Chăm như chăm em bé
Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 là địa chỉ lưu giữ, bảo tồn nhiều loại cá nước ngọt quý hiếm sông Cửu Long. Những năm qua, từ những thành quả nghiên cứu khoa học của Viện, nhiều giống cá quý hiếm được nhân giống và phổ biến để người dân nuôi thương phẩm.
Tiêu biểu như cá hô, một trong những loại cá quý hiếm đang được nuôi thương phẩm nhiều nhất và dần phổ biến tại ĐBSCL. Bên cạnh đó, các loại cá khác như vồ cờ, trà sóc, ét mọi, bông lau,… cũng được người dân tiến hành nuôi thử nghiệm thương phẩm. Nhờ đó, giảm áp lực khai thác và tái tạo đàn cá trong tự nhiên.
Gia đình chị Võ Thị Hoa Phụng, ở cù lao An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long có truyền thống nuôi thủy sản lồng bè trên sông đã trên hai mươi năm nay. Trong đó, khoảng 10 năm gần đây, gia đình chị chuyển sang nuôi thử nghiệm các loại thủy sản quý hiếm do Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ nghiên cứu.
Chị Phụng cho biết, gia đình đã nuôi thử nghiệm hơn 10 loại cá nước ngọt như: cá hô, cá vồ cờ, cá trà sóc, cá ét mọi, cá cóc, cá chốt, cá trắm, cá lăng, cá bông lau… Qua nuôi thử nghiệm chị thấy, cá do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 thuần dưỡng có phần dễ nuôi hơn các loại cá ngoại nhập (từ Thái Lan) bởi cá thích nghi được với khí hậu, môi trường nước tại ĐBSCL.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của gia đình chị Phụng, mỗi loại cá đều có tập tính, mức độ thích nghi với môi trường khác nhau nên quá trình nuôi cần phải theo dõi, chăm sóc sát sao như chăm bẵm những đứa trẻ vậy.
“Cá hô cực khó nuôi lại dễ bị dị tật, nếu không có con giống uy tín là nuôi rất dễ lỗ do cá không lớn. Thời tiết cũng quan trọng không kém, những tháng lạnh không nên thả cá giống vì cá gần như không ăn. Qua tết thời tiết ấm áp là thời điểm tốt nhất để thả giống”, chị Phụng chia sẻ.
Cần liên kết để có đầu ra ổn định
Các loại cá quý hiếm mặc dù có giá trị rấtcao, được một nhóm nhỏ người tiêu dùng ưa chuộng nhưng đầu ra của loại thuỷ sản này rất hẹp, chỉ giới hạn ở phân khúc tiêu dùng cao cấp như nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp… và phụ thuộc rất nhiều vào thương lái. Do đó, phần lớn người dân nuôi thương phẩm các loại thủy sản quý hiếm, nhất là các loại cá nước ngọt nằm trong sách đỏ phải loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm.
Khác với số đông, năm 2018 thay vì phải ngồi nhà trông chờ thương lái tìm đến mua chị Phụng quyết định thành lập kênh bán hàng Cá Hô Vĩnh Long trên nền tảng các trang mạng xã hội như: Facbook, Zalo, Tiktok và Youtube. Hiện nay, kênh bán hàng Cá Hô Vĩnh Long của chị được người tiêu dùng trong nước tín nhiệm và đặt hàng thường xuyên, mỗi tháng có hàng tấn sản phẩm được xuất đi.
Chị nói, nhờ xây dựng được kênh bán hàng mà người tiêu dùng, thương lái cũng biết đến các loại các đặc sản nhiều hơn. Ngoài tiêu thụ hết số cá được nuôi khoảng 40 bè trong của gia đình, chị cũng thu mua của nhiều hộ khác khó khăn về đầu ra.
Một tín hiệu mừng là gần đây nhiều người thích nuôi các loại cá quý hiếm làm cảnh như: cá hô, cá trà sóc, cá vồ cờ…nên thị trường cá nuôi được mở rộng. “Tôi biết có trường hợp người ta mua cả tấn cá hô để nuôi làm cảnh”, chị Võ Thị Hoa Phụng cho biết thêm.
Hiện nay, cá hô được thu mua theo kích cỡ. Thương lái mua tại bè cá từ 2-5kg/con là 150.000 đồng/kg; từ 6-8kg là 170.000 đồng/kg; 10-13kg là 250.000 – 270.000 đồng/kg; 14-17kg là 350.000 đồng/kg; 18-20kg là 450.000 đồng/kg. Chị Phụng cho biết cá có kích thước càng lớn thì thịt càng ngon nên giá trị càng cao.
Tuy nhiên, thời gian nuôi kéo dài người nuôi sẽ đứng trước các rủi ro khó lường trước như giá cả biến động, cá chết, cá không lớn... Cụ thể, để nuôi cá hô đạt trọng lượng khoảng 10-13kg cần 5 năm, 10-20kg cần 8 năm. Do đó, chị Phụng cho rằng người nông dân để thành công trong nghề nuôi cá đặc sản cần nắm vững kỹ thuật và phải có thị trường trước khi thả giống.