| Hotline: 0983.970.780

Giàu từ vật nuôi đặc sản

Thu cả tỷ đồng từ cầy hương, rắn, dúi

Thứ Hai 23/10/2023 , 06:27 (GMT+7)

YÊN BÁI Các mô hình nuôi dúi, cầy hương và rắn đang đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho người dân tại Yên Bái.

Trại nuôi rắn của ông Đạt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Trại nuôi rắn của ông Đạt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Đánh liều thử nuôi rắn lại thành công thật

Sau nhiều lần thay đổi vật nuôi mà kinh tế gia đình vẫn không được cải thiện, ông Đặng Tiến Đạt, thôn Đào Kiều 1, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, Yên Bái đã tìm hiểu nghề nuôi rắn.

Sau khi đi tham quan một số trại nuôi rắn ở Phú Thọ, ông Đạt nhận thấy rắn hổ mang, rắn ráo cho hiệu quả kinh tế cao nên ông đã đánh liều nuôi thử. Chịu khó cập nhật kiến thức, kinh nghiệm từ sách, báo và đến các mô hình đã nuôi rắn thành công để tham quan, học hỏi kinh nghiệm nên mô hình nuôi rắn của ông Đạt đã thành công ngay từ lứa đầu tiên. 

Năm 2020, ông Đạt quyết định đầu tư 600 triệu làm 2.000 ô chuồng nuôi rắn và xin ngành chức năng cấp phép kinh doanh loài vật này. Hiểu rõ đây là vật nuôi nguy hiểm, nên các khu nuôi được ông xây dựng biệt lập với nhà ở của gia đình cũng như các hộ lân cận.

Theo ông Đạt: “Việc chăm sóc rắn không hề phức tạp. Cả hai loại rắn này đều là loại dễ nuôi, ăn khoẻ và đề kháng với dịch bệnh rất tốt. Thức ăn của chúng dễ kiếm như ếch, nhái, cá, tép, sâu bọ, côn trùng... Khi rắn đạt trọng lượng từ 1,8kg đến 3kg sẽ được xuất bán với giá từ 400,000 - 450.000 đồng/kg”.

Ngoài nuôi rắn, ông Đạt còn nuôi hơn 300 cặp ba ba trên diện tích 2.500m2. Một năm, ông xuất bán trên 4.000 con ba ba giống và trên 300kg ba ba thương phẩm. Tổng thu nhập từ nuôi rắn và ba ba của gia đình đạt khoảng 1 tỷ/năm.

Hợp tác xã Thắng Lợi 12 ở xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên nuôi 500 cặp cầy hương. Ảnh: Thanh Tiến.

Hợp tác xã Thắng Lợi 12 ở xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên nuôi 500 cặp cầy hương. Ảnh: Thanh Tiến.

Cuộc sống "lên hương" nhờ nuôi cầy hương và dúi

HTX Thắng Lợi 12, thôn Đất Đen, xã Cường Thịnh (huyện Trấn Yên) đang rất thành công với cơ sở nuôi cầy hương và dúi. Cơ sở nuôi có diện tích rộng hơn 3.000 m2 gồm khu vực chuồng trại và diện tích trồng thức ăn như: cỏ voi, mía và chuối. Hiện tại, HTX Thắng Lợi 12 đang nuôi 500 cặp cầy hương và hơn 1.000 cặp dúi sinh sản. Con giống được HTX chọn mua từ các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Đắk Lắk.

Anh Trịnh Văn Duệ, cán bộ kỹ thuật của HTX cho biết: Cầy hương và dúi là những loài vật dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, ít bệnh. Mỗi ngày cho ăn 2 bữa, chủ yếu là nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như: rau, củ, tre, bí, chuối, ngô, mía… Đặc biệt, nước uống phải thay thường xuyên, đảm bảo sạch sẽ. Tuy dễ nuôi nhưng nguồn thức ăn cho cầy hương và dúi phải sạch, khô ráo để tránh bị đau bụng, tiêu chảy.

Một năm cầy hương sinh sản 2 lứa và mỗi cặp con giống có giá khoảng 10 triệu đồng tùy theo kích thước và trọng lượng. Cầy hương thương phẩm có giá từ 1,4 -1,5 triệu đồng/kg. Còn đối với dúi, giá thương phẩm hiện nay từ 500.000 - 600.000 đồng/kg, giá dúi giống dao động từ 1,4 - 2 triệu đồng/cặp. Mỗi năm, HTX có nguồn thu nhập hàng tỷ đồng từ việc bán con giống và thương phẩm.

Anh Nguyễn Thành Phước, Giám đốc HTX Thắng Lợi cho biết: Hiện nay, HTX đang dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi bằng việc vận động bà con trong xã cùng chăn nuôi cầy hương và dúi theo quy mô nông hộ, cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con.

Nguồn thức ăn của cầy hương khá sẵn có, tuy nhiên yêu cầu phải đảm bảo sạch. Ảnh: Thanh Tiến.

Nguồn thức ăn của cầy hương khá sẵn có, tuy nhiên yêu cầu phải đảm bảo sạch. Ảnh: Thanh Tiến.

Coi vật nuôi đặc sản là sản phẩm chủ lực

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết: Để duy trì, bảo tồn nguồn gen của các loại vật nuôi có nguồn gốc bản địa và phát triển bền vững đối tượng con nuôi đặc sản, ngành NN-PTNT địa phương đang phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển đối tượng con nuôi đặc sản theo định hướng và gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ thuật chăn nuôi nhằm giúp người dân có điều kiện phát phát triển con vật nuôi đặc sản quy mô lớn theo định hướng thị trường. Qua đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm đặc sản, nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Hiện, tỉnh Yên Bái khuyến khích và hỗ trợ các hộ phát triển chăn nuôi sản phẩm đặc sản của địa phương như: Gà đen đặc sản vùng cao đạt trên 150.000 con/năm, được nuôi chủ yếu tại các huyện Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải; lợn đen bản địa trên 87.000 con tại các huyện Lục Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải; vịt bầu Lâm Thượng trên 130.000 con, nuôi chủ yếu tại các huyện Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên. Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở, hộ chăn nuôi các loại vật nuôi đặc sản như: lợn rừng, dê, dúi, nhím, ba ba, cầy hương, rắn…

Xem thêm
Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.