| Hotline: 0983.970.780

Nhiều nông dân chuyển sang nuôi cá nước ngọt tự nhiên, giảm áp lực khai thác

Thứ Năm 06/10/2022 , 11:03 (GMT+7)

Vĩnh Long Nhiều nông dân ở ĐBSCL đang chuyển sang nuôi các loại cá nước ngọt tự nhiên cho thu nhập ổn định và giảm được áp lực khai thác.

Giá cá tăng nhưng không theo kịp giá thức ăn nên người nuôi không có lãi. Ảnh: Minh Đảm.

Giá cá tăng nhưng không theo kịp giá thức ăn nên người nuôi không có lãi. Ảnh: Minh Đảm.

Giá cá tăng nhưng không theo kịp giá thức ăn

Tại ĐBSCL, bên cạnh con cá tra, người nuôi các loại cá nước ngọt như điêu hồng, trắm cỏ, chép đều không vui vì nuôi không lời mặc dù giá tăng. Hiện nay, nông dân nuôi cá cho biết giá cá thương phẩm hầu hết đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, cá điêu hồng đang có giá khoảng 40.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; cá chép giá 46.000 đồng/kg, tăng 11.000 đồng. Riêng cá trắm cỏ có giá ổn định từ 51.000 - 61.000 đồng/kg (tùy kích cỡ cá). Tuy nhiên, giá cá tăng vẫn không theo kịp giá thức ăn nhảy vọt.

Anh Đỗ Văn Nghĩa, nông dân có kinh nghiệm 15 năm nuôi cá lồng bè trên sông hiện anh đang có hơn 10 lồng cá tại xã cù lao An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cho biết: Giá thức ăn đang ở mức 18.300 đồng/kg, tăng 4.700 đồng/kg so với thời điểm giữa năm 2021. Đó là người dân mua tiền mặt, còn nếu mua chịu đến cuối vụ trả sẽ cộng thêm tiền lãi từ 2.000 đồng/kg.

Bể ương cá chốt công nghệ cao của trang trại anh Nguyễn Huy Hùng ở xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Minh Đảm.

Bể ương cá chốt công nghệ cao của trang trại anh Nguyễn Huy Hùng ở xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Minh Đảm.

Anh Nghĩa cho biết, đối với cá điêu hồng thời gian nuôi 6 tháng có hệ số thức ăn từ 1,8-2.0. Do đó chỉ riêng chi phí thức ăn đã lên tới 32.940 – 36.600 đồng/kg cá. Đó là những người nuôi cá giỏi mới đạt được hệ số thức ăn 1,8 còn bình thường là 2.0, cộng với tiền con giống 3.000 đồng/con, như vậy giá thành đã 40.000 đồng/kg. Đó là chưa kể tiền khấu hao chi phí làm bè, tiền điện, thuốc, nhân công. Nuôi cá điêu hồng hiện nay không có lời.

Anh Nghĩa cho biết thêm: Đối với cá chép thời gian nuôi 10 tháng cũng có hệ số thức ăn từ 1,8-2.0; cá trắm cỏ thời gian nuôi 24 tháng, hệ số thức ăn từ 2.8-3.2. Tiền thức ăn thực tế đã tăng cao hơn so với giá cá. Giá thức ăn biến động nên hiện nay hầu hết phải mua bằng tiền mặt các Công ty không bán chịu.

Cá chốt sọc hiện nay đang sốt giá nên người nuôi đạt lợi nhuận khá hơn. Ảnh: Minh Đảm.

Cá chốt sọc hiện nay đang sốt giá nên người nuôi đạt lợi nhuận khá hơn. Ảnh: Minh Đảm.

Cũng theo nông dân này, từ tháng 12/2019 đến tháng 6/2021 do dịch Covid-19, mỗi bè cá điêu hồng thường trên 10 tấn, người nuôi lỗ cả trăm triệu đồng do giá cá thời điểm đó chỉ từ 23.000– 28.000 đồng/kg. “Khu vực của tôi khoảng 50% người nuôi dính nợ, không có khả năng nuôi nữa nên phải rao bán bè. Nhiều chủ đại lý thức ăn bị người nuôi nợ hàng tỷ đồng rất lao đao”, anh Nghĩa chia sẻ.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 2.177,9ha diện tích nuôi thuỷ sản, tăng 2,39% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó diện tích nuôi cá tra thâm canh là 342,3ha, tăng 0,61%. Ước tính 8 tháng năm 2022, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và khai thác đạt 105.097,1 tấn, tăng 3,04% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 100.629,1 tấn, tăng 3,04%.

Nuôi thương phẩm cá chốt, cá heo

Hiện nay, do nuôi cá nước ngọt truyền thống không còn lợi nhuận hấp dẫn như trước đây nên nhiều nông ở ĐBSCL đã chuyển sang nuôi các loại cá tự nhiên hoang dã như: cá chốt, cá heo nước ngọt. Đây là những loại cá ngon, quý hiếm trong tự nhiên và đang được nhiều người nuôi thương phẩm.

Tại trang trại nuôi cá công nghệ cao của anh Nguyễn Huy Hùng (ấp Phước Hanh B, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đang gây nuôi cá chốt trâu và chốt sọc. Anh Hùng chia sẻ, năm qua gặp khó khăn trong nuôi cá điêu hồng thương phẩm, thấy được xu hướng thị trường đang chuộng loại cá chốt sông nên đã chuyển đổi mô hình ương cá giống và nuôi thương phẩm.

Theo anh Hùng, thị trường cá chốt đang rất sốt. Hiện tại cá chốt trâu cỡ 30-40 con/kg có giá 107.000 đồng/kg. Cá chốt sọc cỡ 40 con/kg có giá 120.000 đồng/kg. Cá chốt dễ nuôi, thịt béo nên được thị trường rất ưa chuộng.

Việc phát triển một số loại cá nước ngọt quý hiếm như cá hô, cá chốt, cá heo, cá bông lau đang được nhiều nông dân ở ĐBSCL nuôi rộng rãi. Bên cạnh mở rộng đối tượng nuôi ổn định thu nhập còn giúp giảm áp lực khai thác cá tự nhiên để bảo tồn cho những loài cá này.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.