Thời điểm này, bà con nông dân tại "thủ phủ" cam bù Hà Tĩnh đang tập trung chăm sóc cây cuối vụ, đồng thời bắt đầu thu hoạch. Nhờ chuyển đổi theo hướng hữu cơ nên chất lượng cam bù năm nay được đánh giá cao, quả đẹp, vị ngọt hơn các năm trước.
Bắt đầu từ cuối tháng 11 âm lịch, những vườn đồi ở huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) lại nhuộm sắc vàng rực của cam bù chín. Với tổng số hơn 820ha đã cho thu hoạch, huyện Hương Sơn thực sự là vựa cam bù của tỉnh Hà Tĩnh.
Bà Lâm Thị Mai tại thôn Kim Lĩnh, xã Kim Hoa (huyện Hương Sơn) có hơn 300 gốc cam bù. Theo đánh giá của bà Mai, mặc dù năm nay năng suất, sản lượng cam bù thấp hơn năm ngoái, tuy nhiên chất lượng cam được đánh giá cao hơn do gia đình chuyển đổi trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ. Quả cam to, chín đều, căng đẹp, ngọt hơn, trung bình mỗi cây có từ 100 - 150 quả. Thời gian này, gia đình bà đang tập trung kiểm tra, chăm sóc quả cuối vụ để thu hoạch đúng vào thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Với sản lượng ước đạt hơn 10 tấn cam, giá bán ổn định như mọi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình bà Mai ước thu hơn 400 triệu đồng.
Thời điểm này, anh Đào Văn Đức tại thôn Kim Lĩnh (xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn) cũng đang tất bật chăm sóc hơn 500 gốc cam bù của gia đình để chuẩn bị thu hoạch phục vụ thị trường Tết. Anh Đức cho biết, cam bù chỉ cho quả vào một mùa/năm và thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán, vì vậy việc chăm sóc cam theo đúng quy trình kỹ thuật là hết sức quan trọng, vừa giúp cây cam không bị sâu bệnh, cây bền khỏe, vừa giúp quả chín ngọt đúng thời điểm thu hoạch.
Để quả cam không sà xuống đất, anh Đức đã phải dùng cọc tre chống xung quanh các cành, đồng thời tỉa bớt cành khô, cành bị sâu bệnh. Nhờ đầu tư chăm bón, phòng trừ tốt sâu bệnh nên vườn cam bù năm nay của gia đình anh Đức được mùa, chín đều. Thời điểm này, gia đình anh cũng đã bắt đầu thu hoạch bói những quả cam nhỏ. Những quả to đẹp, anh cố gắng áp dụng các biện pháp neo quả để thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán vì giá bán luôn cao hơn.
Mùa thu hoạch cam bù Hương Sơn bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài đến qua Tết Nguyên đán. Cam Bù là cây ăn quả chủ lực của huyện Hương Sơn, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội trên địa bàn nói chung.
Vườn cam bù có độ tuổi từ 15 - 17 năm của ông Nguyễn Văn Thắng ở xã Sơn Trường (huyện Hương Sơn) hiện đang vào vụ thu hoạch. Với hơn 4ha cam bù, những ngày này, ông Thắng đang tập trung chăm chút cho vườn cam của mình bởi đây là khoảng thời gian rất quan trọng, nếu chăm sóc không đúng cách, cây sẽ bị rụng trái, không đẹp mã.
Do địa hình vườn đồi dốc nên ông Thắng đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động, ứng dụng vận hành bằng phần mềm trên điện thoại, chỉ cần một thao tác đơn giản là có thể tưới được cả vườn cam. Nhờ chăm sóc đúng quy trình và canh tác theo hướng hữu cơ nên vườn cam của gia đình ông phát triển tốt, cho quả đồng đều, năng suất ổn định, sản lượng cam năm nay ước đạt hơn 10 tấn. Nếu thị trường tiêu thụ ổn định như những năm trước, gia đình ông Thắng dự kiến thu về khoảng 400 - 450 triệu đồng.
Hiện nay, trung bình 1ha trồng giống cam bù Hương Sơn mang lại thu nhập bình quân khoảng 70 - 100 triệu đồng, vườn sai quả có thể cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm. Giống cam bù có chu kỳ khai thác trung bình khoảng 15 năm, nếu chăm sóc tốt có thể cho khai thác hơn 20 năm.
Từ khi trồng thành công giống cam này, không ít gia đình ở huyện miền núi Hương Sơn là thoát khỏi cảnh nghèo khó, vươn lên làm giàu nhờ hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với những cây trồng khác như chanh, mía, quýt... Hiện nay, chính quyền địa phương đang tích cực triển khai chuyển đổi số, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử để tiếp tục gia tăng giá trị cho sản phẩm đặc sản quê hương.
Ông Lê Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Sơn Trường (Hương Sơn) cho biết: Xã Sơn Trường có tổng diện tích hơn 300ha cam bù, trong đó 250ha cho quả, năng suất bình quân vụ cam này ước đạt 12 tấn/ha, sản lượng ước đạt 3.000 tấn. Do phù hợp chất đất và điều kiện khí hậu của vùng núi nên cam bù cho quả to, mọng nước, thơm đặc trưng. Nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt nên chất lượng cam bù ngày càng được nâng cao. Toàn xã hiện có 1 HTX cam bù đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao và 36 tổ hợp tác trồng cam VietGAP. Để tiếp tục nâng tầm thương hiệu, gia tăng giá trị cho sản phẩm cam bù đặc sản, thời gian qua, xã Sơn Trường đã phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong việc dẫn dắt người dân phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Huyện Hương Sơn hiện có hơn 1.100ha trồng cam bù, trong đó 820ha đã cho thu hoạch. Cam bù Hương Sơn tập trung tại các xã Sơn Trường, Kim Hoa, Sơn Hàm, Sơn Lâm, Quang Diệm và rải rác tại các xã Sơn Tây, Sơn Trung, Sơn Kim 1... Năm nay, năng suất cam bù Hương Sơn ước đạt 14 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 11.000 tấn.
Những năm gần đây, nhiều đề tài khoa học cấp bộ, ngành, địa phương đã được triển khai nhằm bảo tồn, phát triển giống cam bù đặc sản. Người trồng cam cũng mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, hướng đến cung cấp sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
"Qua kiểm tra và đánh giá bước đầu cho thấy, sản lượng cam bù năm nay tương đương với năm trước, mẫu mã cam đẹp hơn, cam có vị thanh, ngọt đậm đà. Trung bình mỗi hộ vụ này thu từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, có những trang trại lớn doanh thu tiền tỷ", ông Phan Xuân Yên, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ Cây trồng - vật nuôi huyện Hương Sơn cho biết.
Cây cam bù giờ đã trở thành cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế hàng đầu trên đất Hương Sơn. Đặc biệt, trong ngày Tết, cam bù là loại quả hợp khẩu vị, phù hợp để làm quà biếu, đồng thời cũng là thứ quả thông dụng trên bàn thờ gia tiên.