| Hotline: 0983.970.780

Dưới những công trình thủy lợi kỳ vĩ

Nâng tầm công trình thế kỷ

Thứ Sáu 28/10/2022 , 10:32 (GMT+7)

Mục đích ban đầu của công trình hồ Dầu Tiếng là phục vụ nông nghiệp, sinh hoạt, đẩy mặn, điều tiết lũ, nhưng nay đã được nâng tầm thành công trình đa mục tiêu.

Ảnh chụp Màn hình 2022-10-25 lúc 20.25.06

Kênh Đông, đoạn chảy qua thị trấn Dương Minh Châu. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Đó là phát triển năng lượng sạch, khai khoáng, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái...

Hồi sinh những vùng đất “chết”

Bài liên quan

Thời điểm xây dựng hồ Dầu Tiếng, ông Trần Việt Biên (Bảy Biên, sinh năm 1942, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh), đang là Bí thư Tỉnh đoàn Tây Ninh, là một trong số những cán bộ chủ chốt của tỉnh toàn tâm ủng hộ dự án xây dựng hồ Dầu Tiếng, kể: “Trước khi có hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh là tỉnh khó khăn bậc nhất khu vực miền Đông Nam bộ. Do địa chất phần lớn là núi, đồi, đất bạc màu, khí hậu khắc nghiệt. Nguồn nước cung cấp duy nhất là sông Sài Gòn, nhưng lòng sông sâu, hẹp rất khó khai thác. Do điều kiện như vậy nên Tây Ninh chỉ trồng được 1 vụ lúa ở dọc hai bên sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn, nhưng diện tích không nhiều, năng suất thấp. Tương tự, các loại hoa màu, cây ăn trái cũng èo uột, không phát triển nổi vì thiếu nước.

Sau khi hồ Dầu Tiếng mở nước, nhiều cánh đồng hoang hoá ở vùng đất cao đã được hồi sinh, lúa tăng lên 2 rồi 3 vụ/năm, năng suất đạt 5-6 tấn/ha. Những cánh đồng mía, mì bạt ngàn, vườn hoa màu, cây ăn trái các loại sum xuê. Đời sống nhân dân Tây Ninh thay đổi nhờ hồ Dầu Tiếng là điều mà ai cũng thấy”.

Nhờ nguồn nước từ hồ mà nhiều vùng đất của Tây Ninh đã thay da đổi thịt, cuộc sống đi lên từng ngày. Từ vùng đất khô cằn nắng cháy, đất đai bỏ hoang, Tây Ninh dần được biết đến với những vùng trồng cây ăn trái, cây công nghiệp xanh tốt bạt ngàn như nhãn, bưởi da xanh, sầu riêng, mãng cầu, mía... không thua kém tỉnh nào ở khu vực miền Đông.

Nằm sát bờ hồ Dầu Tiếng, bên dòng kênh chính Đông, xã Phước Minh và Phước Ninh của huyện Dương Minh Châu là những địa phương đầu tiên được “uống nước” hồ. Không chỉ lúa trồng 3 vụ/năm với năng suất khá, mà hàng ngàn ha cây trồng các loại cũng phát triển mạnh nhờ đủ nước.  Ngoài ra, hàng trăm hộ dân khấm khá nhờ đào ao nuôi cá, ba ba và đánh bắt sản vật trên lòng hồ.

IMG_1530

Ông Trần Văn Hùng, ở xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu cho biết, nhờ nguồn nước hồ Dầu Tiếng, ông đào ao nuôi ba ba từ chục năm nay và ngày càng khấm khá. Ảnh: Hồng Thủy. 

Ông Trần Văn Hùng, một lão nông ở xã Phước Minh, nuôi ba ba từ hơn chục năm nay, cho biết, do ao nằm thấp hơn mực nước hồ nên việc lấy nước từ hồ, thay nước rất đơn giản. Không chỉ thế, ba ba nuôi lớn nhanh, ít bệnh, và chất lượng thịt ngon hơn nuôi ở các vùng khác.

“Xã này nếu ai có vườn rộng thì trồng cây ăn trái, ít đất như tôi thì đào ao nuôi cá. Bây giờ chỉ cần có chút đất canh tác thì chắc chắn không lo đói, nếu làm ăn giỏi thì ngày càng khá chứ không phải như ngày xưa không có nước, muốn làm gì cũng không làm nổi. Quanh đây không chỉ nuôi thuỷ sản, mà trồng trọt cũng nhiều hộ khá, giàu”, ông Hùng nói.

Ông Đặng Hồng Phước, ở xã Truông Mít, nguyên là chỉ huy trưởng công trường xây dựng hồ Dầu Tiếng cấp xã thời điểm năm 1981, nhớ lại: “Trước khi có hồ, Truông Mít là xã khó khăn bậc nhất của tỉnh, vì địa thế, thổ nhưỡng, 1 năm sáu tháng mùa khô, ruộng vườn hầu như bỏ hoang vì không có nước. Đất khô cứng, há miệng, lọt cả bàn chân, các loại cây trồng sống còn khó chứ nói gì ra trái, trổ bông.

Nhưng từ ngày nước kênh chính Đông chảy vào kênh N4, xuống các kênh nội đồng, xã trở thành vùng chuyên cây ăn trái với nhãn, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm. Nhờ nước kênh N4, rất nhiều hộ đào ao nuôi cá rô đầu vuông, cá lóc, cá lăng…bây giờ không có một tấc đất nào bỏ hoang. Rất nhiều hộ từ khá đến giàu, không còn hộ nào phải ở nhà tạm, không ai thiếu đói như trước nữa”.

Ảnh chụp Màn hình 2022-10-25 lúc 20.33.45

Ông Đặng Hồng Phước: "Nước hồ Dầu Tiếng giúp người dân Tây Ninh đổi đời". Ảnh: Hồng Thuỷ.

Và hơn thế nữa…

Với dung tích 1,58 tỷ m3 nước, công trình hồ Dầu Tiếng cung cấp nước tưới tiêu cho 172.000ha.  Trong đó khu tự chảy 67.000ha của kênh chính Đông và kênh chính Tây, khu tưới bằng bơm là 105.000ha.

Công trình dẫn nước qua hệ thống 2 kênh chính Đông và Tây. Kênh chính Đông dài 45km, cùng với 140km kênh loại II (cấp 1, 2), 480 km kênh loại III (cấp 3, 4, nội đồng). Trên toàn hệ thống có 1.950 công trình xây đúc các loại. Các kênh tưới được thiết kế theo kênh nổi hoặc nửa nổi nửa chìm; hệ thống tiêu thoát nước là kênh đào, có tận dụng và cải tạo một số rạch tự nhiên trong khu vực.

Hệ thống kênh chảy qua các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu, Trảng Bàng (Tây Ninh), Bến Cát, Dầu Tiếng (Bình Dương), Củ Chi (TP.HCM), Đức Hòa (Long An). Và thoát ra sông Sài Gòn qua hệ thống tiêu thoát nước. Trong trường hợp xả lũ khẩn cấp, kênh chính Đông sẽ đưa nước trực tiếp ra sông Sài Gòn mà không qua hệ thống tiêu thoát.

IMG_3388

Tấm thảm pin năng lượng mặt trời ở vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng đẹp như một bức tranh. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Hệ thống kênh chính Đông của công trình hồ Dầu Tiếng có vai trò vô cùng quan trọng đối với TP.HCM, đặc biệt là huyện Củ Chi. Nhờ có kênh Đông, TP.HCM chủ động được nguồn nước, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản với trên 1.000ha mặt nước; cấp nước sinh hoạt cho Thành phố, thông qua nhà máy nước kênh Đông, với công suất 300.000m3/ngày đêm; cấp nước sinh hoạt cho Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, công suất 5.000 m3/ngày đêm.

Tương tự, kênh chính Tây dài 39km, với hệ thống kênh cấp I dài 145km, có vai trò quan trọng đối với các huyện phía Tây tỉnh Tây Ninh bao gồm Dương Minh Châu, Hòa Thành, TP.Tây Ninh…

Năm 1996, thêm tuyến kênh thứ 3 là kênh Tân Hưng được mở thêm để lấy nước hồ cung cấp cho các huyện vùng cao Châu Thành, Tân Châu và Tân Biên. Kênh Tân Hưng dài 29km, thiết kế nước chảy ngang thay vì chảy xuôi như 2 tuyến kênh Đông, Tây. Cả hai kênh Tây và Tân Hưng thông qua hệ thống tiêu thoát nước rồi đổ vào rạch Bàu Nâu (phụ lưu của sông Vàm Cỏ Đông, nằm trên địa bàn xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu), trước khi ra sông chính.

IMG_30524

Khung cảnh khu vực sát hệ thống điện mặt trời dưới lòng hồ cũng rất đẹp, giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Ảnh: Hồng Thuỷ. 

Sau khi thực hiện “sứ mệnh quan trọng” như trên, hồ Dầu Tiếng tiếp tục trở thành “con gà đẻ trứng bạc” cho tỉnh Tây Ninh khi đầu tư dự án điện mặt trời lớn nhất khu vực Đông Nam Á ở vùng bán ngập.

Tháng 6/2019, 2 trong số 3 cụm nhà máy điện mặt trời ở vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh do Tập đoàn Xuân Cầu và đối tác là công ty B.Grimm Power Public (Thái Lan) làm chủ đầu tư đã chính thức đưa vào hoạt động sau gần 1 năm thi công. Công trình được xây dựng trải dài trên diện tích hơn 720ha đất bán ngập khu vực hồ Dầu Tiếng, với sản lượng điện khoảng 1,9 triệu kWh/ngày (690 triệu kWh/năm).

Theo đại diện chủ đầu tư Xuân Cầu, mỗi năm nhà máy sẽ sản xuất lượng điện tương đương 1.500 tỷ đồng, trung bình 1ha mỗi năm mang lại khoảng 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cụm nhà máy điện DT1 và DT2 sẽ là một cú hích để phát triển các khu công nghiệp lân cận, góp phần tạo công việc đáng kể cho nguồn lao động địa phương. Ngoài tra, công trình này còn tạo cảnh quan rất đẹp, thu hút khách tham quan, kết nối với các điểm hồ Dầu Tiếng và núi Bà Đen, tạo ra hệ sinh thái kinh tế và du lịch.

Ảnh chụp Màn hình 2022-10-25 lúc 20.44.36

Ông Trần Việt Biên: "Đời sống nhân dân Tây Ninh thay đổi nhờ hồ Dầu Tiếng là điều mà ai cũng thấy". Ảnh: Hồng Thuỷ.

Đánh giá về tiềm năng của công trình, anh Hoàng Ngọc Ánh, kỹ sư thi công điện tại công trình cho biết, địa điểm đặt nhà máy thường xuyên có nắng với lượng bức xạ lớn và ổn định, với cường độ bức xạ đạt 5,1 kWh/m2 mỗi ngày và số giờ nắng trung bình gần 2.600 giờ/năm. Để khai thác hết tiềm năng từ vùng bán ngập, chủ đầu tư và đối tác chấp nhận mức đầu tư lớn cho hạ tầng kỹ thuật và các công nghệ liên quan. Hệ thống pin sử dụng công nghệ quang điện loại silic đa tinh thể, hiệu suất chuyển đổi trên 17%; 70 bộ inverter (biến tầng) hiệu suất chuyển đổi trên 98%. Ngoài ra, phần pin và inverter được lựa chọn theo công nghệ 1.500VDC để giảm thiểu tối đa tổn hao điện năng.

Ngoài nhiệm vụ tưới tiêu, cung cấp nước sinh hoạt, nước cho sản xuất công nghiệp, hồ Dầu Tiếng còn làm nhiệm vụ rất quan trọng, đó là “đẩy mặn”.

Theo kết quả quan trắc, từ khi có nước Dầu Tiếng, nước mặn trên sông Sài Gòn bị đẩy lùi từ Thủ Dầu Một xuống Lái Thiêu, mặn trên sông Vàm Cỏ Đông được đẩy từ Gò Dầu xuống Đức Huệ (Long An). Nhờ vậy, những vùng đất vốn bị nhiễm mặn, nhiễm phèn ở ven hai con sông này đã được “ngọt hóa”. Những vùng đất xưa từng phải bỏ hoang vì xâm nhập mặn, thì nay đã trù phú, xanh tươi.

Ngoài ra, nước đã “ngọt hoá” từ sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông đã tưới cho hơn 60.000ha ven bờ 2 con sông này. Các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức (Long An) có vùng trồng hoa màu rộng tới gần 30.000ha, mà trước đây chỉ hơn 6.000ha. Diện tích lúa của ba huyện này cũng tăng lên 50.000ha.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người dâng giọt mật cho đời

Nghề làm mật mía đã nuôi sống mấy thế hệ trong gia đình lão Nhạc. Tuy nhiên, lão vẫn lo một ngày nào đó nghề cha ông sẽ bị thất truyền.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất