trung Quốc đưa ra giá sàn đối với một số loại ngũ cốc chiến lược, nông dân gia tăng sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu. Tổng sản lượng dự trữ quốc gia của Trung Quốc trong năm 2016, theo Bloomberg, là hơn 600 triệu tấn.
Thiếu đất, nhiều nơi ở Trung Quốc đang tìm cách làm nông nghiệp “trong nhà” (Bloomberg) |
Số lương thực đó đủ cho tiêu dùng trong nước hơn một năm. Một nửa số dự trữ là ngô. Vì thế, Chính phủ Trung Quốc phải cố gắng bán đi trước khi số ngô này hư hỏng. Nhiều tỉnh vì thế buộc phải đem ngô đi sản xuất xăng sinh học.
Đất trồng thu hẹp
“Chúng tôi đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và môi trường sinh thái. Chúng tôi đã dùng rất nhiều phân bón và thuốc trừ sâu để gia tăng sản lượng tối đa, nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt lương thực”, Han Jun, một chuyên gia nông nghiệp, viết trên Nhân dân nhật báo. “Chúng tôi đang rất cần tăng số lượng các sản phẩm nông nghiệp xanh và chất lượng tốt”.
Nhưng việc đầu tiên cần làm là bảo tồn số đất canh tác ít ỏi.
Trung Quốc đã mất 6,2% đất nông nghiệp trong giai đoạn 1997-2008, theo một báo cáo của Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO). Và các chính quyền đang ngày ngày biến các cánh đồng thành dự án bất động sản mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã không phản hồi khi phóng viên Bloomberg đặt ra vấn đề này và đề nghị bình luận.
Theo truyền thống Trung Quốc, tỷ lệ chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang các loại hình khác đã chậm lại kể từ năm 2007, khi Trung Quốc loan báo mục tiêu duy trì 120 triệu ha đất nông nghiệp. Nhưng rất nhiều chính quyền địa phương, trong nhiều năm phải dựa vào việc bán đất (hoặc đổi đất lấy dự án) phục vụ tăng trưởng, vẫn có thể “lách” thoát các giới hạn bằng cách đưa các diện tích khác, thậm chí không thể canh tác, vào phần đất nông nghiệp, hoặc tự xếp các một số phần của đô thị là vùng trang trại.
Đáng lo với các nhà hoạch định chính sách cấp cao: nhiều bản báo cáo nói gần 20% đất nông nghiệp còn lại của Trung Quốc bị ô nhiễm.
Trung Quốc đang chuyển đổi từ việc dự trữ ngũ cốc sang tập trung nhiều hơn vào phát triển nông nghiệp chất lượng cao, hiệu quả và bền vững, theo lời Tang Renjian, cựu quan chức nông nghiệp hàng đầu.
Các nghiên cứu của chính phủ trong năm 2014 phát hiện ra rằng một số diện tích trồng rau màu bị nhiễm kim loại nặng ở mức cao như cadmium, từng gây ra các vụ ngộ độc hàng loạt khiến niềm tin của dân chúng vào thực phẩm trong nước giảm sút nghiêm trọng.
Trong vài năm qua, các phương tiện truyền thông Trung Quốc liên tục cảnh báo các nguy cơ ngộ độc thực phẩm, từ nước tương được làm bằng lông tóc người tới đậu phụ làm bằng nước cống, thịt chuột làm giả thịt thỏ…
Chuộng hàng ngoại
“Người Trung Quốc ngày nay quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề an toàn thực phẩm, nếu so với 10 năm trước”, Sam Geall, nghiên cứu viên của Đại học Sussex (Anh) chuyên nghiên cứu môi trường và nông nghiệp Trung Quốc. “Họ chú ý nhiều hơn đến chuyện nguồn gốc thực phẩm, sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để được an toàn hơn”.
Các công ty Trung Quốc cũng nhanh chóng nhận ra nhu cầu này và tìm kiếm các khoản đầu tư từ nước ngoài để mang lại những thương hiệu tiếng tăm phục vụ thị trường trong nước.
Công ty Moon Lake Pty của nhà tài phiệt ngành hóa học Lu Xianfeng ở thành phố Ninh Ba đã mua lại công ty bơ sữa lớn nhất Australia vào năm 2016, trong khi WH Group Ltd của doanh nhân Wan Long trở thành nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới sau khi mua lại công ty thực phẩm Smithfield có trụ sở tại Virginia (Mỹ).
“Người tiêu dùng Trung Quốc đã trở nên hoài nghi về độ an toàn của các loại thực phẩm sản xuất trong nước”, Sean Shwe, giám đốc điều hành Moon Lake, chuyên cung cấp sữa tươi Tasmania (Australia) vào thị trường Trung Quốc, nói. “Việc nhập khẩu thực phẩm ở đây do vậy, có hiệu suất lợi nhuận rất cao”.
Đời sống lên cao, nhu cầu ăn của người Trung Quốc cũng thay đổi. Số lượng thịt bò tiêu thụ tăng 19.000% nếu so với 10 năm trước. Đỗ tương nhập khẩu để nuôi gia cầm gia súc tăng nhanh đến mức chính phủ phải âm thầm loại bỏ thứ hạt này khỏi danh sách “tự cung tự cấp” của ngành nông nghiệp, từ năm 2014.
“Trung Quốc cần nhập khẩu bởi vì chúng tôi không thể sản xuất mọi thứ từ diện tích đất nông nghiệp ít ỏi của mình”, Li Xiande, chuyên gia thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc nói.
Ông cho biết năm 2016, Trung Quốc phải mua 106 triệu tấn ngũ cốc và đậu tương từ nước ngoài. “Chúng tôi đặt mục tiêu tự cung đủ nguồn ngũ cốc thiết yếu và các loại nhập khẩu khác được quyết định bởi nhu cầu thị trường”.
Nhưng khi dựa vào nhập khẩu, 1,4 tỷ dân Trung Quốc sẽ phải cạnh tranh với hàng chục quốc gia ở Nam bán cầu vốn đang tăng nhanh dân số: Tính đến năm 2050, 14 trong số 20 thành phố đông dân nhất sẽ gia nhập cùng nhóm với Tokyo, Thượng Hải và Mumbai.