| Hotline: 0983.970.780

Thúc đẩy sản xuất trái cây sạch xuất khẩu

Thứ Bảy 22/06/2019 , 11:19 (GMT+7)

Nhiều địa phương ở ĐBSCL đã chuyển dần sang hình thức SX trái cây VietGAP, GlobalGAP không sử dụng thuốc BVTV có hàm lượng độc tố cao và ngưng thuốc trước khi thu hoạch từ 20 ngày trở lên. 

Xoài cát Hòa Lộc đã được xuất ngoại.

SX trái cây theo tiêu chuẩn GlobalGAP

Toàn tỉnh Bến Tre có trên 27.000ha cây ăn trái, sản lượng đạt trên 340.000 tấn. Tập trung SX 5 loại cây trồng chủ lực là bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, măng cụt. Trong đó có hơn 330ha được chứng nhận GAP như,bưởi da xanh, chôm chôm…

Huyện Châu Thành có diện tích tự nhiên là 22.482ha, với khoảng 175.000 người, trong đó diện tích đất nông nghiệp 15.795ha chiếm trên 70%. Điều này cho thấy nền kinh tế của huyện chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính. Bên cạnh đó, việc phát triển nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng của huyện thời gian qua đaã có bước chuyển biến rất rõ nét. Nhiều mô hình SX cây trái VietGAP theo hình thức THT, HTX đã được người dân quan tâm phát triển. Bởi mô hình này đã cho năng suất trái cây vượt trội, đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu ra nước ngoài.

Ông Thái Văn Quý, người trồng bưởi da xanh ngụ xã Tân Phú, hồ hởi: Mấy năm trước việc trái cây được mùa mà không được giá, hay được giá mất mùa khiến người trồng rất đắn đo, nhiều khi muốn chặt bỏ để trồng cây khác. Nhưng khi được địa phương vận động, tôi giữ lại và chuyển sang hướng SX trái cây GlobalGAP, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trái cây thu hoạch không có hàm lượng độc tố, đạt tiêu chuẩn trái cây sạch, nên được thương lái ở TP.HCM xuống tận vườn mua để xuất khẩu.

Theo ông Quý, quy trình SX trái cây của gia đình ông đều được hướng dẫn của Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, quy định rất rõ về quá trình phun xịt thuốc BVTV và ngưng thuốc trước thời gian thu hoạch từ 20 ngày trở lên. Đặc biệt, khi lái đến vườn thu mua, thì họ test, nếu vườn nào không đạt tiêu chuẩn chất lượng sẽ không thu mua.

“Thương lái làm việc rất chuyên nghiệp, họ thu mua trái cây xuất khẩu ra nước ngoài với giá cao hơn thị trường nội hơn 9%. Vì vậy, họ kiểm tra nghiêm ngặt lắm, đủ tiêu chuẩn chất lượng mới thu mua. Do đó, nông dân chúng tôi luôn tuân thủ quy định mà họ đặt ra”, ông Quý thông tin.

Tỉnh Bến Tre đang tập trung SX sầu riêng theo hướng GlobalGAP.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, nhà vườn trồng sầu riêng ở thị trấn Châu Thành, cho biết: “Thực ra, SX trái cây xuất khẩu không khó. Điều quan trọng là do ý thức của nông dân mình, nếu tuân thủ những quy định của ngành nông nghiệp và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật SX theo quy trình và có sự giám sát chặt chẽ thì chất lượng trái cây sẽ đạt tốt và đủ điều kiện để xuất sang các thị trường ngoại thôi. Đặc biệt, nếu được doanh nghiệp ký kết thu mua sản phẩm thì giá cao hơn bán ở trong nước rất nhiều và nông dân không lo sợ bị thương lái ép giá”.

Ông Hồng Quốc, thương lái chuyên thu mua trái cây để xuất khẩu TP. Bến Tre cho hay: “Hiện nay, trái cây Bến Tre nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung đã dần chiếm được vị trí tại một số thị trường ngoại. Thậm chí, còn vươn xa sang các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ… bởi trái cây vùng ĐBSCL đã khẳng định được uy tín là vùng SX trái cây sạch, đảm bảo các điều kiện mà nước ngoài quy định. Đáng chú ý là đạt được những tiêu chuẩn về ATTP”.

Bưởi da xanh Bến Tre đủ điều kiện xuất ngoại.

Ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành cho biết: “Huyện Châu Thành luôn chú trọng đến việc SX cây trái sạch, chuẩn chất lượng ở địa phương. Vì vậy, chúng tôi đã quy hoạch vùng SX cây trái hướng VietGAP theo mô hình nông nghiệp sạch, đủ điều kiện để xuất khẩu và được kiểm soát chặt chẽ và đảm bảo các điều kiện về ATTP. Có nhiều doanh nghiệp thu mua trái cây đã có cái nhìn rất thiện ý về vùng trái cây sạch của huyện Châu Thành”.

Tập trung phát triển nông sản chủ lực để xuất ngoại

Nông dân ở Bến Tre đã dần thấy được lợi ích và chú trọng SX cây trái theo hướng GlobalGAP. Đây là mô hình SX trái cây theo hướng an toàn, lành mạnh đối với sức khỏe người tiêu dùng. SX trái cây theo loại hình này sẽ đáp ứng được những yêu cầu về việc sử dụng công nghệ SX, làm giảm tác động của việc canh tác ra môi trường xung quanh, nhất là môi trường đất và nước. Đồng thời, giảm thiểu đến mức thấp nhất việc nông dân sử dụng hóa chất để phun xịt cho cây trồng, đảm bảo sức khỏe của người lao động.

Chôm chôm cũng là loại trái cây chinh phục thị trường khó tính.

Ông Lê Hoàng Bá, 47 tuổi, Tổ trưởng THT SX sầu riêng ấp Phú Đa, phấn khởi: “Nhờ chủ trương đúng đắn và sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, đã giúp người dân được tiếp cận với kỹ thuật SX nên đến nay, đời sống của các thành viên trong THT đều ổn định. Sau mỗi vụ thu hoạch, trừ chi phí, mỗi thành viên THT có lãi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Chúng tôi đang hướng đến việc SX trái cây theo mô hình GlobalGAP, bởi đảm bảo được sức khỏe cho người lao động và duy trì sự màu mỡ của đất. Chúng tôi, đặt mục tiêu đưa trái sầu riêng Vĩnh Bình xâm nhập thị trường ngoài nước”.

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách cho biết: “Ngành nông nghiệp Chợ Lách rất quan tâm đến GlobalGAP, vì mô hình này rất tiện ích, giúp cho trái cây của địa phương vươn xa ra thế giới. Đặc biệt, GlobalGAP sẽ hạn chế được việc sử dụng thuốc BVTV, từ đó sẽ giữ được độ phì nhiêu, màu mỡ của đất trồng”.

Tỉnh Tiền Giang là một trong những vùng SX trái cây trọng điểm của vùng ĐBSCL, đáng chú ý là việc trồng thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gần 5.000ha (trên 95ha xuất sang thị trường Mỹ). Trong đó, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Ngoài thanh long, Tiền Giang còn có một số loại trái cây mang thương hiệu nổi tiếng đã vươn ra thị trường thế giới như bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn, chôm chôm, xoài cát Hòa Lộc giá cao hơn thị trường nội địa 8%. Điều này tiếp thêm động lực cho nông dân địa phương thúc đẩy việc SX trái cây.

Ông Nguyễn Tuấn Huy, người trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo nói: “Để trái thanh long đi Mỹ thật không đơn giản. Chúng tôi phải SX trái cây theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc BVTV có độc tố cao, đặc biệt, khi thu hoạch, trái thanh long phải được kiểm định nếu còn dư lượng thuốc tồn dư, thương lái sẽ không mua. Vì nếu có xuất sang Mỹ, bên đó cũng trả về. Khâu SX rất được chú trọng, để đảm bảo uy tín, hình ảnh của trái thanh long Tiền Giang”.

 SX trái cây sạch, góp phần tạo dựng được vị thế sản phẩm trên thị trường khó tính

Ông Trần Anh Cường, chủ một doanh nghiệp thu mua trái cây xuất khẩu ở TX. Cai Lậy cho biết: “Điều kiện để chúng tôi thu mua trái cây tại các nhà vườn rất nghiêm khắc, đảm bảo các điều kiện quy định của nước ngoài, nhất là điều kiện về ATTP. Trái cây có hàm lượng thuốc BVTV tồn dư là họ cắt đơn hàng ngay. Với mục tiêu lâu dài, ngành nông nghiệp Tiền Giang đã có những động thái tích cực trong việc phát triển trái cây sạch xuất sang các thị trường khó tính như tuyên truyền nâng cao nhận thức nông dân, tập huấn chuyển giao kỹ thuật… Nhờ đó, trái cây Tiền Giang đã đủ điều kiện xuất ngoại”.

Ông Dương Văn Phúc, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Bến Tre) thông tin, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững sẽ đem lại một nền nông nghiệp tăng trưởng, phát triển nhanh, ổn định và tăng thu nhập cho người nông dân. Huyện chú trọng củng cố và đẩy mạnh hình thức hoạt động kinh tế tập thể như HTX, THT, kết hợp với hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Tập trung chuyển giao kỹ thuât cho nông dân SX trái cây theo hướng GlobalGAP đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu hàng hoá và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Sản phẩm nông nghiệp phải đạt chất lượng, tập trung SX theo quy mô, tăng sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

“Huyện Châu Thành đang khai thác sử dụng phân hữu cơ làm tăng độ màu mỡ cho đất, xử lý nguồn nước, canh tác theo hướng sạch. Song song đó, việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV phải nằm trong danh mục cho phép sử dụng, nhằm đạt chất lượng ATTP và môi trường”, ông Phúc nhấn mạnh.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.