| Hotline: 0983.970.780

Thung lũng trường sinh

Thứ Ba 29/06/2010 , 14:02 (GMT+7)

Lưng trời Lũng Vân (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) quanh năm mây phủ thường được gọi bằng cái tên kỳ lạ: Thung lũng trường sinh, thung lũng của những người tuổi già dường như bất tận.

Lưng trời Lũng Vân (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) quanh năm mây phủ thường được gọi bằng cái tên kỳ lạ: Thung lũng trường sinh, thung lũng của những người tuổi già dường như bất tận.

Năm nay đã 113 tuổi nhưng cụ Hệu vẫn còn minh mẫn.

Những người sống xuyên thế kỷ

Trước khi vào Lũng Vân tôi được nghe khá nhiều câu chuyện ly kỳ. Vùng đất vốn nghèo truyền kiếp, những gia đình quanh năm chạy ăn, những cụ già gần trọn đời người vẫn chưa thỏa mãn giấc mơ có được bữa ăn sung túc. Vậy mà họ cứ lầm lũi sống đến số tuổi mà những nhà giàu nứt vách cũng phải ước mơ.

Ông Đinh Thanh Dứng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã khoe rằng chẳng nơi đâu nhiều lụa Chủ tịch nước tặng những người sống thọ hơn 100 tuổi như ở Lũng Vân. Cả xã chưa đầy 400 nếp nhà sàn thì đã có hơn 30 cụ bà, cụ ông sống vượt qua một thế kỷ. Đến nỗi, những ai đến đây đều có cảm tưởng các cụ già đua nhau sống qua tuổi 100. Những người thọ tám, chín mươi tuổi thì chưa thể thống kê hết. Người còn, người đã mất nhưng suốt bao năm qua, Lũng Vân luôn đứng đầu cả xứ Mường về kỷ lục người cao tuổi nhất. Hết sức tự hào, ông Dứng bảo Lũng Vân dường như có những người cải lão hoàn đồng.

Nhà cụ bà Đinh Thị Hệu ở cuối xóm Hượp. Khi tôi đến tìm thì chẳng thể tin khi ông con trai báo là bà cụ 113 tuổi đang đi lấy nước nấu rượu. Cụ ông đã mất từ năm 1972, vậy mà gần 40 năm sau cụ bà vẫn chưa chịu về… đoàn tụ. Kỳ lạ hơn khi cụ mở đầu câu chuyện bằng lời khẳng định: “Chưa bao giờ nghĩ đến cái chết”.

Cụ Hệu sinh năm 1896, hiện sống với gia đình người con trai là ông Đinh Văn Nhển. Dù là con trai thứ 6 trong gia đình nhưng ông Nhên năm nay cũng đã 71 tuổi. Thấy tôi giơ máy ảnh định chụp, cụ khoát tay rồi bảo người cháu dâu lấy giúp áo mới để thay. Từ bao đời nay nhà cụ Hệu làm nghề bốc thuốc nam gia truyền. Khi thấy mình đã quá già cụ truyền nghề cho ông Nhển. Cây thuốc ngày xưa chỉ lên rừng hái, nhưng về sau cụ có trồng thêm nhiều loại ở vườn nhà. Ngày ngày cụ vẫn tự mình chăm vườn vì sợ con cháu nhổ nhầm cây thuốc khi dọn cỏ. Cứ đều đặn, mỗi ngày cụ Hệu vẫn đầy đủ 3 bát cơm và vài chén rượu được ngâm chung với một ít rễ cây rừng. Hỏi cụ sức khỏe thế nào, cụ tủm tỉm cười rồi chắc nịch: “Tôi còn phải sống thêm cả chục năm nữa”.

Người Lũng Vân ai cũng có đôi chân rất khoẻ. Từ xưa nay, dù đi gần đi xa, họ đều đi bộ. Ngày xưa, khi chưa có chợ Lồ nằm dưới Địch Giáo, mỗi năm người Lũng Vân chỉ đi chợ một lần, xuống tận chợ Bờ. Chợ Bờ chính là thành phố Hoà Bình ngày nay. Cũng chính vì sức khỏe như thế mà người ta vẫn gọi Lũng Vân là thung lũng tu tiên.

Bà Hệu có một “cô bạn” thân ở xóm Bách là cụ bà Hà Thị Ỉn. Cụ Ỉn nhỏ hơn cụ Hệu bốn tuổi (109 tuổi). Chừng bốn, năm năm nay, do chân yếu, đường xa nên hai cụ không còn lui tới viếng thăm nhau được. Tuy chân yếu, tai lãng nhưng cụ Ỉn vẫn còn rất minh mẫn.

Thấy cả đoàn đông đảo đến nhà, cụ nói đã bảy lần cụ được người của Nhà nước đến nhà tặng gấm lụa. Thành thử mới có chuyện hằng năm Lũng Vân vẫn đều đặn nhận lụa cho các cụ trên 100 tuổi đã quá bình thường.

Bí quyết… nghèo

Có một điều lạ là dù có số người trên 100 tuổi vào loại kỷ lục nhưng ở Lũng Vân, từ cán bộ đến người dân khi được hỏi bí quyết thì ai nấy đều lắc đầu. Ngay chủ nhân của những kỷ lục sống thọ như cụ Hệu, cụ Ỉn cũng chẳng rõ nhờ đâu mình “sống mãi với thời gian”.

Rễ cây rừng nấu nước được xem là bí quyết trường thọ của dân Lũng Vân.

Nhưng có một bí quyết mà dân Lũng Vân dù không muốn cũng phải dùng từ bao đời nay. Đó là nghèo. Nghe hơi lạ nhưng như chính lời ông Nhển thì Lũng Vân đói nghèo đến mức cơm không có mà ăn vậy mà người ta vẫn lầm lũi sống hết đời này đến đời khác. Chính cụ Hệu nhà ông, bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu mùa giáp hạt cụ phải gồng mình chống chọi với cái đói nhưng: Vẫn sống khỏe.

Ông Nhển kể rằng từ xa xưa, thung lũng Lũng Vân là kết quả cuộc trốn chạy của một nhà dân phạm tội với nhà lang (quan lại người Mường trong chế độ cũ). Thuở ấy, nhà lang xứ Mường Bống ở đất Lạc Sơn cho dựng một con đập dẫn nước về các ruộng bậc thang lẩn khuất trong các thung khe nách núi, làm nước tưới tiêu, sinh hoạt. Lũ trẻ Mường Bống rủ nhau tắm trên đập, chui luồn như rái cá trong cái cống dẫn nước bắc ngang qua chân núi. Một nhà dân thuộc họ Bùi Văn vô tình đan một cái đó chặn một đầu bên kia miệng cống. Lũ trẻ mải đùa, bị giắt và cái ngõ hầu ấy làm chết 9 thằng bé con. Nhà lang phạt vạ, bắt nhà họ Bùi kia đan đủ 9 cái đó, mỗi năm nộp lúa, ngô... quy ra bạc vàng đầy 9 đó đặng nộp vạ cho Mường... Một mùa lúa mới, vào một đêm tối trời, nhà họ Bùi gùi chín gùi lúa mới, bồng bế nhau bỏ Mường, trốn nhà lang. Họ đi miết cho tới khi lạc vào một vùng hoang vu rậm rạp nằm trong thung lũng. Nghe tiếng cuốc kêu, họ Bùi mới nghĩ: Vùng này ắt hẳn có nước! Thế rồi, già trẻ, lớn bé họ Bùi Văn ở lại. Đấy là thung lũng Lũng Vân ngày nay. Con cuốc chỉ đường cho người trốn vạ nhà lang do đó mà được nhà Bùi Văn nhớ ơn, không bao giờ ăn thịt...

Truyền thuyết là thế, nhưng ông Nhển lại bảo là thế hệ bà cụ Hệu nhà ông không ăn thịt chắc là vì quá nghèo. Bởi đơn giản, thời các cụ muốn ăn cũng khó nên những bí quyết cứ theo lẽ tự nhiên mà thành chứ thực chất chẳng phải công phu hay kinh nghiệm gì. Nhìn vào “thực đơn” của cụ Hệu khi gia đình ông Nhển có miếng ăn miếng để mới biết lời ông nói không sai. Bởi lẽ ngày ngày bên cạnh các món rau truyền thống thì món ăn khoái khẩu của cụ là… thịt mỡ. Thành ra nói bí quyết trường thọ của dân Lũng Vân là do không ăn thịt xem ra bắt nguồn từ cuộc sống khó khăn. Mà khó khăn thì ở Lũng Vân đã thành truyền kiếp. Hơn 400 hộ dân hầu hết đều mang họ Bùi, dòng họ “đại diện” cho cái nghèo đeo bám dai dẳng bao đời qua. Đó cũng là dòng họ đối trọng với danh gia vọng tộc của dòng họ Đinh, dòng họ của quan lang xứ Mường.

Trong câu chuyện của các bậc cao niên ở Lũng Vân, có một chi tiết làm tôi chú ý, đó là gần như ở mọi bếp nhà đều dùng một thứ thức uống thường xuyên. Đó là nước lá trộn với vỏ cây mà ông Nhển nói rằng “đàn bà uống vào nhiều sữa, đàn ông uống vào tráng kiện”. Lá trên núi, vỏ cây trong rừng, dân Lũng Vân không có tên gọi cụ thể cho từng loại nhưng quanh năm uống bằng thứ nước ấy. Và chỉ có họ mới biết lá nào, vào mùa nào là không nên hái. Thời tiết ở Lũng Vân gần như lạnh quanh năm, nên việc uống nước nấu nóng là lẽ tự nhiên. Vào những ngày trời ấm thì người ta vẫn uống trực tiếp nguồn nước chảy ra từ các khe đá. Từ bao đời dân Lũng Vân gần như tách biệt với thế giới bên ngoài nên đây cũng là vùng đất “tự sản tự tiêu”: Rau ăn lấy từ vườn, cá nuôi trong ao, gà nuôi trong chuồng, và gạo thì từ nương...

Buổi tối hôm ấy, ông Nhển nằng nặc giữ tôi ở lại dùng cơm với gia đình. Bữa cơm đạm bạc và cụ Hệu cũng ngồi ăn chung với khách. Nhìn cụ bà đã 113 tuổi và cơm ngon lành mới biết tuổi thọ không phụ thuộc vào tiền.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm