| Hotline: 0983.970.780

Thưa lãnh đạo TP Cao Bằng, còn nhiều nơi khác đáng cưỡng chế hơn cây cầu dân tự xây

Thứ Năm 13/06/2019 , 10:00 (GMT+7)

Vừa qua, dư luận ở Cao Bằng xôn xao về một clip trên mạng xã hội việc người dân phản đối đoàn cán bộ đưa máy xúc cưỡng chế cầu dân sinh do người dân tự xây dựng. 

Cây cầu dân sinh người dân tự đóng góp tiền để xây thuộc địa phận tổ 9, phường Đề Thám, TP Cao Bằng. Cây cầu mới rộng 4m, dài 7,5m, dày 30cm thay thế cho cây cầu cũ nằm sát bên, ở vị trí thấp hơn cầu mới khoảng 1m. Là cây cầu cũ nhỏ hẹp, chỉ rộng hơn 1m, đã xuống cấp, hư hỏng lan can thành cầu gây nguy hiểm cho người và phương tiện đi qua, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Người đứng ra hô hào xây dựng là ông Lâm Văn Nhất. Cầu bê tông mới có giá trị khoảng 140 triệu đồng. Do không hiểu biết nên các hộ dân không xin phép mà tự hô hào nhau bỏ tiền ra làm. Thời điểm xây dựng vào trước Tết Nguyên đán 2019 và trong thời gian mấy tuần thi công, không có cán bộ nào đến nhắc nhở.

Cầu dân sinh do nhân dân tự đóng góp xây dựng

Đến ngày 13/3, đại diện UBND phường Đề Thám xuống lập biên bản vi phạm, xây dựng trái phép. Ngày 22/3, ông Nhất nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính Số 824 của Phó Chủ tịch UBND TP. Cao Bằng Lâm Đức Xuân ký.

Nguyên nhân xử phạt được ghi rất rõ tại khoản 2, điều 1 như sau: “Đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Tổ chức thi công xây dựng công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi”, với mức phạt lên đến 40 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu ông Nhất phải dừng thi công công trình và tự tháo dỡ trả lại nguyên trạng ban đầu.

Quyết định xử phạt của ông Lâm Đức Xuân - Phó Chủ tịch UBND TP. Cao Bằng bị cho là chưa thật sự phù hợp với thực tế

Nhưng theo ghi nhận của PV Báo NNVN tại hiện trường, thực tế thì lý do này không phù hợp, bởi công trình cầu mới xây nằm ở vị trí cao hơn cầu cũ hơn 1m, không làm hẹp dòng chảy hay chắn dòng chảy ra vào, không ảnh hưởng tới kè mương thoát nước bên dưới.

Cây cầu mới cao hơn cầu cũ hơn 1m và không ảnh hưởng tới công trình mương thuỷ lợi như quyết định xử phạt nêu 

Đến ngày 22/4, tập thể nhân dân đang sinh sống tại đây đã gửi đơn lên ông Lâm Đức Xuân xem xét, mong muốn được giữ lại cây cầu. Đồng thời cam kết khi nào Nhà nước có nhu cầu sử dụng thu hồi sẽ cam đoan không nhận tiền đền bù và khi cây cầu đưa vào sử dụng sẽ thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

Nhưng ý kiến của nhân dân đã không được ghi nhận. Ngày 7/6, UBND TP. Cao Bằng đã đưa người, máy móc xuống cưỡng chế phá bỏ công trình sai phạm.

Do bị các hộ dân đang sinh sống ở đây và đông đảo người dân ở các khu vực xung quanh phản đối quyết liệt, vì vậy việc cưỡng chế phá dỡ cây cầu dân sinh tự xây này chưa được thực hiện.

Người dân viết đơn kiến nghị mong muốn được giữ lại cây cầu và giao lại cho Nhà nước quản lý khi hoàn thành

Về việc này, ông Nông Xuân Yêm - Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng tỉnh Cao Bằng cho rằng việc người dân muốn làm công trình công cộng, dân sinh như vậy phải làm đơn xin cấp phép xây dựng. Sau đó người dân sẽ được cấp phép tạm thời nếu vị trí xây dựng không ảnh hưởng tới cảnh quan, khu vực chưa thi công dự án khác. Nhà nước có quyền thu hồi, phá bỏ bất cứ khi nào để thực hiện các dự án đã được quy hoạch.

Như vậy, về lý thì người dân sai hoàn toàn và phải chấp hành xử phạt. Tuy nhiên, về vụ việc này thì phải xem xét tuỳ theo mức độ, điều kiện cụ thể, khi đó sẽ đưa ra phương án xử lý hợp lý đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Rõ ràng việc xử lý mạnh tay với người dân trong trường hợp này của Phó Chủ tịch UBND TP. Cao Bằng Lâm Đức Xuân là chưa thật sự phù hợp nên mới gặp phải sự phản đối của quần chúng nhân dân. Trong khi công trình xây dựng cầu dân sinh tự xây kiên cố, to đẹp hơn ở khu vực chưa thực hiện dự án, và người dân cũng cam kết giao công trình cho Nhà nước quản lý khi hoàn thành.

Hành lang QL3 bị lấn chiếm nghiêm trọng, nhưng không bị xử lý

Đại diện TP. Cao Bằng, mà cụ thể cá nhân Phó Chủ tịch Xuân không đưa ra được lý do thoả đáng về việc xử phạt, cưỡng chế phá dỡ cây cầu. Trong khi đó, nhiều nơi khác xảy ra hiện tượng lấn chiếm hành lang, đất lưu không công khai và rất nghiêm trọng. Cụ thể như khu vực cửa ngõ TP Cao Bằng kéo dài dọc theo QL3 đến đường km5 Đề Thám, hay tình trạng xảy ra trong các tuyến phố nội thị…

Tình trạng này cũng được Báo NNVN và các cơ quan truyền thông phản ánh nhiều, cấp bách cần phải xử lý quyết liệt thì lại không xử lý.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.