| Hotline: 0983.970.780

Thu hồi hàng tỷ đô la "rơi vãi"!

Thứ Ba 10/11/2009 , 14:30 (GMT+7)

Mục tiêu trên không quá xa vời nếu trong vòng 10 năm nữa, VN thực hiện thành công Nghị quyết 48/NQ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng đã chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết quan trọng này.

Mục tiêu trên không quá xa vời nếu trong vòng 10 năm nữa, VN thực hiện thành công Nghị quyết 48/NQ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Hôm qua 9/11 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng đã chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết quan trọng này. 

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 48/NQ-CP, hàng tỷ đô la “rơi vãi” sẽ được thu hồi

Tổn thất lên tới 25%!

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, hiện tổn thất về sản lượng trong và sau thu hoạch đối với lúa là 11 – 13%, ngô 13 – 15% tập trung ở các khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản và xay xát, chế biến. Ngoài sự tổn thất về sản lượng còn bị sụt giảm đáng kể về chất lượng nông sản như: nhiễm Aflatoxin đối với ngô, Achrotoxin A đối với cà phê làm giá hạt thương phẩm bị giảm từ 10 – 20%, thủy sản đánh bắt và rau quả bị tổn thất tới 20 – 25% cả về sản lượng và chất lượng.

Ví dụ điển hình nhất, theo ông Đoàn Xuân Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản & nghề muối (NLTS&NM), hầu hết các hộ nông dân sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL hiện nay không có máy sấy, chỉ phơi trên sân, trên đường hoặc bán lúa tươi cho thương lái ngay khi thu hoạch. Việc áp dụng công nghệ bảo quản chưa tốt nên tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn rất cao từ 11 – 12%, trong đó khâu phơi sấy tồn trữ chiếm 4,5%. Cùng với việc tổn thất về số lượng, chất lượng lúa gạo cũng bị giảm nhiều, ảnh hưởng tới phẩm cấp và giá trị thương phẩm của gạo sau khi xay xát (tỷ lệ tấm, hạt gãy cao, thu hồi giảm…), gây ra tình trạng “được mùa ngoài đồng – mất mùa trong nhà”. Ngoài ra, về năng lực dự trữ, tổng tích lượng kho bảo quản lúa gạo của ĐBSCL hiện nay là 1,2 triệu tấn với chu kỳ bảo quản 3 tháng thì một năm lượng thóc được bảo quản khoảng 3,5 – 4 triệu tấn, mới đáp ứng được 35 – 40% so với yêu cầu dự trữ hàng năm (khoảng 10 triệu tấn). Mặt khác, trước các biến động bất lợi của thị trường, nhất là thị trường XK, các DN kinh doanh chế biến không thể thu mua hết lúa do nông dân sản xuất ra, khiến đời sống người nông dân gặp rất nhiều khó khăn.

Tương tự, ông Ngô Quang Tú – Trưởng phòng chế biến bảo quản thủy sản (Cục Chế biến NLTS&NM) cho biết, mặt hàng chiến lược hải sản đánh bắt mỗi năm khoảng 2 triệu tấn nhưng công tác bảo quản sau đánh bắt còn yếu, hệ thống kho lạnh trữ đông rất thiếu đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, làm giảm giá trị hải sản, hiệu quả đánh bắt ngày càng thấp dẫn đến tổn thất lên đến 20%. Trong khi đó về mặt hàng cà phê, theo ông Nguyễn Văn Sinh – PGĐ Sở NN-PTNT Đắk Lắk, việc tạm trữ cà phê để tránh tổn thất về sản lượng và chất lượng đang vô cùng nan giải. “Đắk Lắk có 180.000 ha cà phê những có tới 150.000 hộ dân sở hữu, vì thế công tác áp dụng công nghệ giảm tổn thất sau thu hoạch rất khó khăn, nhất là khi hầu hết người nông dân không thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi” – ông Sinh nói.

Sẽ thu hồi hàng tỷ đô la

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng khẳng định, chúng ta tăng được năng suất 3 – 5% đã thấy khó lắm rồi, trong khi đó lại để lãng phí tổn thất sau thu hoạch lúa gạo, thủy sản, rau quả… lên đến 20 – 25% thì quả quá xót xa! Vì thế, Nghị quyết 48 của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp – nông dân – nông thôn bằng mọi cách sẽ giảm tỷ lệ tổn thất xuống mức tối đa. Tổng số tiền để thực hiện cho toàn đề án này trong 10 năm vào khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách là 5.000 tỷ, vốn tín dụng 21.000 tỷ và khoảng 14.000 tỷ là của DN và người dân.

Đây cũng được xem là Nghị quyết toàn diện, cụ thể đầu tiên dành riêng cho khâu sau thu hoạch. Trước mắt sẽ tập trung giải quyết cho một số sản phẩm chính, có tỷ lệ tổn thất lớn với mục tiêu cụ thể như sau: Đối với lúa gạo giảm mức tổn thất từ 11 – 13% hiện nay xuống còn 5-6%; ngô từ 13 – 15% xuống còn 8 – 9% và hạn chế tối đa mức độ nhiễm độc tố Aflatoxin, cải thiện giá bán thương phẩm khoảng 10%; cà phê hạn chế tối đa mức độ nhiễm độc tố Achrotoxin A, cải thiện giá bán cà phê nhân khoảng 10%; thủy sản, rau quả từ 20 – 25% xuống còn dưới 10% vào năm 2020.

Các giải pháp thực hiện mục tiêu này sẽ tập trung chủ yếu vào các khâu có mức tổn thất lớn (giống, thu hoạch, phơi sấy, bảo quản, xay xát và chế biến); tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa (làm đất, gieo cấy, chăm sóc, BVTV, thu hoạch, sấy, xay xát, đánh bóng); kết hợp với việc ứng dụng các kỹ thuật bảo quản tiên tiến. Nếu thực hiện tốt các mục tiêu này, hàng tỷ đô la “rơi vãi” trong nhiều năm qua sẽ sớm được thu hồi, làm tiền đề cho việc thực hiện hiệu quả các chính sách về nông nghiệp – nông dân – nông thôn.

Theo thứ trưởng Hồ Xuân Hùng, sau Hội nghị này Bộ NN-PTNT sẽ tiếp thu ý kiến, xử lý các thông tin, văn bản để chính thức từ năm 2010 Nghị quyết 48/NQ-CP sẽ được thực hiện một cách đầy đủ. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng: Muốn làm tốt, xin đừng đứng nhìn nhiều quá!

Điểm bất cập nhất trong thực trạng cơ giới hóa nông nghiệp yếu kém của ta hiện nay là gì, thưa ông?

Cơ giới hóa trong nông nghiệp VN hiện nay đang ở thế đi ngược, bởi lẽ người nông dân VN luôn ở thế bị động, phải chạy theo nhà sản xuất thiết bị. Tôi sang Hàn Quốc thấy thực tế có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp của họ cũng nhỏ lẻ, phân tán y hệt VN nhưng họ vẫn cơ giới hóa được 100%. Họ khác ta là đã buộc nhà sản xuất máy móc phải chạy theo nông dân, thiết bị phải chạy theo đồng ruộng. Về điều này, các nhà khoa học VN phải nhanh chóng có câu trả lời tại sao họ làm được mà VN lại không? Các nhà quản lý và hoạch định chính sách phải đưa ra giải pháp để các nhà chế tạo máy đi theo hướng sản xuất của nông dân. Rõ ràng chúng ta phải tính toán lại việc cơ giới hóa ở VN hiện nay, song song đó vẫn tổ chức lại sản xuất cho bớt manh mún hơn.

Nghị quyết đã có nhưng thực hiện để đạt hiệu quả không phải dễ dàng. Ông nhận định thế nào về vai trò trực tiếp của địa phương trong quá trình thực hiện các nội dung này?

Cách đây 15 năm khi tôi còn làm chủ tịch tỉnh Nghệ An, khi đi khảo sát thực tế sản xuất của một số trang trại, nông hộ thấy máy bơm, máy cày thiếu nhiều lắm. Hỏi tại sao không mua thì họ nói lấy đâu ra tiền. Lúc đó tôi bỗng nghĩ rằng, nếu mình bỏ 1 đồng thì có thể sẽ thu về cả trăm đồng tính trên lợi ích chung, vì thế tỉnh đã quyết định hỗ trợ cho nông dân vay mua máy móc thiết bị, lãi suất 100% tỉnh chi cho dân. Sau đó trực tiếp tôi sang tận Thái Lan, Trung Quốc để xem máy móc nông nghiệp của họ có khác gì với VN, thậm chí đặt hàng họ để mang về VN thử nghiệm để có thể lựa chọn mua những loại máy có ưu điểm nhất. Với chính sách này, chỉ trong vòng 2 năm Nghệ An đã xuất hiện hàng loạt máy móc phục vụ quá trình cơ giới hóa và được công nhận là tỉnh điển hình về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Tôi nghĩ mình chỉ làm một việc rất nhỏ thế thôi nhưng không ngờ lại có hiệu quả cao đến thế. Vì vậy tôi cho rằng, người lãnh đạo ở các địa phương mà trực tiếp là các lãnh đạo Sở NN-PTNT phải giúp UBND tỉnh đưa ra những chính sách thực sự có ích và thiết thực ngay cho quá trình sản xuất của nông dân. Chúng ta đừng nhìn nhòm ngó nhau nhiều quá mà không xắn tay áo làm gì. Thực sự đây là một chính sách đầu tư hiệu quả để phát triển sản xuất. Nếu mỗi địa phương đều làm được chuyện đó thì dứt khoát sản xuất nông nghiệp sẽ có bước chuyển mình.

Vai trò của DN và khái niệm “sản xuất tập trung” trong quá trình này nên hiểu thế nào, thưa ông?

DN đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vì thế Chính phủ đang chuẩn bị một chính sách để đưa DN về với nông dân, về với nông thôn. Thực tế thì mọi đầu vào, đầu ra, KHCN, lao động, việc làm đều là ở DN, vì thế về phía các địa phương cần chủ động đưa ra những chính sách cho mình để kéo DN vào cuộc. Nếu không có một chính sách tốt để đưa DN về với nông dân, nông thôn thì chúng ta khó thành công. Chúng ta cũng cần thay đổi về cách nghĩ của khái niệm “sản xuất tập trung”. Muốn khắc phục từng người nông dân sản xuất nông nghiệp phân tán, manh mún thì DN đứng ra gom lại, đó chính là sản xuất tập trung. Thực sự chúng ta đừng hy vọng người nông dân sẽ tự tập trung lại với nhau như cách nghĩ lâu nay…

Gói kích cầu tiếp theo, người nông dân sẽ trực tiếp được thụ hưởng những chính sách ưu đãi gì?

Tôi rất ủng hộ gói kích cầu thứ hai vì kinh nghiệm từ gói kích cầu thứ nhất đã cho thấy, nó giúp cho nông dân giải tỏa được một số vướng mắc lâu nay, chứ không đơn thuần chỉ để kích thích người sản xuất, để chống lạm phát và thiểu phát, mà cái chính là đã làm cho nông dân giảm được rất nhiều công nhật và làm tăng năng suất sản xuất, thúc đẩy phát triển. Trong năm qua, hơn 300.000 máy móc thiết bị nhỏ và vừa được nông dân mua sử dụng đã thể hiện rất rõ ưu điểm này. Tuy nhiên, rất nhiều nơi nông dân kêu không thể vay vốn được, vì thế vấn đề đặt ra sắp tới là làm thế nào để nông dân có thể tiếp cận thật tốt các chính sách, vốn vay ưu đãi thì hiệu quả kích cầu mới đạt hiệu quả cao. 

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Bùi Nguyễn

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.