| Hotline: 0983.970.780

Thủ phủ khoai lang giữ vùng nguyên liệu chờ thị trường lớn

Thứ Năm 21/07/2022 , 15:55 (GMT+7)

Ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long thể hiện quyết tâm giữ vững vùng nguyên liệu khoai lang tím, tạo đà xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

Xuất khẩu tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro

Từ những năm đầu khai phá vùng đất Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long khoai lang tím đã bám rễ, ăn sâu vào đất nơi đây. Khi thị trường tiêu thụ bắt đầu phát triển, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu khoai lang tím cho bà con nông dân trong vùng, từ đây đã mở ra câu chuyện vui buồn nghề trồng khoai lang tím.

Nông dân huyện Bình Tân thu hoạch khoai lang tím, thời điểm giá chưa xuống thấp. Ảnh: Kim Anh.

Nông dân huyện Bình Tân thu hoạch khoai lang tím, thời điểm giá chưa xuống thấp. Ảnh: Kim Anh.

Ông Sơn Văn Luận, Giám đốc hợp tác xã (HTX) nông nghiệp dịch vụ Thanh Ngọc ở xã Tân Thành, nhiều năm mua bán khoai lang trực tiếp với một số thương lái Trung Quốc, số tiền ông bị “quỵt” lên tới khoảng 13 tỷ đồng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho hay, thời gian qua khoai lang tím Bình Tân chủ yếu xuất đi theo đường tiểu ngạch, nên số lượng hạn chế, chi phí cao và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro. Sau nhiều nỗ lực đàm phán giữa Bộ NN-PTNT với phía Trung Quốc, 2 sản phẩm đã được nước bạn ưu tiên xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới là sầu riêng và khoai lang.

Trong đó, công tác cấp mã số vùng trồng và thực hiện chứng nhận VietGap là 2 tiêu chí quan trọng nâng cao giá trị mặt hàng khoai lang tím, đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Thế nhưng, hiện nay việc cấp mã số vùng trồng cho khoai lang tím lại đang “vướng”, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long, cho hay, điều kiện để cấp mã phải đảm bảo vùng nguyên liệu đạt trên 1.000 ha. Trong khi thực tế hiện nay, sau nhiều năm thua lỗ, giá khoai xuống thấp, nông dân ngán ngẩm, diện tích hiện tại chỉ hơn 700 ha.

Bên cạnh đó, qua tìm hiểu thực tế trong bà con nông dân, một số vùng trồng khoai đã được cấp chứng nhận VietGAP, hết thời hạn bà con lại không muốn gia hạn vì khoai khó bán.

Ông Nguyễn Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, chia sẻ, so với cùng kỳ năm 2021, diện tích trồng khoai lang của huyện đã giảm hơn 6.600 ha. Một trong những nguyên nhân khiến nông dân trồng khoai lang ở địa phương rơi vào cảnh bấp bênh là do tình hình dịch bệnh Covid-19 xuất hiện. Yếu tố này đã khiến tình hình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị đình trệ, bởi chính sách “Zero Covid” của nước bạn, trong khi đây lại là thị trường chính tiêu thụ khoai lang tím của địa phương. Các thị trường khác như Đài Loan, Malaysia, Singapore, dù có xuất đi được nhưng số lượng lại rất hạn chế.

Quyết giữ vùng nguyên liệu

Việc khoai lang nằm trong danh mục ưu tiên xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới mở ra cơ hội lớn cho địa phương. Vì vậy, quan điểm của lãnh đạo huyện Bình Tân là quyết tâm giữ vùng nguyên liệu khoai lang - một cây trồng chủ lực của địa phương.

Nhiều nông dân than khó với nghề trồng khoai lang tím. Ảnh: Kim Anh.

Nhiều nông dân than khó với nghề trồng khoai lang tím. Ảnh: Kim Anh.

Để có giải pháp bảo vệ vùng nguyên liệu sản xuất khoai lang trên địa bàn huyện, ông Tập cho biết thêm, ngành chức năng địa phương đang vận động, tuyên truyền đến bà con nông dân tạm thời chuyển đất trồng khoai sang trồng lúa, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương 1 vụ lúa, 1 vụ khoai. Khi các điều kiện xuất khẩu đã được giải quyết, bà con có thể chuyển đổi lại trồng khoai lang hình thành vùng nguyên liệu như những năm đầu đã thực hiện.

Hiện nay, huyện Bình Tân đang kết hợp với trường Đại học Cần Thơ xây dựng đề tài ứng dụng cấp tỉnh, thực hiện phục tráng giống khoai lang bằng phương pháp cấy mô cũng như thực hiện các chế phẩm sinh học để quản lý dịch hại trên cây khoai lang. Từ đây, nông dân có thể tận dụng phụ phẩm của khoai lang phục vụ cho chăn nuôi, củ khoai lang phục vụ xuất khẩu, làm tăng giá trị cả về mặt chất lượng cũng như giá trị kinh tế cho mặt hàng khoai lang.

Đây là những giải pháp được ngành chức năng huyện đánh giá là căn cơ để khôi phục lại vùng nguyên liệu khoai lang trên địa bàn. Các vấn đề về áp dụng khoa học kỹ thuật, giống, canh tác, quản lý sâu bệnh, chế biến... nông dân đã làm hoàn chỉnh, vấn đề hiện tại là một “cái gật đầu” xác nhận chính thức từ phía Trung Quốc để đưa khoai lang xuất khẩu chính ngạch.

Dự kiến, cuối năm 2022 diện tích xuống giống trồng khoai lang ở huyện Bình Tân sẽ tăng thêm khoảng 500 ha. Huyện cũng đã gửi hồ sơ xin cấp 8 mã số vùng trồng khoai trên địa bàn lên Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) để chờ thẩm định, xem xét giải quyết hồ sơ.

Xem thêm
Thị trường Trung Quốc - 'Át chủ bài' xuất khẩu trái cây

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng và ước tính, năm 2024 sẽ đạt gần 5 tỷ USD.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Thương hiệu quốc gia Việt Nam 'Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh'

Tối 4/11, tại Hà Nội diễn ra Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề ‘Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh’.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...