| Hotline: 0983.970.780

Thoát nô lệ đồng tiền thế nào?

Thứ Bảy 02/03/2019 , 14:35 (GMT+7)

Chia sẻ với KTGĐ về câu chuyện đang nóng các diễn đàn xã hội những ngày gần đây “tiền nhiều để làm gì?”, ông Phạm Ngọc Quang, Điều hành Trung tâm Life Support Life, cho biết “Tiền bạc luôn bị đổ lỗi nhiều nhất. Vì thế, muốn làm chủ đồng tiền, phải làm chủ chính mình”.

qung155019911
Ông Phạm Ngọc Quang


Đừng lấy tiền làm cái cớ

Tại phiên tòa xét xử ly hôn của cặp vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo, câu hỏi “tiền nhiều để làm gì?” được phát ra từ ông Vũ ngay lập tức khiến nhiều người ngoài cuộc lao vào tranh luận. Là một chuyên gia tâm lý, xin hỏi ông câu mọi người cũng đang bàn luận “tiền để làm gì”?

Bản chất của tiền chỉ là một tờ giấy, đại diện cho nhiều thứ. Đằng sau tiền là cảm xúc, đằng sau tiền là mục tiêu và hoài bão. Bản chất đồng tiền không xấu, không tốt nhưng người ta gán cho nó giá trị. Tôi thấy tiền bạc là thứ bị oan nhất. Tiền bạc bị đổ lỗi nhiều nhất. Tiền bạc cũng là lý do để cho người ta biện minh không hành động khi cho rằng “không đủ tiền”.

Có nhiều người cho rằng, tôi cần tiền để yêu thương bố mẹ! Lại có người biện minh, tôi cần tiền để đảm bảo cuộc sống. Có người thì cho rằng cần tiền để chăm sóc sức khỏe và không ít người cho rằng “cần tiền để sống hạnh phúc”.

Nhưng theo tôi, thật ra có rất nhiều cách để yêu thương cha mẹ: bạn có thể hỏi thăm, có thể mua đồng quà/tấm bánh... Một câu hỏi thăm chân tình, một cuộc gọi điện có thể làm cha mẹ hạnh phúc hơn nhiều món quà. Có nhiều cách để đảm bảo cuộc sống hơn là tiền. Bởi chính việc bạn cố lao đi kiếm tiền nhằm “đảm bảo cuộc sống” như bạn nghĩ chính là bạn đang phá hủy cuộc sống của bạn. Bạn đang hy sinh thời gian, đang hủy hoại sức khỏe... bạn đang làm những việc chống lại con người thật của bạn. Đừng lấy tiền làm cái cớ! Cuộc sống của bạn thực chất là gì? Bạn là ai, sứ mệnh của bạn là gì... Tâm trí của bạn/vỏ bọc của bạn đang tinh ranh làm bạn lạc lối. Hoặc bạn bảo cần tiền để chăm sóc sức khỏe nhưng bạn có tập thể dục không, có ăn uống điều độ không? Những thứ này tốt cho sức khỏe hơn là bảo hiểm, là thuốc đắt tiền.

Có quan niệm cho rằng tiền mang đến hạnh phúc. Vậy hạnh phúc có phải là sống đầy đủ tiện nghi hay không? Tôi cho rằng hạnh phúc là sự lựa chọn. Chúng ta có thể vượt qua được áp đặt của xã hội để sống là chính mình không? Hạnh phúc thực sự không cần nhiều tiền. Bạn đi tham gia các buổi sinh hoạt, bạn đã cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc rồi.

Cách đánh giá sự thành công trong xã hội hiện nay đã đẩy con người ta có khát vọng giàu có. Bởi rõ ràng trong một đám đông anh sẽ nổi bật sẽ nhận được sự ngưỡng mộ, được tôn vinh thành đạt khi anh vận đồ hàng hiệu, đi xe sang và sẵn sàng chi trả cho cuộc vui…

Tôi nghĩ tiền nhiều hay ít, tiền nhiều để làm gì phụ thuộc vào người sử dụng. Nếu sử dụng tiền và lớp vỏ bọc sử dụng tiền thì cần mua quần áo đẹp trang bị cho mình, mua điện thoại để có một dung mạo cầu kỳ. Lớp vỏ bọc giống như kẻ thù, nuôi dưỡng lòng tham. Nếu lòng tham thì luôn đi kèm sân hận.

Nhiều khi chúng ta mua một món đồ đắt tiền để được người khác khen mình, để mình thấy tự hào nhưng đằng sau sự tự hào là sự tự ti và nỗi sợ. Cũng có khi dùng hàng bình thường, đi xe ô tô bình thường công việc vẫn thế. Do bên trong mình có nỗi sợ bị phán xét nên khi sử dụng đồ bình thường cảm thấy không an toàn. Vấn đề ở đây là nỗi sợ của mọi người - sợ bị phán xét.

Giới kinh doanh đều tổng kết rồi, những người thành công thực sự không cần phải sử dụng hàng hiệu. Chỉ có những người mới và đang muốn chứng tỏ mới chi rất nhiều tiền cho bên ngoài. Chẳng hạn Mỹ hay châu Âu người ta ăn mặc rất bình thường, không sử dụng nhiều tiền cho điện thoại xịn, cho rượu ngoại và đồ xa xỉ... Rõ ràng, chúng ta sử dụng tiền vào việc đó vì sâu thẳm trong chúng ta có nỗi sợ, mà đằng sau nỗi sợ ấy là sợ không được yêu thương đủ. Chúng ta sợ người khác tẩy chay, sợ không được yêu thương do đó không có cảm giác an toàn.

Câu chuyện này bắt nguồn từ nền giáo dục trong gia đình. Món quà lớn nhất bố mẹ giành cho con cái là tình yêu thương và nếu đứa trẻ nào được sống trong gia đình hạnh phúc, an toàn thì đứa trẻ ấy sẽ không cần phải chứng tỏ với thế giới, nó không cần phải gồng mình lên trong cả cuộc đời.
 

Đừng coi thiếu tiền là rào cản

Vậy theo ông làm thế nào để con người ta không bị lệ thuộc, không phải là nô lệ cho đồng tiền?

Điều này tùy thuộc vào nhu cầu tự nhiên của mỗi con người khi anh dùng tiền phục vụ cho nhu cầu thực sự hay phục vụ cho hình thức và tham vọng. Tiền phục vụ cho nhu cầu thực sự không nhiều nhưng tiền phục vụ cho đẳng cấp, tham vọng, hình thức mới là nhiều.

Cách tiêu tiền phản ánh thế giới bên trong của bạn. Chẳng hạn mình mua điện thoại này để người khác khen hay mua để phục vụ công việc của mình. Mình mặc cái áo này để người khác ngưỡng mộ hay để giữ ấm. Ở đây, tiền chỉ là cái bóng thể hiện giá trị bên trong. Muốn làm chủ đồng tiền, phải làm chủ chính mình.

Theo tôi mọi người đừng coi thiếu tiền là rào cản. Vấn đề không phải thiếu tiền mà vì bạn thiếu tình yêu và sự nghèo đói trong trái tim mới là nghèo đói thực sự. Hãy yêu bản thân, tận hưởng cuộc sống, chia sẻ yêu thương dù có nhiều tiền hay không.

Xin cảm ơn ông!

(Kiến thức gia đình số 9)

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.