Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá: Với bề dày truyền thống 75 năm, những năm qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị, tôn chỉ mục đích vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nâng cao dân trí nông thôn.
Đặc biệt, báo đã luôn bám sát các định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, kịp thời phản ánh thông tin toàn diện của ngành, nhất là các lĩnh vực về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)....
Sau khi nghe các đơn vị nêu ý kiến, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đưa ra 4 vấn đề cần tập trung tuyên truyền trong thời gian tới. Đầu tiên là hợp tác xã, theo Thứ trưởng đây là một phần không thể thiếu của nông nghiệp Việt Nam, tuy nhiên đang có nhiều đánh giá chưa đầy đủ.
Do đó, truyền thông cần làm rõ vấn đề này để thấy được hợp tác xã là một mô hình liên kết, tập hợp nông dân và khi tập thể này mạnh thì có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề.
Vấn đề thứ hai mà Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề cập là về cơ giới hóa trong nông nghiệp. Theo ông, hiện nay việc cơ giới hóa mới đang được tập trung vào khu vực trồng lúa, trong khi mục tiêu đề ra đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm chế biến nông nghiệp của thế giới thì cần tăng cường nhiều hơn nữa trong lĩnh vực này.
Về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý, truyền thông phải tập trung làm thế nào để chương trình đem lại giá trị thực chất.
Theo ông, các địa phương không nên quá chú trọng đến các tiêu chí mà quên rằng nâng cao đời sống người dân mới là điều quan trọng nhất. Để giải quyết vấn đề này, Chương trình OCOP ra đời đã góp phần rất nhiều vào việc cải thiện kinh tế nông thôn, cuộc sống của người nông dân ở nông thôn.
Vấn đề cuối cùng mà Thứ trưởng đề cập là về nông nghiệp hữu cơ, cần được quan tâm, truyền thông để làm sao có được kết quả phát triển tốt trong tương lai.
Đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Thạch cảm ơn ý kiến từ các đơn vị của Bộ NN-PTNT cũng như những gợi mở của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trong đó đề cập đến việc nâng cao chất lượng từ đội ngũ phóng viên cho đến cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ công việc để đáp ứng được yêu cầu của công việc trong giai đoạn hiện nay của một cơ quan báo chí chuyên ngành.