| Hotline: 0983.970.780

'Thủ phủ' ếch ở Tháp Mười

Chủ Nhật 14/11/2021 , 10:48 (GMT+7)

Bình quân mỗi năm Tháp Mười cung ứng thị trường khoảng 5 ngàn tấn ếch thương phẩm. Huyện này trở thành một trong những địa phương có diện tích nuôi ếch lớn nhất Đồng Tháp.

Đứng chênh vênh trên chiếc xuống nhỏ xíu, lướt tới lướt lui giữa các vèo ếch trưởng thành để vớt chất thải, anh Lê Thái Phương, ở khóm 1, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp, cho biết: “Tôi nuôi ếch cũng gần chục năm nay rồi. Hồi xưa đây là ruộng lúa, làm có 2 vụ, mà năng suất kém lắm, 3 công ruộng này mỗi vụ được tấn rưỡi thóc. Vì ruộng trũng, giữ nước như ao, nên ngoài cấy lúa ra thì chỉ đắp bờ nuôi cá. Mà nuôi cá diện tích nhỏ này cũng chẳng có ăn bao nhiêu.

May hồi đó thấy ti vi chiếu mấy mô hình nuôi ếch, ruộng nước y chang của nhà mình. Thế là ngay hôm sau tôi chạy lên phòng nông nghiệp huyện hỏi. Mấy ảnh cho địa chỉ mấy chỗ, tôi đến tham quan, thấy khu đất ruộng nhà mình có nhiều đặc điểm khá giống chỗ họ nuôi. Kỹ thuật nuôi ếch cũng không khó, nên tôi học nhanh. Về, tôi đầu tư chục vèo, nhưng vì sợ mình chưa rành cách nuôi, lỡ chết hết hoặc không lớn được thì sao, nên tôi thả ít, mật độ chỉ bằng 1/3 bây giờ. Nhưng không ngờ, ngay vụ đầu tôi đã thành công. Thu hoạch được mấy tấn ếch, thương lái đến tận nơi mua với giá 80 ngàn đồng 1 ký. So với lúa thì đúng là 1 trời 1 vực. Vậy là tôi gắn bó với con ếch tới giờ”.

Ao ếch của anh Lê Thái Phương. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Ao ếch của anh Lê Thái Phương. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Ngoài các vèo ếch được làm khung, quây lưới, ao của anh Phương còn thả cá vồ đém, cá tra ở bên ngoài. Nguồn cá thả này là phần thu thêm, nhưng mỗi năm anh cũng kiếm được ngót 2 chục triệu từ cá.

Hiện tại, anh Phương có 28 vèo nuôi ếch, mỗi vèo diện tích 40m2, thả 10 ngàn con. Mỗi vụ nuôi 2 tháng là xuất bán, sản lượng mỗi vụ khoảng hơn 20 tấn. Như vậy, mỗi năm chỉ riêng hộ anh Phương cung cấp ra thị trường khoảng 120 tấn ếch thương phẩm. “So với mọi người ở đây thì tôi chẳng ăn thua gì. Có những người nuôi cả mấy ha, mỗi năm doanh thu 5-6 tỷ”, anh Phương cho biết.

Theo anh Phương, đầu tư chi phí 1kg ếch thương phẩm hết từ 10 - 15  ngàn đồng, bao gồm con giống, thức ăn, thuốc điều trị, chưa tính công chăm sóc. Cho nên, giá ếch thịt phải đạt từ 30 ngàn đồng/kg trở lên thì mới có lời. “Với điều kiện là thời gian nuôi chỉ 2 tháng thôi, chứ càng kéo dài thì phần lời càng ít”.

Diện tích mặt nước bên ngoài vèo ếch, anh Phương thả thêm cá tra, cá vồ đém. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Diện tích mặt nước bên ngoài vèo ếch, anh Phương thả thêm cá tra, cá vồ đém. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Nói về đầu ra, anh Phương cho biết, nếu không có dịch Covid-19 thì đầu ra tương đối ổn, giá từ 30-35 ngàn đồng/kg. Nhưng do ảnh hưởng dịch nên lứa ếch này đã quá thời gian nuôi 5 tháng rồi mà chưa xuất bán được. Hiện tại, giá ếch đã tăng, nhưng anh Phương chưa bán, vì muốn đợi tăng thêm chút nữa.

Cũng tương tự mô hình của anh Phương, 5 năm trước, gia đình anh Trần Văn Võ, ở Khóm 3, thị trấn Mỹ An quyết định chuyển hết hơn 1 công đất trồng lúa năng suất thấp sang nuôi ếch kết hợp nuôi cá tra. Hơn 1.000m2 mặt nước anh đặt 10 vèo ếch, mỗi vèo 60m2, thả 15 ngàn con giống. Từ khi chuyển sang nuôi ếch đến nay, từ thu nhập vài triệu đồng sau mỗi vụ lúa, nay anh thu vài chục triệu đồng từ ếch. Ngoài ra, thêm hơn chục triệu đồng từ cá nữa, kinh thế gia đình anh không ngừng cải thiện.

Không chỉ thế, hiện anh Võ còn đầu tư bồn ươm 50 cặp ếch bố mẹ sinh sản, vừa cung cấp con giống cho mình, vừa bán ngoài thị trường. Hiện tại, ếch bố mẹ mỗi năm anh cho sinh sản 3 lần, mỗi lần đạt khoảng 3.000 con giống. Sau 1 tháng ươm, anh xuất bán với giá từ 700 – 900 đồng/con. Như vậy, mỗi năm ngoài việc bán ếch thành phẩm, anh Mum còn cung cấp cho thị trường khoảng 300 ngàn con ếch giống. Bình quân mỗi năm anh bỏ túi gần 200 triệu đồng.

Anh Trần Văn Võ đang dầm mình dưới lồng ếch được gom từ các vèo lại để xúc giao cho thương lái. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Anh Trần Văn Võ đang dầm mình dưới lồng ếch được gom từ các vèo lại để xúc giao cho thương lái. Ảnh: Hồng Thuỷ.

“Tôi có ông anh bà con là kỹ sư thuỷ sản bên Cần Thơ, ổng thường xuyên về đây hướng dẫn mọi người kỹ thuật nuôi ếch, tôi học cách ươm giống từ ổng. Chứ hồi mới nuôi ếch thịt, cũng thất thoát nhiều lắm”, vừa dầm mình dưới ao ếch, anh võ vừa cười, nói lớn.

Theo báo cáo của UBND huyện Tháp Mười, những năm gần đây, phong trào nuôi ếch ở địa phương phát triển mạnh. Số lượng ếch thả nuôi trên toàn huyện ước khoảng 60 triệu con/năm, sản lượng hàng ngàn tấn ếch thương phẩm.

Trước nguy cơ bí đầu ra cho ếch thương phẩm, mấy năm qua, chính quyền huyện Tháp Mười và các địa phương đã nỗ lực tìm thị trường tiêu thụ cho người dân. Nhờ vậy, một lượng lớn ếch thương phẩm đã có đầu ra ổn định. Như Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam tại Cần Thơ, Công ty Việt Long tại TP.HCM, hoặc các vựa thủy sản ở chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM…

Ngoài ra, một công ty chế biến thực phẩm đóng trên địa bàn đã đầu tư dây chuyền chế biến các sản phẩm từ ếch như: khô ếch, chà bông ếch từ công nghệ chế biến ếch sạch. Riêng sản phẩm chà bông ếch đạt chứng nhận OCOP 3 sao từ cuối năm 2020.

“Người dân Tháp Mười nuôi ếch cũng khoảng 16 - 17 năm nay. Mặc dù đây là một trong những ngành hàng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, giúp nhiều hộ thoát nghèo và giàu lên, nhưng việc phát triển diện tích nuôi quá lớn khiến đầu ra gặp khó, giá giảm. Hiện tại, huyện đang tổ chức quy hoạch vùng nuôi ếch trên cơ sở hiện trạng sẵn có. Đồng thời tiếp tục tăng cường kết nối, tìm thêm các đối tác cho nguồn đầu ra ổn định từ các doanh nghiệp ở TP.HCM và các địa phương khác”, ông Bùi Văn Sơn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tháp Mười.

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.