| Hotline: 0983.970.780

Thu nhập cao nhờ trồng sen

Thứ Tư 21/10/2015 , 06:10 (GMT+7)

Khi nhắc đến sen, nhiều người nghĩ về vùng Đồng Tháp, nhưng ở Hậu Giang hiện nay đã có những ruộng sen bạt ngàn mang lại thu nhập cao cho nhiều người dân.

Sau khi cải tạo vườn tạp với diện tích hơn 3.000 m2 trồng các loại cây ăn trái. Cách đây 5 năm, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh Dương Văn Hải ấp Nhơn Xuân, thị trấn Một Ngàn (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) được người quen giới thiệu trồng thử nghiệm khoảng 200 cây sen trên diện hơn 1.000 m2 mặt nước mương vườn, sau đó khoảng 5 tháng bắt đầu cho thu hoạch và lợi ích kinh tế mang lại bất ngờ. Nếu so sánh, hơn 1.000 m2 mặt nước trồng sen cho thu nhập cao gấp 3-4 lần so với các loại cây trồng khác.

Anh Hải chia sẻ: “Lúc trước thấy các ao, đầm ở địa phương bị bỏ hoang, tôi mới học cách trồng sen. Không ngờ sau khi trồng cây chịu đất, chịu nước nên phát triển tốt”.

Anh Hải nói thêm, do trồng dưới mương vườn nên khoảng cách trồng hơi thưa (khoảng 3m/cây), vì trong mương vườn có thể thiếu ánh nắng và còn dành khoảng trống để lấy nước tưới cho cây trên bờ. Hiện nay, cứ 3 đến 5 ngày hái một lứa, mỗi lứa hái khoảng 20 kg gương sen bán với giá 25.000 đồng/kg, nếu tách hạt ra bán giá 100.000đ/kg, nhưng không đủ nguồn cung.

Còn hộ ông Võ Quốc Thanh, cựu chiến binh ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đến với nghề trồng sen lấy gương được 2 năm. Hồi trước mỗi tháng nước ruộng hầu như bỏ trống thì bây giờ với 8 công sen mỗi ngày ông có thể thu về vài trăm ngàn đồng.

“Vùng đất này trũng, trồng lúa vụ giữa không trúng như các vùng khác nên tôi tranh thủ trồng sen. Sen này mình chỉ trồng khi cắt lúa Hè Thu. Tới tháng 11, mình phát bỏ, sạ lại lúa vẫn trúng như bình thường”, ông Thanh cho hay.

Với hiệu quả mang lại, sen không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Đang bận bịu hái sen, anh Nguyễn Văn Dũng vẫn vui vẻ cho biết, không đất canh tác, những năm trước mùa nước nổi gia đình lại sắm sửa ngư cụ để đánh bắt cá, hay bắt ốc để bán nhưng khoảng 2 năm gần đây, nước ít, cá tôm cũng đổ về ít, đời sống ngày càng khó khăn.

“Từ khi có cây sen này thì ngày nào cũng có bán, đồng ra đồng vô, thu nhập ổn định hơn trước nhiều. Sống bằng nghề hái sen thuê như tôi cũng có việc làm, đời sống cũng đỡ vất vả hơn”, anh Dũng cho hay.

Để cây sen thu hoạch lâu và năng suất cao, sau khoảng 3 tháng sen già sẽ cắt lá và bón phân 1 đợt. Bên cạnh đó, nếu trồng sen lấy gương thì phải hạn chế việc lấy ngó sen, vì làm như vậy gương sen sẽ có nhiều hạt lép. Đồng thời để sen được ngon, cần hái vào sáng sớm.

Theo nhiều hộ trồng sen, sen là loại cây dễ trồng, ít công chăm sóc, tỷ lệ hao hụt lại thấp nên trồng sen chỉ mất chi phí đầu tư cho lần xuống giống đầu tiên, còn nhiều năm sau chỉ chăm sóc và thu hoạch, trồng sen lại không tốn nhiều chi phí phân, thuốc, làm cỏ như trồng các loại cây khác. Sau Tết Nguyên đán là thời điểm thích hợp nhất để xuống giống. Khoảng 4 tháng sau, cây sen bắt đầu cho thu hoạch, đến tháng 6 sẽ vào mùa thu hoạch rộ và kéo dài đến hết tháng 11.

Khi nước lũ về nhiều, cây sen ngập nước và lụi dần, đến khi hết lũ lụt, sen lại đâm chồi, phát triển trở lại. Không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, các sản phẩm gương sen, hạt sen, ngó sen đang được thị trường tiêu thụ khá mạnh.

Vừa là người trồng sen, vừa là đầu mối thu mua gương sen, ông Đỗ Văn Trường cho biết, bình quân mỗi năm ông thu mua được khoảng 50 tấn sen để chuyển lên TP.HCM và tỉnh Khánh Hòa để bán. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ sen ở các tỉnh, thành này rất mạnh, vì vậy người trồng sen không phải lo đầu ra.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.