| Hotline: 0983.970.780

Thông tư về giám định cổ vật bị cho là 'máy móc'

Thứ Tư 09/08/2017 , 08:51 (GMT+7)

Bắt đầu từ ngày 25/8, Thông tư 02/2017/TT-BVHTTDL Quy định tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật sẽ chính thức có hiệu lực.

07-08-23_gim_dinh_co_vt
Giám định cổ vật - chuyện không đơn giản

Tuy nhiên theo những tiêu chuẩn vừa được ban hành thì theo nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Thông tư còn thiếu tính khả thi khi áp dụng vào thực tế.
 

Ai là chuyên gia giám định?

Buôn bán, trao đổi cổ vật đang là lĩnh vực nóng, cùng với giá “trên trời” của các cổ vấn được gắn mác lâu đời, quý hiếm là nạn đồ cổ giả. Những giá trị quá lớn của cổ vật dẫn tới tình trạng loạn nhà giám định cổ vật tồn tại lâu nay nhưng không có cách quản lý hiệu quả. Cuối năm 2011, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Thông tư số 22 Quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của cơ sở giám định cổ vật, trong đó có quy định tổ chuyên gia giám định cổ vật. Chờ 6 năm sau Bộ mới có Thông tư số 02/2017 về Quy định tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật, hiệu lực từ 25/8/2017 nhưng tiêu chí lại “cái thiếu cái thừa”.

Theo nội dung của Thông tư 02/2017/TT-BVHTTDL quy định tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật thì đối tượng áp dụng là các cá nhân tham gia hoạt động giám định cổ vật trên lãnh thổ Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám định cổ vật. Trong đó, tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật là người có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự, không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo về di sản văn hóa, lịch sử (khảo cổ học, văn hóa học), mỹ thuật, Hán Nôm, dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh vật học (động vật, thực vật), địa chất; có ít nhất 5 năm trực tiếp tham gia hoạt động khảo cổ học, bảo quản, tu sửa cổ vật, thẩm định tài liệu, hiện vật về lịch sử, văn hóa và khoa học tự nhiên có liên quan; có ít nhất 3 bài báo khoa học về cổ vật được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc tham gia biên soạn sách chuyên khảo về cổ vật đã được xuất bản; Là thành viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan đến các chuyên ngành đào tạo quy định tại khoản 1 Điều này, có ít nhất 10 năm thực hiện hoạt động sưu tầm cổ vật.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: “Từ Bảo tàng tỉnh đến Bảo tàng Trung ương rồi Bảo tàng tư nhân đều muốn thành lập Hội đồng Giám định cổ vật để tiện cho việc lưu trữ và trao đổi. Nếu quy định thành lập cơ sở giám định cổ vật chặt chẽ, rõ ràng sẽ giảm loạn trung tâm giám định cổ vật, loạn chuyên gia giám định cổ vật. Tuy nhiên, với quy định mới được ban hành sẽ khó cho các địa phương trong việc tìm được những chuyên gia có thâm niên 5 năm tham gia trực tiếp khai quật khảo cổ. Giám định cổ vật cực kỳ khó ngay cả với Trung ương chứ chưa nói đến địa phương”.

Theo GS.TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thì quy định bằng cấp này máy móc, bởi đây là lĩnh vực đặc thù nên có sự linh động. Nhiều người có bằng cấp nhưng chưa chắc đã thẩm định đúng chất lượng của cổ vật bằng những người có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này. Trong Thông tư 02, ngoài tiêu chí bằng cấp còn kèm quy định có ít nhất 10 năm kinh nghiệm sưu tầm đồ cổ, một số chuyên gia cho rằng 10 năm chưa phải là thước đo hợp lý để trở thành chuyên gia giám định cổ vật. Có quá nhiều trường hợp chuyên gia thực địa, sưu tầm đến 15 - 20 năm vẫn giám định sai. Bởi vì, nhiều cổ vật làm giả hiện nay rất tinh xảo.

07-08-23_co_vt
Giám định cổ vật - chuyện không đơn giản

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hồng Kiên cho rằng: “Chuyên gia học đại học các ngành nói trên, ra làm trực tiếp 5 năm, viết ba bài báo nhưng có khi được “sờ” vào hiện vật ít hơn những người sưu tầm cổ vật. Trong khi, những người sưu tầm (thực tế sống tốt) có trau dồi, đọc, học và có thực tế... nhưng lại thiếu kiến thức căn bản và liên ngành vì không qua đào tạo".
 

Ai thẩm định chuyên gia?

Trước những tranh cãi về nội dung trong Thông tư 02 mới đây Bộ VH-TT&DL đề nghị trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ để xem xét, bổ sung và sửa đổi.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, cần có thêm quy định Hội đồng cấp Bộ để thẩm định những Hội đồng cấp địa phương.

“Cần có thêm quy định cho phép Hội đồng giám định thuộc Bộ VH-TT&DL là trọng tài cho giám định sai của hội đồng cơ sở, hoặc thẩm định trình độ giám định của các chuyên gia. Thông tư 02 đã ra đời và sắp có hiệu lực, nhưng Bộ VH-TT&DL đã đưa ra điều khoản trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ để xem xét, bổ sung và sửa đổi- như vậy cũng hợp lý”, PGS.TS Tống Trung Tín cho hay.

“Theo tôi, cứ đưa ra cơ sở trước đã, triển khai thực tế nếu địa phương có vướng mắc sẽ điều chỉnh. Địa phương cũng chờ quy định này từ lâu rồi, nếu không có quy chuẩn này họ không có cơ sở hoạt động như thế là cản trở địa phương”, PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia.

 

Xem thêm
Nhà sản xuất Lý Hải có một điều ước gây bất ngờ

Nhà sản xuất Lý Hải tạo nên cơn sốt mới cho thị trường điện ảnh, khi bộ phim ‘Lật mặt 7: Một điều ước’ đạt doanh thu 200 tỷ đồng sau dịp nghỉ lễ.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

HLV Kim Sang-sik chính thức làm HLV trưởng ĐT Việt Nam

Ngày 3/5/2024, VFF và ông Kim Sang-sik (quốc tịch Hàn Quốc) đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất đối với các nội dung liên quan đến vị trí HLV trưởng ĐT Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.