| Hotline: 0983.970.780

Dưới những công trình thủy lợi kỳ vĩ

'Huyền ảo' đập Phước Hoà

Thứ Hai 31/10/2022 , 09:16 (GMT+7)

Đứng trên cầu, nhìn dòng nước đổ xuống miệng cửa tràn hình 'hoa hướng dương' sâu hút phía dưới, làm bốc lên làn hơi nước mờ ảo như khói sương, cảm giác 'chếnh choáng' say.

Ảnh chụp Màn hình 2022-10-30 lúc 16.38.00

Toàn cảnh đập Phước Hòa. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Đó là hồ thuỷ lợi Phước Hòa, nằm trên địa bàn tỉnh Bình Phước, Bình Dương. Khánh thành cách đây 11 năm, công trình có thiết kế “độc đáo”, lạ mắt với cửa tràn hình bông hoa hướng dương. Nhưng nhiều người lại đặt cho nó cái tên đập cá mập, cá sấu, bởi nhìn giống 2 hàm răng cá sấu, cá mập.

Huyền ảo và “ma mị”

Bài liên quan

Công trình thủy lợi Phước Hòa hoàn thành cuối năm 2011 bằng việc chặn dòng sông Bé ở xã An Thái, huyện Phú Giáo, Bình Dương. Hồ có diện tích hơn 2.000ha, nằm trên địa bàn các huyện Bình Long, Chơn Thành (Bình Phước) và Phú Giáo, Bến Cát (Bình Dương).

Đây là công trình thủy lợi đầu tiên của cả nước có chức năng chuyển nước từ sông này qua sông khác, hồ tiếp nước cho hồ. Đó là nước từ sông Bé được chuyển sang sông Sài Gòn, từ hồ Phước Hòa sang hồ Dầu Tiếng.

Thỉnh thoảng, khi đi tác nghiệp ở Bình Dương, Bình Phước, ngang qua con đập này, tôi lại dừng xe, đứng trên cầu chạy ngang đập, nhìn như thôi miên xuống dưới. Đó là cửa tràn được thiết kế hình những cánh cung xếp liền. Có người thấy giống hoa hướng dương, người thấy giống hoa sen, nhưng lại có người cho rằng giống hàm răng cá sấu, cá mập hơn.

Mỗi khi đập xả, nước từ cửa tràn đổ xuống dưới cách gần 20m, hơi nước tạo thành những đám mây bảng lảng bốc lên. Tưởng tượng như đang ở trên 9 tầng mây, hoặc như đang ở chốn bồng lai không có thật.

“Tôi đi khắp cả nước rồi, tận mắt thấy nhiều công trình thuỷ lợi đẹp như tranh, nhưng cống đập tràn thì có lẽ Phước Hòa là độc nhất, không giống đâu cả. Phải đến vào lúc chiều tà, lúc hoàng hôn, và đúng dịp hồ xả nước, đứng trên nhìn mãi không chán.

Ngoài âm thanh từ dòng nước tuôn chảy ầm ầm, vang dội bên tai, cảm giác như đang đứng dưới một dòng thác nào đó ở Tây Nguyên, thì hình ảnh nước chảy dưới miệng “bông hoa” cũng vô cùng huyền ảo.

Nếu hôm nào may mắn, có thấy cầu vồng chiếu nữa thì không có bút nào tả hết cái đẹp, cái siêu thực, 'ma mị' của nó. Khung cảnh như chốn bồng lai, hay cảnh trong phim Tây Du ký”, anh Trần Thắng, anh bạn đồng nghiệp ở Bình Dương, mô tả.

Ảnh chụp Màn hình 2022-10-30 lúc 16.36.24

Công trình nhìn từ trên cao. Ảnh: Hồng Thủy.

Không chỉ có khu đập chính đẹp huyền ảo, toàn bộ công trình cũng kéo dài hơn 40km, xuống đến hồ Dầu Tiếng, cũng đẹp không kém với con đường bê tông 2 bên kênh uốn lượn, nhiều đoạn cua, gấp khúc bởi địa hình trước khi đổ nước vào hồ Dầu Tiếng với lưu lượng khoảng 50m3/s, tạo nên công trình thủy lợi liên hoàn Dầu Tiếng - Phước Hòa.

Trên con kênh này, có 2 cây cầu máng hiện giữ kỷ lục cầu máng cao nhất Việt Nam, đó là cầu máng suối Căm Xe (địa bàn xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương), cầu dài 700m, từ mặt kênh đến mặt cầu cao trên 19m, giữ kỷ lục quốc gia về chiều cao cầu máng, tốc độ chuyển nước 55m3/s. Chiếc cầu máng thứ 2 bắc qua Suối Thôn, thuộc địa bàn xã Tân Long, Phú Giáo. Chiều cao 16m từ mặt suối đến cầu.

Ảnh chụp Màn hình 2022-10-30 lúc 16.37.30

Đây là con đập thuỷ lợi có thiết kế độc đáo nhất Việt Nam. Ảnh: Hồng Thuỷ. 

Ông Trần Văn Tuấn, năm nay 70 tuổi, ngư dân trên dòng sông Bé xưa, nhà ở xã An Thái, huyện Phú Giáo, Bình Dương, nhớ lại: “Hồi đó nghe nói chặn dòng sông Bé làm hồ thuỷ lợi, bà con ai cũng bảo, sông sâu thế sao chặn? Vì 2 bên nhiều chỗ từ trên xuống đến mặt nước cả mấy chục mét, mướt mồ hôi mới đến bờ sông.

Từ lúc nghe nói làm hồ, tôi còn trẻ, mới lấy vợ, đến khi đầu bạc, con cái lớn rồi rồi vẫn chưa thấy gì, nghĩ chắc không làm. Ai ngờ năm 2008, thấy từng đoàn người, máy móc ồ ạt vào làm, có mấy năm là xong. Nhà nước tài thật! Ngày xưa chưa có đập, chưa có cầu, đi từ đây qua Tây Ninh, Bình Phước phải đi vòng xa lắm, giờ vèo qua cầu là sang đến đất Tây Ninh rồi”.

IMG_20160512_125210

Ông Trần Văn Tuấn: "Hồi đó cứ tưởng không làm được, ai ngờ làm có mấy năm là xong". Ảnh: Hồng Thủy.

Tháng 9/2020, tỉnh Bình Phước triển khai dự án đường giao thông kết hợp du lịch hồ thủy lợi Phước Hòa với 6 tuyến đường, trong đó có 4 tuyến nội bộ dọc theo 2 bên bờ Sông Bé. Đến nay, đã có 3/4 tuyến đường chính của dự án dọc 2 bên bờ sông Bé được triển khai thi công, đạt khoảng 70% tổng chiều dài các tuyến đường. Dự án mang tầm chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước, tạo điểm nhấn về phát triển du lịch. Dự án nhằm phục vụ chiến lược công nghiệp hóa, thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển, kết nối các khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn huyện Chơn Thành và thành phố Đồng Xoài.

“Giấc mơ” gần ¼ thế kỷ

Ít ai biết, công trình thuỷ lợi Phước Hòa và Dầu Tiếng, tuy ra đời cách nhau ¼ thế kỷ, nhưng lại có nhiều điểm khó khăn giống nhau. Đó là khó khăn về vốn, bất đồng quan điểm về tính khả thi.

Ảnh chụp Màn hình 2022-10-30 lúc 16.36.34

Con kênh dẫn nước về hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Hồng Thủy.

Năm 1987, đơn vị khảo sát thiết kế khi đó là Đoàn khảo sát thiết kế Nam Bộ (đơn vị thiết kế công trình hồ Dầu Tiếng, nay là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng thủy lợi II) khẳng định công trình khả thi, có thể lấy nước từ sông Bé “tiếp viện” cho hồ Dầu Tiếng rồi chuyển về TP.HCM, Long An, Bình Dương.

Tuy nhiên, bảo báo cáo tiền khả thi của đơn vị thiết kế đã vấp phải sự phản đối với quan điểm cho rằng dự án là phiêu lưu, vì dòng sông Bé có địa thế là một khe rất sâu, việc lấy nước rất khó khăn, chưa kể vốn đầu tư rất lớn, thi công cũng là vấn đề không nhỏ.

Theo lời kể của kỹ sư Nguyễn Xuân Hùng, trưởng đoàn khảo sát, thiết kế công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng, công trình thuỷ lợi Phước Hòa nằm phần lớn trên đất Sông Bé (Bình Dương ngày nay), nhưng phục vụ cho tỉnh này lại không đáng kể, vì kênh chính dẫn nước chủ yếu đi qua các vườn cao su, loại cây không cần tưới. Một khó khăn khác khi vay vốn là vấn đề thu hồi vốn, vì công trình phục vụ nông nghiệp là chính, trong khi diện tích tưới cho nông nghiệp lại không đáng kể.

Ngoài ra, còn những khó khăn khác như kinh tế thế giới suy thoái đẩy giá nguyên vật liệu lên cao, giá đất đền bù giải tỏa biến động, việc tổ chức thi công với quy mô công trường trải dài trên 50 cây số qua nhiều địa hình phức tạp, trong khi yêu cầu thời gian thi công gấp rút trước sự giám sát chặt của tổ tư vấn giám sát quốc tế.

Ảnh chụp Màn hình 2022-10-30 lúc 16.36.57

Người dân dánh bắt thuỷ sản dưới ở khu vực hồ chứa Phước Hòa. Ảnh: Hồng Thủy.

“Dự án phải di dời hàng trăm hộ dân ở Bình Dương, Bình Phước. Trong khi đó, tất cả các hoạt động về công tác đền bù hỗ trợ và tái định cư phải được tư vấn giám sát độc lập, đánh giá, báo cáo để nhà tài trợ xem xét chấp thuận trước khi thực hiện đền bù và đồng ý trao hợp đồng các gói thầu xây lắp. Vì những khó khăn ấy mà mãi đến năm 2005 mới chính thức vay được tiền. Mất 3 năm giải phóng mặt bằng, đến năm 2008, tức 21 năm, sau khi có báo cáo tiền khả thi, công trình thủy lợi Phước Hòa mới chính thức khởi công”, kỹ sư Hùng nói.

Sau 3 năm thi công tích cực, với nhiều khó khăn phức tạp về trình tự thủ tục xây dựng cơ bản của Việt Nam và quy định của nhà tài trợ, về đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, địa hình, địa chất vô cùng bất lợi, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ. Nhưng cuối cùng, dự án cũng hoàn thành giai đoạn đầu tiên với các hạng mục đầu mối, kênh chuyển nước từ hồ Phước Hòa về hồ Dầu Tiếng, kênh Chính Tân Biên.

Ảnh chụp Màn hình 2022-10-30 lúc 10.55.50

 Tấm bảng ghi thông tin công trình đập Phước Hoà khá chi tiết. Những lão thành tham gia công trình Dầu Tiếng cũng mong có 1 tấm bảng thế này ngay tại vị trí ngày 29/4/1981, cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Huỳnh Tấn Phát vung nhát cuốc đầu tiên khởi công công trình Dầu Tiếng. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo kỹ sư Hùng, Phước Hoà là dự án thủy lợi thực hiện việc chuyển nước lưu vực đầu tiên tại Việt Nam với các công trình truyền nước kỹ thuật phức tạp như cầu máng lớn và cao nhất tính đến thời điểm này trong lĩnh vực thủy lợi (cầu máng tải cao 19m, dài 50km, tải max 6,4 triệu m3/ngày).

Hồ có nhiệm vụ cấp nước thô cho nhu cầu dân sinh và công nghiệp với gần 1,3 triệu m3/ngày cho Bình Dương; 432.000m3/ngày cho Bình Phước; 350.000m3/ngày cho Long An; 300.000m3/ngày cho Tây Ninh và 900.000m3/ngày cho TP.HCM. Tưới 29.000ha đất nông nghiệp mở mới của huyện Tân Biên (Tây Ninh), Đức Hòa (Long An) và 900ha xã Thái Mỹ (Củ Chi, TP.HCM). Xả cho dòng chảy môi trường ở hạ du sông Bé tối thiểu 14m3/giây tương đương 1,21 triệu m3/ngày và xả cho hạ du sông Sài Gòn 16,3m3/giây tương đương 1,38 triệu m3/ngày để góp phần xả mặn. 

“Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra khốc liệt, hạn hán, xâm nhập mặn, lượng mưa giảm đã có lúc khiến lượng nước tích trong hồ Dầu Tiếng chỉ đạt 85% công suất thiết kế. Nhưng nhờ được tiếp nước từ hồ Phước Hòa, hồ Dầu Tiếng chủ động được nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất và tưới tiêu theo nhu cầu mà không sợ thiếu hụt trong mùa khô hạn, ít mưa. Ngoài ra, việc bổ sung nguồn nước từ hồ Phước Hòa sang Dầu Tiếng còn giúp đẩy mặn xuống phía hạ du trên sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn hiệu quả hơn”, ông Trần Quang Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam, đơn vị quản lý, vận hành công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.